Theo đó, do giá bán khí CNG ổn định từ năm 2017 nên TP HCM đã ban hành bộ định mức kinh tế kỹ thuật từ ngày 1/1/2019 và đang thực hiện thủ tục để công bố bộ đơn giá này vào tháng 9/2019. Tuy nhiên, do Công ty CP Kinh doanh khí miền Nam thuộc Tổng Công ty Khí Việt Nam, đơn vị duy nhất cung cấp khí CNG, đã đề nghị thay đổi công thức tính giá bán, dẫn đến việc giá bán mới cao hơn giá bán cũ 13,6%.
Ngoài ra, do hiện nay giá bán khí CNG không được loại trừ thuế bảo vệ môi trường dẫn đến chi phí vận hành (tính trên 100 km) của loại xe sử dụng khí CNG sẽ cao hơn chi phí của xe sử dụng dầu diesel. Việc này về lâu dài sẽ không khuyến khích doanh nghiệp vận tải tiếp tục đầu tư phương tiện sử dụng nhiên liệu khí CNG.
Do đó, trong thời gian chờ Bộ Tài chính và Tập đoàn Dầu khí quốc gia Việt Nam xem xét kiến nghị của UBND TP về ổn định nguồn cung và giá khí nén thiên nhiên CNG trong hoạt động vận tải hành khách công cộng bằng xe buýt, UBND TP HCM đề nghị Tập đoàn Dầu khí quốc gia Việt Nam xem xét, chỉ đạo Tổng Công ty Dầu khí Việt Nam không thay đổi công thức xác định giá bán nhiên liệu cho hoạt động vận tải hành khách công cộng cho xe buýt ở TP HCM (giữ nguyên như năm 2018) để tạo điều kiện cho các đơn vị hoạt động và tiếp tục triển khai việc đầu tư thay thế xe buýt mới sử dụng nhiên liệu CNG theo chủ trương của UBND TP HCM.
Trước đó, Pháp Luật TP HCM có phản ánh thông tin về việc chín doanh nghiệp xe buýt kêu cứu. Trong đó, các doanh nghiệp vận tải cho rằng mức trợ giá xe buýt hiện nay không thỏa đáng, không đủ chi phí tối thiểu cho xe buýt hoạt động.