Ngày 8/6 vừa qua, tại buổi tọa đàm trong khuôn khổ Hội nghị Nhà đầu tư Invest ASEAN 2022 do Ngân hàng Maybank tổ chức, ông Nguyễn Quang Thuân, Tổng Giám đốc FiinGroup đã có những đề xuất về chiến lược vốn của doanh nghiệp trong bối cảnh hiện nay.
Theo ông Thuân, các doanh nghiệp có thể đa dạng hóa nguồn vốn từ khách hàng và đối tác, chủ động minh bạch hồ sơ năng lực tín dụng, đồng thời đẩy mạnh kênh trái phiếu chào bán ra công chúng thay vì chào bán riêng lẻ.
Cụ thể, trong bối cảnh hạn chế vốn tín dụng ngân hàng trong ngắn hạn, vốn từ trái phiếu đang chờ các quy định rõ ràng hơn và môi trường lãi suất đã “chạm đáy”, các doanh nghiệp có thể tận dụng kênh vốn từ khách hàng thông qua mở bán và nhận các khoản trả trước (nhất là khách hàng cá nhân), đồng thời tận dụng kênh vốn từ đối tác hợp tác kinh doanh và nhà cung cấp (vốn lưu động).
Nguồn vốn bao gồm hợp tác đầu tư, các khoản vay nợ nước ngoài và các nguồn khác cũng đang chiếm 51% trong cơ cấu nguồn vốn vay của các doanh nghiệp bất động sản niêm yết. Còn lại, 14% đến từ vay ngân hàng, 17% đến từ vay trái phiếu và 18% đến từ khách hàng trả tiền trước.
Đối với ý tưởng minh bạch hồ sơ năng lực tín dụng, ông Thuân cho biết, hiện nhiều tổ chức tín dụng và đầu tư cả trong và ngoài nước vẫn thực hiện cho vay có chọn lọc tùy theo chất lượng tín dụng của doanh nghiệp và của dự án cụ thể. Việc xây dựng và cải thiện hồ sơ tín dụng trên thị trường vốn là giải pháp căn cơ hướng đến một chiến lược vốn tối ưu thay vì khi có nhu cầu huy động vốn mới thực hiện.
Bên cạnh đó, theo ông Thuân, dự thảo Nghị định 153 đang được thực hiện theo hướng chặt chẽ hơn với kênh trái phiếu phát hành riêng lẻ, các đơn vị tư vấn cũng sẽ tập trung tư vấn qua kênh đại chúng sau những sự kiện gần đây và thay đổi pháp lý. Do đó, việc chào bán trái phiếu ra công chúng là một phương án huy động vốn trong bối cảnh pháp lý hiện nay.
Đánh giá về năng lực tín dụng của các doanh nghiệp bất động sản, ông Thuân cho biết, các doanh nghiệp vẫn còn nhiều dư địa, khả năng vay và trả nợ vẫn tương đối ổn định, song sức khỏe tài chính đang suy giảm.
Tình hình dịch bệnh và vấn đề pháp lý làm ảnh hưởng đến tiến độ triển khai các dự án, ngành bất động sản dân cư được dự báo kết quả kinh doanh đi ngang trong năm 2022, qua đó khiến việc tiếp cận nguồn vốn từ các kênh gặp hạn chế.
Cùng với đó, việc Ngân hàng Nhà nước kiểm soát chặt chẽ tín dụng đối với lĩnh vực bất động sản, áp lực đáo hạn trái phiếu lớn trong giai đoạn 2022 - 2024 và các yếu tố vĩ mô như lạm phát, giá nguyên vật liệu tăng cũng tạo áp lực ở mức cao đối với các doanh nghiệp trong bối cảnh thắt chặt kênh tín dụng.