ĐHĐCĐ Bamboo Capital: Nợ trong BĐS ở mức an toàn, sẽ tập trung pháp lý cho các dự án sẵn có

Sáng nay, Bamboo Capital đã tổ chức ĐHĐCĐ thường niên, thông qua kế hoạch lãi sau thuế hơn 650 tỷ đồng và các kế hoạch hoạt động năm nay.

Sáng nay (ngày 28/4), CTCP Tập đoàn Bamboo Capital (mã chứng khoán: BCG) đã tổ chức Đại hội đồng cổ đông thường niên năm 2023 và thông qua các kế hoạch hoạt động năm nay của doanh nghiệp. 

 Ông Nguyễn Hồ Nam, Chủ tịch HĐQT Bamboo Capital phát biểu khai mạc ĐHĐCĐ hôm nay. (Ảnh chụp màn hình).

Tập trung pháp lý và hạ tầng cho các dự án BĐS sẵn có

Cổ đông Bamboo Capital đã thông qua các chỉ tiêu doanh thu hoạt động sản xuất kinh doanh và lãi sau thuế lần lượt là 6.924,5 tỷ đồng và 650,3 tỷ đồng, tương đương tăng 53% và 20% so với năm 2022.

Theo kế hoạch, trong năm nay, công ty sẽ tập trung vào chính sách "phòng thủ tích cực”, tinh gọn bộ máy và nâng cao hiệu quả.

Mảng ưu tiên trong năm nay của Bamboo Capital là xây dựng hạ tầng, theo các chính sách của Chính phủ đối với dự án cao tốc, thu hút vốn đầu tư nước ngoài. Bên cạnh đó, công ty sẽ tiếp tục đầu tư các mảng bất động sản, năng lượng. 

Riêng đối với mảng bất động sản, ông Phạm Minh Tuấn, Phó Chủ tịch HĐQT kiêm Phó Tổng Giám đốc điều hành Bamboo Capital nhận định, trong năm nay, thị trường vẫn còn nhiều khó khăn, nhưng đây là thời gian thích hợp chuẩn bị cho sự bùng nổ vào năm 2024 - 2025. 

Dự kiến trong năm nay sẽ có 3 bộ luật được sửa đổi, gồm Luật Đất đai, Nhà ở và Kinh doanh bất động sản, qua đó tháo gỡ vướng mắc cho thị trường và bổ sung pháp lý cho các loại hình như officetel, condotel, biệt thự biển… 

Năm nay, Bamboo Capital sẽ tập trung vào hoàn thiện pháp lý, xây dựng hạ tầng cho các dự án đã có, bên cạnh đó, chuẩn bị cho các dự án khu công nghiệp. 

Công ty sẽ tiếp tục triển khai thi công và nghiệm thu với các dự án như Malibu Hội An, Amor Riverside, King Crown Infinity, hay Hội An D’or. 

Ông Tuấn cũng cho biết, vừa qua công ty đã nhận được giấy phép bán hàng cho dự án King Crown Infinity. 

 Nguồn: Bamboo Capital.  (Ảnh chụp màn hình).  

Cũng theo ông Tuấn, thị trường vốn (trái phiếu, cổ phiếu) sẽ có những bùng nổ, thay đổi vào cuối năm nay, do đó, việc nắm bắt được cơ hội kinh doanh là rất quan trọng. 

Ông Tuấn cho biết, kế hoạch niêm yết tại BCG Land dự kiến diễn ra trong quý III tới, từ đó mở ra nhiều cơ hội huy động vốn cho việc phát triển dự án. Năm nay, BCG Land được kỳ vọng đạt 3.583 tỷ đồng doanh thu và gần 685 tỷ đồng lợi nhuận. 

Đối với dự báo chỉ tiêu kinh doanh cho giai đoạn từ đây đến năm 2027, công ty đạt mục tiêu lãi sau thuế sẽ vượt nghìn tỷ vào năm 2024 và đến năm 2027 sẽ đạt hơn 5.400 tỷ đồng.  

Nguồn: Bamboo Capital.  (Ảnh chụp màn hình). 

Điều chỉnh nhân sự Hội đồng quản trị nhiệm kỳ 2020 - 2025

Tại đại hội hôm nay, cổ đông công ty cũng thông qua tờ trình miễn nhiệm chức vụ thành viên HĐQT của ông Bùi Thành Lâm, do ông Lâm có đơn từ nhiệm với lý do cần tập trung thời gian cho một số kế hoạch cá nhân quan trọng. 

