Nhiều địa phương kêu thiếu tiền hỗ trợ dịch tả châu Phi, đề nghị tạm ứng ngay 1.200 tỉ cho các tỉnh xảy ra dịch

Bộ Nông nghiệp đề xuất mức hỗ trợ cho các hộ chăn nuôi heo bị dịch tả châu Phi dựa trên giá thành sản xuất thay vì giá thị trường. Phó Thủ tướng yêu cầu Bộ Tài chính tạm ứng ngay 1.200 tỉ cho các tỉnh xảy ra dịch.

Chiều 7/6, Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ chủ trì cuộc họp với các bộ, ngành và nhiều địa phương để bàn phương án hỗ trợ tài chính từ ngân sách Trung ương trong xử lí dịch tả heo châu Phi.

Địa phương thiếu tiền hỗ trợ các hộ bị dịch tả châu Phi

Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cho biết hiện dịch tả heo châu Phi diễn biến phức tạp và nguy cơ rất cao sẽ tiếp tục phát sinh tại các địa phương.

Chỉ tính riêng khu vực Đồng bằng Sông Hồng, đã có 30% tổng đàn heo bị tiêu hủy. Đây là khu vực chịu ảnh hưởng nặng nề nhất của dịch tả, bởi trung bình cả nước đến thời điểm này, dịch chỉ mới xoá sổ khoảng 7% đàn heo.

Đề xuất thay đổi mức hỗ trợ dịch tả châu Phi, đề nghị tạm ứng ngay 1.200 tỉ cho các tỉnh xảy ra dịch - Ảnh 1.

Nhiều địa phương cho biết đang thiếu tiền hỗ trợ các hộ bị dịch tả châu Phi. (Ảnh: VGP).

Với thiệt hại nặng nề này, lãnh đạo các địa phương cho biết đang cần ngân sách Trung ương hỗ trợ khẩn cấp bởi ngân sách địa phương đang eo hẹp và khó khăn, không đủ chi trả, hỗ trợ cho các hộ chăn nuôi bị thiệt hại.

Báo cáo của tỉnh Nam Định cho biết, đến nay đã tiêu hủy 220.000 con heo, tương đương 12.000 tấn. Theo Phó Chủ tịch Nam Định - ông Ngô Gia Tự, qui định tổng mức kinh phí hỗ trợ cho số heo thiệt hại này là 442 tỉ đồng, nhưng hiện ngân sách địa phương eo hẹp.

Lãnh đạo tỉnh Nam Định khẳng định việc trích 13% ngân sách địa phương cũng không thể làm được trong khi ngân sách Trung ương chưa hỗ trợ kịp.

Trong khi đó, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Thái Bình - ông Nguyễn Hoàng Giang, cũng cho biết thêm tỉnh đã hỗ trợ 150 tỉ đồng cho 70.000 tấn thịt heo bị tiêu huỷ nhưng vẫn còn rất thiếu.

Với tỉ lệ đàn heo bị thiệt hại nặng nề, các địa phương này cho cho biết đang gặp khó về chính sách hỗ trợ người chăn nuôi.

"Hỗ trợ kịp thời cho các hộ dân và chi phí cho tiêu huỷ heo tuy là chính sách tài chính nhưng trong tình hình hiện nay, đây cũng sẽ là một giải pháp để ngăn chặn đà lây lan của dịch bệnh", Phó Chủ tịch UBND tỉnh Nam Định nói với Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp Nguyễn Xuân Cường và Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ.

Thay đổi mức hỗ trợ theo giá thành sản xuất

Trước khó khăn của các địa phương, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn kiến nghị Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ xem xét ban hành Nghị quyết của Chính phủ thay thế cho các nội dung tại Nghị quyết số 16 về một số giải pháp cấp bách trong phòng, chống dịch tả heo châu Phi.

Đề xuất thay đổi mức hỗ trợ dịch tả châu Phi, đề nghị tạm ứng ngay 1.200 tỉ cho các tỉnh xảy ra dịch - Ảnh 2.

Bộ Nông nghiệp đề xuất thay đổi mức hỗ trợ heo bị dịch tả theo giá thành sản xuất thay vì giá thị trường. (Ảnh: Tuổi Trẻ).

Cụ thể, thống nhất mức hỗ trợ cho chủ vật nuôi 25.000 đồng/kg đối với heo con, heo thịt các loại (tương đương 66% giá thành).

Đối với heo nái, heo đực đang khai thác, hỗ trợ 30.000 đồng/kg heo hơi (tương đương 79% giá thành).

Bộ Nông nghiệp cho biết việc hỗ trợ dựa trên giá thành sản xuất sẽ ổn định hơn so với hỗ trợ theo giá thị trường. Điều này cũng sát với chi phí thực tế chăn nuôi heo của người dân, tạo sự công bằng giữa các địa phương.

Đồng thời, bổ sung đối tượng chủ doanh nghiệp chăn nuôi heo được hỗ trợ 30% mức hỗ trợ cho chủ vật nuôi để duy trì sản xuất, tái đàn khi hết dịch. Hỗ trợ cho chủ cơ sở nuôi giữ heo giống mức 500.000 đồng/con.

Đồng ý với các kiến nghị của Bộ Nông nghiệp, Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ cũng đề xuất tăng hỗ trợ cho người tham gia tiêu hủy, phòng chống với mức sàn là 200.000 đồng/người với ngày thường và gấp đôi vào ngày lễ.

Đặc biệt, Phó Thủ tướng đề nghị Bộ Tài chính làm thủ tục tạm ứng ngay khoảng 1.200 tỉ đồng cho các địa phương trong vùng để hỗ trợ dân có heo bị dịch.

chọn
Hai thách thức lớn của Long Hậu
Đánh giá về 2024, Long Hậu cho rằng các chính sách pháp luật có nhiều thay đổi, là một trong những rủi ro ảnh hưởng đối với các nhà phát triển khu công nghiệp. Bên cạnh đó, nhiều doanh nghiệp ngoài ngành bắt đầu chuyển hướng đầu tư sang BĐS công nghiệp cũng làm gia tăng sự cạnh tranh trong lĩnh vực này.