Đến lượt Thái Lan cân nhắc dời đô khỏi Bangkok

Sau Indonesia, Thái Lan có thể là quốc gia Đông Nam Á tiếp theo dời thủ đô đi nơi khác trước viễn cảnh bị nước biển nhấn chìm.
 - Ảnh 1.

Bangkok với hơn 10 triệu dân đối mặt với nhiều thách thức như kẹt xe, ô nhiễm và ngập nước. (Ảnh: AFP).

Theo báo ASEAN Post, phát biểu tại hội thảo chủ đề "Kết nối Thái Lan với thế giới" hồi tuần trước, Thủ tướng Thái Prayut Chan-o-cha đã đặt vấn đề dời thủ đô ra khỏi Bangkok trong bối cảnh thành phố đang đối mặt với hàng loạt nguy cơ và thách thức.

Như vậy, trong một thời gian ngắn đã có 2 nước Đông Nam Á đặt vấn đề dời đô. Mới tháng trước, Indonesia xác nhận sẽ dời thủ đô sang đảo Borneo, tránh khỏi thành phố Jakarta đang tắc nghẽn và chìm với tốc độ kỉ lục.

Thủ tướng Prayut lưu ý có 2 giải pháp khả thi trong chuyện dời đô: "Một là tìm một thành phố khác ở cách Bangkok không quá xa, không quá tốn kém để di dời. Hai là dời văn phòng chính phủ, doanh nghiệp... ra ngoại thành Bangkok để giãn dân".

"Các chính quyền trước đây không làm được điều này vì sợ gây ra xung đột không thể cứu vãn trong xã hội" - ông Prayut bổ sung.

Chính quyền Thủ tướng Thaksin Shinawatra (2001 - 2006) từng nghiên cứu phương án dời đô đến Nakhon Nayok, một tỉnh nằm cách Bangkok 100km về phía đông bắc.

Cách đây 2 năm, người Thái cũng cân nhắc việc dời tất cả văn phòng chính phủ đến tỉnh Chachoengsao, cách Bangkok 80km về phía đông.

Tương tự Jakarta, Bangkok đối mặt với hàng loạt thách thức như dân số bùng nổ (trên 10 triệu người), ô nhiễm nghiêm trọng, nền đất sụt lún và nước biển dâng nhanh đe dọa nhấn chìm thành phố.

Do được xây trên một vùng đất trước kia là đầm lầy, Bangkok nằm trong nhóm các đô thị sụt lún nhanh và chịu tác động lớn từ biến đổi khí hậu, bên cạnh Jakarta (Indonesia), Manila (Philippines), TP HCM (Việt Nam)...

Ngân hàng Thế giới (WB) ước tính gần 40% diện tích Bangkok sẽ ngập trong nước vào năm 2030 (tức chỉ trong 10 năm tới), do lượng mưa cực lớn và các thay đổi trong chu kì mùa màng.

Trận lụt năm 2011 là thảm họa tệ nhất trong 70 năm tại Thái Lan, gây ra thiệt hại kinh tế khoảng 46 tỉ USD. Người ta phải chi đến 8 tỉ USD chỉ để khôi phục Bangkok, chưa tính đến 10.000 nhà máy và 660.000 việc làm bị ảnh hưởng.

Đến thời điểm 2050, WB dự báo nền đất sụt lún sẽ khiến Bangkok thiệt hại thêm gần 70% sau các trận lũ.

chọn
Hà Nam: Hai doanh nghiệp bắt tay làm khu công nghiệp 2.600 tỷ trên đường nối Vành đai 4 - Vành đai 5
KCN Thanh Bình II giai đoạn 1 có tổng vốn gần 2.700 tỷ, chủ đầu tư là Công ty TNHH Đầu tư Phát triển Hạ tầng Khu công nghiệp Thanh Bình. Đây là doanh nghiệp được góp vốn bởi GMG Việt Nam và Việt Phát.