Đề xuất cơ chế đặc biệt đầu tư đường liên vùng kết nối Khánh Hòa, Ninh Thuận và Lâm Đồng

Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường đề xuất đầu tư đường liên vùng kết nối Khánh Hòa, Ninh Thuận và Lâm Đồng bằng hình thức đầu tư công và có cơ chế đặc biệt.

Phá vỡ thế độc đạo, góp phần phát triển các tiểu đô thị sinh thái núi rừng 

Theo Cổng TTĐT Quốc hội, chiều 10/5, Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường tổ chức Phiên họp toàn thể lần thứ 6 với phần thẩm tra việc điều chỉnh chủ trương đầu tư dự án Hồ chứa nước Ka Pét, huyện Hàm Thuận Nam, tỉnh Bình Thuận và Thẩm tra việc quyết định chủ trương đầu tư dự án đường liên vùng kết nối Khánh Hòa, Ninh Thuận và Lâm Đồng. 

Đề cập về  dự án đường liên vùng kết nối Khánh Hòa, Ninh Thuận và Lâm Đồng, Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Đỗ Thành Trung cho biết, việc đầu tư dự án nhằm hoàn thiện hệ thống giao thông kết nối hai huyện miền núi Khánh Sơn và Khánh Vĩnh theo quy hoạch hệ thống giao thông của tỉnh Khánh Hòa, xóa bỏ tính độc đạo về kết nối giao thông đường bộ đến trung tâm huyện miền núi Khánh Sơn.

Chủ trương đầu tư dự án cũng tạo điều kiện phát triển kinh tế, xã hội hai huyện miền núi Khánh Sơn, Khánh Vĩnh nói riêng và tỉnh Khánh Hòa nói chung, tăng khả năng kết nối giao thông, vận chuyển hàng hóa liên vùng với tỉnh Ninh Thuận và tỉnh Lâm Đồng.

Việc đầu tư dự án cũng góp phần phát triển kết cấu hạ tầng giao thông đồng bộ, hiện đại kết nối, phát triển các huyện Khánh Sơn và Khánh Vĩnh thành các tiểu đô thị sinh thái núi rừng của tỉnh.

Thay mặt cơ quan thẩm tra dự án, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường Nguyễn Thị Lệ Thủy cho biết, qua nghiên cứu hồ sơ dự án, khảo sát thực tế và các ý kiến thẩm tra, Uỷ ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường nhận thấy dự án là một trong những dự án giao thông quan trọng.

Việc đầu tư Dự án sẽ phá vỡ thế độc đạo về giao thông đường bộ hiện trạng kết nối huyện Khánh Sơn, hình thành mạng lưới giao thông đường bộ có tính kết nối liên vùng cao, kết nối giữa tỉnh Khánh Hòa với hai tỉnh Lâm Đồng và Ninh Thuận, thể hiện rõ ở điểm đầu của dự án kết nối vào Quốc lộ 27C6 (đi tỉnh Lâm Đồng), điểm cuối của dự án kết nối với tuyến Đường tỉnh ĐT 707, tỉnh Ninh Thuận.

Khi dự án được đầu tư, hoàn thành sẽ hình thành một trục giao thông theo hướng bắc – nam tại khu vực phía Tây của tỉnh Khánh Hòa kết nối với trục giao thông cũng theo hướng nắc – nam (đường tỉnh ĐT 707).

 Phó Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường Nguyễn Thị Lệ Thủy. (Ảnh: Cổng TTĐT Quốc hội).

Trục giao thông nêu trên kết nối đồng bộ với mạng lưới quốc lộ theo hướng Đông – Tây hiện hữu (các Quốc lộ 27, 27B, 27C) đã hình thành mạng lưới đường bộ thông suốt từ phía tây đường tỉnh Khánh Hòa qua đến phía tây tỉnh Ninh Thuận đến tỉnh Lâm Đồng, hình thành tuyến đường giao thương có ý nghĩa quan trọng, tạo động lực cho tăng trưởng kinh tế giữa các tỉnh; tạo thuận lợi cho việc kết nối các đầu mối giao thông về hàng không (sân bay quốc tế Cam Ranh), về hàng hải (cảng biển ở Khu kinh tế Vân Phong, Nha trang), về đường sắt (đường sắt Bắc- Nam) của ba tỉnh Khánh Hòa, Ninh Thuận và Lâm Đồng.

