Đề xuất gói kích thích kinh tế kéo dài tới năm 2022

Hội đồng Tư vấn chính sách tài chính, tiền tệ quốc gia đề xuất các gói chính sách phục hồi kinh tế kéo dài đến năm 2022.

Ngày 9/7, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc chủ trì cuộc họp Hội đồng Tư vấn chính sách tài chính, tiền tệ quốc gia.

Tại cuộc họp, các thành viên Hội đồng nhận định tình hình thế giới, khu vực tiếp tục diễn biến phức tạp, khó lường. Dịch bệnh chưa kết thúc trong năm nay mà có thể kéo dài trong thời gian tới.

Do vậy, có ý kiến cho rằng, gói chính sách phục hồi phát triển kinh tế phải mang tính dài hạn, cho cả năm 2021, 2022, chứ không chỉ trong năm nay với tinh thần tiến công kinh tế trong khi phòng thủ dịch bệnh.

Đề xuất gói kích thích kinh tế kéo dài tới năm 2022  - Ảnh 1.

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc. (Ảnh: Quang Hiếu/VGP)

Một số thành viên kiến nghị, so với các nước thì gói hỗ trợ tài khóa của chúng ta là ít nhất, do đó cần tập trung vào gói này nhiều hơn, cũng như tăng quy mô các gói hỗ trợ, nhất là cho ngành hàng không. Kích cầu nội địa cũng nên hướng vào kích cầu du lịch, bán lẻ, tín dụng tiêu dùng. Ngành ngân hàng cần tiếp tục hạ lãi suất cho vay.

Theo TS Võ Trí Thành, phải thực hiện thật nhanh các gói hỗ trợ đã ban hành gồm gói hỗ trợ an sinh 62.000 tỷ đồng, gói hỗ trợ tài chính hơn 180.000 tỉ đồng

Còn TS Trần Du Lịch bày tỏ điều đáng sợ nhất hiện nay là dịch bệnh quay lại. Ông nhấn mạnh “nhìn các bãi biển đông người, sân bóng đá chật cứng khán giả là điều hạnh phúc”.

Đồng quan điểm, chuyên gia Bùi Đức Thụ góp ý việc cứu trợ doanh nghiệp là việc cần làm, nhưng gia tăng sức sống cho doanh nghiệp không thể chỉ làm trong 1 năm. Ngoài cơ chế hỗ trợ khắc phục ảnh hưởng của Covid-19, cần có các chính sách hỗ trợ đặc biệt phục vụ tái cơ cấu doanh nghiệp mạnh hơn. Ông nhấn mạnh không chỉ tái cơ cấu thị trường đầu vào, đầu tư mà cả lao động, tăng sức chống chịu của nền kinh tế.

TS Trần Đình Thiên nhận định thực lực doanh nghiệp của chúng ta còn yếu, đặc biệt đa số là doanh nghiệp vừa và nhỏ. Do đó, ông cho rằng không chỉ cứu cái cũ mà còn cần tạo cái mới, tức là bên cạnh hỗ trợ doanh nghiệp, cần thúc đẩy khởi nghiệp sáng tạo.

Ông cũng tư vấn trong tình thế khó khăn này, cần tính tới các biện pháp xử lý nợ xấu. Ngoài ra, giải ngân đầu tư công phải ráo riết hơn. Trong bối cảnh này, Nhà nước phải là “người mua hàng lớn nhất” đối với các sản phẩm “made in Việt Nam”.

Ghi nhận góp ý từ các chuyên gia, Thủ tướng cho rằng, xu hướng các nước là tiếp tục thực hiện giải pháp kích thích kinh tế, cả về tài khóa và tiền tệ. Do đó, với bối cảnh hiện nay, Hội đồng thống nhất kịch bản tăng trưởng từ 3-4%, kiểm soát lạm phát dưới 4%.

Thủ tướng giao Bộ Kế hoạch & Đầu tư, Ngân hàng Nhà nước, Bộ Tài chính, Bộ Công Thương và các bộ liên quan tiếp tục rà soát, cập nhật kịch bản tăng trưởng, lạm phát theo từng quý.

Thủ tướng cho biết, sẵn sàng nhận các ý kiến, khuyến nghị của các chuyên gia, thành viên Hội đồng khi cần để điều hành chính sách, chứ "không chờ tới khi Hội đồng họp".

Ông đề nghị các thành viên Hội đồng thường xuyên theo dõi diễn biến thị trường quốc tế, thị trường trong nước, có đối sách phù hợp, kịp thời. Muốn vậy, phải có hệ thống phân tích, dự báo và năng lực chính sách tốt.

chọn
Lãnh đạo Everland chia sẻ về dự án HH5 Bắc An Khánh vừa M&A ở khu tây Hà Nội
Tại ĐHĐCĐ thường niên 2024, Chủ tịch Everland Lê Đình Vinh cho biết, hiện nay tình hình thị trường bất động sản phía tây Hà Nội đang ấm dần, do tập đoàn đang phối hợp với chủ khu đô thị Bắc An Khánh để hoàn thiện các thủ tục về đầu tư, xây dựng ô đất HH5 để có thể triển khai xây dựng từng phần ngay trong 2024.