Hôm nay (ngày 7/6), UBND 2 huyện Tánh Linh và Đức Linh, tỉnh Bình Thuận đã công bố thông tin dịch tả heo châu Phi xuất hiện trên địa bàn.
Cụ thể, tại huyện Tánh Linh có 2 ổ dịch tại xã Gia An. Hộ đầu tiên có 7 con heo chết. Hộ thứ hai cũng có 1 con chết bất thường. Sau khi địa phương lấy mẫu, gửi đến Chi cục Thú y vùng VI, kết quả dương tính với dịch tả heo châu Phi.
Dịch tả heo châu Phi đã xuất hiện trên địa bàn tỉnh Bình Thuận. (Ảnh: Pháp Luật TP HCM)
Ngay khi phát hiện, địa phương đã tiến hành tiêu hủy đàn heo mắc bệnh, đồng thời tổ chức kiểm tra, theo dõi, giám sát đối với từng hộ chăn nuôi và giết mổ để phòng ngừa dịch lây lan.
Trước mắt, 14 cơ sở giết mổ không phép thuộc huyện Tánh Linh sẽ ngừng hoạt động. Đồng thời, địa phương sẽ tăng cường kiểm tra, xét nghiệm heo trước và sau khi giết mổ để đảm bảo an toàn.
Trong khi đó, ổ dịch ở huyện Đức Linh lại xảy ra tại một trang trại có quy mô lớn nhất của huyện, nằm tại xã Đức Chính, với tổng đàn hơn 750 con. Khi đàn heo có dấu hiệu bệnh, địa phương đã lấy mẫu xét nghiệm và chiều 6/6, Chi cục Thú y vùng VI cho kết quả dương tính dịch tả châu Phi.
Lãnh đạo tỉnh Bình Thuận đã yêu cầu hai huyện có dịch khẩn trương triển khai các biện pháp dập dịch, khoanh vùng, phân loại vùng đệm, vùng uy hiếp tùy theo mức độ để ứng phó, không để bệnh lây lan thêm.
Các địa phương lân cận phải tăng cường thực hiện biện pháp an toàn sinh học, tiêu độc, khử trùng, cách li lây lan từ vùng này qua vùng khác.
Theo Cục Thú y (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn), tính đến ngày 5/6, dịch tả heo châu Phi đã xảy ra tại 3.775 xã, thuộc 369 huyện của 54 tỉnh, thành phố, buộc phải tiêu hủy hơn 2,3 triệu heo, với tổng trọng lượng hơn 135 nghìn tấn.
Như vậy, với việc Bình Thuận công bố dịch tả ngày 7/6, đây là tỉnh thứ 55 trên cả nước bùng phát dịch.
Theo thông tin từ Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, tính đến ngày 6/6, Nhơn Trạch là huyện đầu tiên của tỉnh Đồng Nai công bố hết dịch tả heo châu Phi. Trước đó, huyện này có 3 xã bùng phát dịch.
Theo quy định, tính từ khi phát hiện, tiêu hủy đàn heo bị bệnh, theo dõi 30 ngày nếu không ghi nhận có heo chết thêm do dịch tả, thì địa phương đủ điều kiện công bố hết dịch.
Huyện Nhơn Trạch (tỉnh Đồng Nai) đã công bố hết dịch tả heo châu Phi. (Ảnh: Báo Đồng Nai).
Trước đó, xã Đồi 61 (huyện Trảng Bom), địa phương đầu tiên xảy ra dịch tại "thủ phủ" heo Đồng Nai cũng đã công bố hết dịch tả heo châu Phi.
Tuy nhiên, hiện dịch vẫn diễn biến phức tạp tại Đồng Nai. Mới đây, ngày 1/6, tỉnh này phát hiện thêm một ổ dịch mới tại xã Bình Minh, với tổng đàn 68 con. Ngay sau khi có kết quả xét nghiệm dương tính, địa phương đã tiến hành tiêu hủy theo đúng quy định.
Đến nay, tỉnh Đồng Nai vẫn còn 10 xã thuộc 3 huyện Trảng Bom, Vĩnh Cửu, và Long Thành bị dịch. Thống kê của Sở Nông nghiệp Đồng Nai cho biết tổng số heo bị bệnh và tiêu hủy trên địa bàn kể từ khi có dịch là khoảng 7.300 con.
Trước tình hình dịch bệnh lây lan nhanh, Đồng Nai đã chỉ đạo công an tập trung điều tra, xử lí các vi phạm trong vận chuyển, kinh doanh, giết mổ heo chết, heo bệnh. Đồng thời, các địa phương phải tăng cường kiểm soát nguồn heo ra vào, nhất là ở các vùng có dịch.
Đặc biệt, tỉnh Đồng Nai cũng kiểm soát, không để tình trạng các cơ sở chăn nuôi sử dụng thức ăn thừa. Đây được xem là nguyên nhân lớn gây lây lan dịch tả heo châu Phi.
Kinh doanh 05:00 | 05/01/2022
Kinh doanh 05:00 | 14/11/2021
Kinh doanh 05:00 | 11/10/2021
Kinh doanh 05:00 | 05/10/2021
Kinh doanh 05:00 | 03/09/2021
Tiêu dùng 05:17 | 09/06/2020
Tiêu dùng 17:31 | 27/05/2020
Tiêu dùng 21:24 | 26/03/2020