Bên cạnh đó, HĐQT Bamboo Capital cũng được chấp thuận tăng số thành viên từ 9 lên 10 thành viên. Hai thành viên HĐQT độc lập được bầu bổ sung là ông Vũ Xuân Chiến (sinh năm 1984, quốc tịch Việt Nam) và ông Đặng Đình Tuấn (sinh năm 1981, quốc tịch Singapore). 

Trong đó, ông Chiến là Cử nhân Công nghệ Sinh học và Cử nhân Luật, được giới thiệu là có nhiều năm kinh nghiệm quản lý trong lĩnh vực truyền thông, thương mại, bất động sản. 

  Nguồn: Bamboo Capital.  (Ảnh chụp màn hình).  

Hiện, ông Chiến đang đồng thời là Trưởng ban Truyền thông tại Công ty TNHH M8, Trưởng phòng Kinh doanh tại Công ty TNHH Thương mại và Dịch vụ SIB Việt Nam và là Giám đốc chi nhánh miền Bắc tại CTCP Đầu tư Phát triển nhà MHDI2. 

Về thành viên mới còn lại, ông Tuấn là Cử nhân Kỹ sư Quang lượng tử và Khoa học Y khoa, Cao học Quản trị Tài chính, Thạc sĩ Quản trị Khách sạn - Du lịch, được giới thiệu là có nhiều năm kinh nghiệm trong các lĩnh vực giảng dạy, quản lý khách sạn, du lịch, tài chính, đầu tư, bất động sản. 

Hiện, ông Tuấn đang đồng thời là Thành viên HĐQT độc lập tại CTCP BCG Land, Phó Chủ tịch HĐQT thường trực CTCP Bamboo Financial Corp. 

Ngoài ra, ông Tuấn cũng là Cố vấn Hiệu trưởng Trường Quản lý khách sạn - Đại học Trung văn Hong Kong, Thành viên Hội đồng Đại học Cornell và Hội đồng Cố vấn Hiệu trưởng trường Kinh tế Johnson và Quản lý Khách sạn - Du lịch Nolan; Giảng viên danh dự của Hiệu trưởng, Giảng viên khách mời chương trình Thạc sỹ quản lý bất động sản Baker. 

  Nguồn: Bamboo Capital.  (Ảnh chụp màn hình).  

Thảo luận:

Khả năng phát hành thành công cổ phiếu để tăng vốn:

=> Theo Chủ tịch HĐQT công ty, ông Nguyễn Hồ Nam, năm 2022, điều kiện thị trường không thuận lợi, do đó công ty hoãn lại phương án phát hành cổ phiếu này. Sang năm 2023, HĐQT xin ĐHĐCĐ thông qua kế hoạch phát hành và đợi khi điều kiện phù hợp sẽ ngay lập tức triển khai, nhằm tăng cường năng lực tài chính, giảm rủi ro trong bối cảnh thị trường tiếp tục biến động. 

Trong trường hợp có những đối tác chiến lược mà công ty đang tiếp xúc, làm việc, công ty sẽ kêu gọi các đối tác lớn cùng tham gia vào công ty. 

Bamboo Capital hưởng lợi thế nào từ những chính sách đầu tư công?

=> Ông Lưu Xuân Thủy, Phó Tổng Giám đốc công ty cho biết, đầu tư công không có nghĩa là công ty được hưởng lợi, phải xác định năng lực cốt lõi có tham gia được không. Dư địa trong lĩnh vực này là rất lớn, không chỉ Bamboo Capital và các doanh nghiệp khác đều muốn tham gia.

Theo ông Thủy, Bamboo Capital có năng lực và có những lợi thế như có chứng chỉ xây dựng hạng 1 về đường bộ, về dân dụng. Doanh thu của công ty từ mảng này trong những năm qua cũng rất tốt. 

Bên cạnh đó, công ty cũng có lợi thế tại khu vực đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL), đang sở hữu quyền khai thác một trong hai mỏ đá lớn tại khu vực. Do đó, nếu công ty thực hiện những dự án tại khu vực này, công ty có cơ hội đưa những vật liệu xây dựng của công ty trực tiếp vào dự án với giá thành tốt hơn.