Tuyến đường mang tính kết nối liên vùng, góp phần chuyển dịch cơ cấu kinh tế từ nông, lâm nghiệp sang dịch vụ, khai thác tiềm năng phát triển du lịch như Thác Yang Bay (Khánh Vĩnh) và thác Tà Gụ (Khánh Sơn), tạo cơ hội liên kết các tỉnh trong vùng, phát triển thành các “vùng du lịch”, kết hợp du lịch biển, du lịch sinh thái, du lịch cộng đồng gắn với bản sắc văn hóa theo đặc trưng riêng của mỗi địa phương, góp phần cụ thể hóa được mục tiêu tại Nghị quyết số 09-NQ/TW ngày 28/01/2022 của Bộ Chính trị và định hướng quy hoạch tỉnh Khánh Hòa thời kỳ 2021-2030 phát triển huyện Khánh Sơn và huyện Khánh Vĩnh thành các tiểu đô thị sinh thái núi rừng của tỉnh Khánh Hòa.

Đề xuất đầu tư công và cơ chế đặc biệt

Theo Phó Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường Nguyễn Thị Lệ Thủy, huyện Khánh Sơn và Khánh Vĩnh là hai huyện miền núi của tỉnh Khánh Hòa, là các huyện nghèo thuộc danh sách 74 huyện nghèo thuộc 26 tỉnh giai đoạn 2021 – 2025 với hơn 70% dân số là người dân tộc thiểu số; điều kiện sinh sống còn nhiều khó khăn với tỷ lệ hộ nghèo chiếm trên hơn 45% dân số; thu nhập bình quân đầu người còn thấp, chỉ bằng khoảng 40% so với thu nhập bình quân đầu người của toàn tỉnh.

Dự án được đầu tư dự kiến giúp tạo nhiều công ăn việc làm cho người dân hai huyện Khánh Sơn và Khánh Vĩnh, góp phần ổn định đời sống dân cư, rút ngắn khoảng cách thu nhập của người dân trên địa bàn hai huyện so với toàn tỉnh.

Việc đầu tư xây dựng bổ sung tuyến đường mới kết nối đến huyện Khánh Sơn góp phần tăng cường an ninh, quốc phòng, tạo điều kiện chủ động trong các tình huống cấp thiết; liên kết giao thông, hình thành thế trận phòng thủ vững chắc, sẵn sàng đáp ứng yêu cầu khi xử lý các tình huống phát sinh về đảm bảo an ninh, quốc phòng trên địa bàn tỉnh Khánh Hòa và các địa phương lân cận (tỉnh Lâm Đồng, tỉnh Ninh Thuận) và rộng hơn là cả khu vực Tây Nguyên và Nam Trung Bộ.

Quyết tâm chính trị rất cao của Đảng bộ và nhân dân tỉnh Khánh Hòa trong việc bố trí số vốn dự phòng trung hạn để đầu tư cho phần vốn đối ứng thực hiện dự án (kể cả phần tăng thêm, nếu có).

Vì những lý do nêu trên, Thường trực Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường tán thành với sự cần thiết đầu tư Dự án.

Về hình thức đầu tư, Thường trực Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường cho rằng, dự án nằm trên địa bàn có địa hình hiểm trở, lưu lượng xe không cao, có mục tiêu chiến lược về chính trị, quốc phòng, an ninh và tạo động lực phát triển mới nhằm phá thế độc đạo cho địa phương, do vậy, việc thu hút được nguồn lực đầu tư tư nhân (PPP) là không khả thi.

Thường trực Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường nhận thấy, việc đề xuất hình thức đầu tư theo phương án đầu tư công là phù hợp.

Thường trực Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường báo cáo Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho phép trình Quốc hội đối với các kiến nghị của Chính phủ tại Tờ trình số 103/TTr-CP ngày 03/4/2023, cụ thể: Quyết định chủ trương đầu tư Dự án đường liên vùng kết nối Khánh Hòa, Ninh Thuận và Lâm Đồng, từ Yang Bay – Tà Gụ kết nối với Quốc lộ 27C và đường ĐT 707, xã Phước Bình, huyện Bác Ái, tỉnh Ninh Thuận.

Cho phép dự án được thực hiện theo cơ chế đặc biệt gồm: Giao UBND tỉnh Khánh Hòa quyết định đầu tư, tổ chức thực hiện theo trình tự, thủ tục, thẩm quyền thực hiện dự án nhóm A do cấp tỉnh quản lý theo pháp luật về đầu tư công.

Trường hợp điều chỉnh chủ trương đầu tư dự án trong thời gian Quốc hội không họp, Quốc hội ủy quyền Ủy ban Thường vụ Quốc hội xem xét, quyết định. Đóng góp ý kiến đối với dự án đường liên vùng kết nối Khánh Hòa, Ninh Thuận và Lâm Đồng, các đại biểu tập trung vào hình thức đầu tư xây dựng; cơ chế đặc biệt triển khai đầu tư dự án...

chọn
Hình ảnh khu phức hợp Đại sứ quán Mỹ sau hơn năm khởi công
Hình ảnh mới nhất về tiến độ khu phức hợp Đại sứ quán Hoa Kỳ sau hơn năm khởi công.