Đồng thời, công ty cũng sẽ tính toán đến việc sản xuất các cấu kiện đúc sẵn, không chỉ cung cấp cho các công trình của công ty mà còn cho các công trình của nhà thầu khác, hướng đến giá trị gia tăng của sản phẩm trong lĩnh vực này. 

Ngoài ra, Bamboo Capital cũng đã có và đang thực hiện quản lý thu phí, duy tu và vận hành trong lĩnh vực đường bộ. Trong thời gian tới, công ty sẽ hoàn thiện và củng cố năng lực, tiến tới trong 3 - 5 năm tới, khi mạng lưới cao tốc tại ĐBSCL nhiều lên, công ty sẽ tham gia lĩnh vực này.

Ông Thủy cho biết, hiện công ty đã bắt đầu thực hiện những chiến lược cụ thể, sẽ báo cáo các số liệu chính thức trong các kỳ họp tới. 

Dòng tiền kinh doanh và dòng tiền đầu tư âm, nợ vay cao, lãi suất cao, công ty đánh giá sao về khả năng trả nợ trong bối cảnh hiện nay?

=> Phó Chủ tịch HĐQT kiêm Phó Tổng Giám đốc điều hành, ông Phạm Minh Tuấn trả lời, theo kế hoạch kinh doanh, giai đoạn 2019 - 2026, công ty sẽ tập trung mở rộng hoạt động đầu tư, do đó dòng tiền âm. Thời điểm 2019 - 2020, tỷ lệ nợ/vốn chủ sở hữu rất cao, ảnh hưởng đến tài chính của công ty.

Do đó, công ty đã có những chiến lược thay đổi từ năm 2020 - 2021, thông qua các hình thức tăng vốn, thực hiện dự án có lợi nhuận cao để mang lại lợi nhuận. Do đó, năm 2022 trở lại đây, qua các báo cáo tài chính hàng quý, tỷ lệ nợ/vốn chủ sở hữu đã giảm xuống và trong mức chấp nhận được, an toàn. 

Một đặc điểm nữa trong các khoản nợ của Bamboo Capital là dùng để tài trợ dự án và nằm trong dự án. Trong bất động sản, dòng tiền từ bán các dự án sẽ đảm bảo mức nợ an toàn. 

"Về quan điểm của ban lãnh đạo, chúng tôi quản trị tài chính theo biến động của thị trường và cải thiện tình hình tài chính hằng năm

Ở trên tập đoàn chỉ có 500 tỷ đồng trái phiếu ko có tài sản đảm bảo, đây là phép thử trong năm 2021 khi thị trường có biến chuyển thuận lợi về xếp hạng tín nhiệm.

Dòng tiền nhìn thì đáng lo ngại nhưng nó giảm dần qua nhiều năm và đều liên quan các hoạt động kinh doanh, các chỉ số tài chính cải thiện hàng năm. Chính vì vậy, về quan điểm của ban lãnh đạo, chúng tôi quản lý tài chính thay đổi theo biến động của thị trường và  cải thiện tình hình tài chính hằng năm.", ông Tuấn nói.

Ông Tuấn cũng nhận định, công ty có tỷ lệ thanh toán đảm bảo, vẫn hoàn thành tốt nghĩ vụ trả nợ.

Nói thêm về lô trái phiếu 500 tỷ trên, ông Nam cho biết, công ty đang theo dõi hiệu quả việc phát hành trái phiếu này, nếu hiệu quả, an toàn sẽ nghiên cứu nhân rộng, nếu không hiệu quả sẽ dừng lại ở quy mô nhỏ.

"Xét trên bình diện chung, hiện tại, ở từng đơn vị thành viên với khối lượng tài sản, khối lượng dự án, nợ đang rất cân đối.

Nếu 4 năm trước, tỷ lệ nợ/vốn chủ sở hữu của tập đoàn vào khoảng 4-5 lần do tập trung tăng trưởng tài sản, tập trung triển khai dự án và sử dụng các nguồn tài trợ trong nước, đến ngày hôm nay, hệ số nợ/vốn chủ sở hữu đã giảm dần qua hằng năm và đến thời điểm hiện tại còn 1,04.

Chiến lược của chúng ta là tiếp tục nâng cao năng lực vốn, tiếp tục nâng cao năng lực tài chính để tỷ lệ nợ/vốn chủ sở hữu sẽ ở dưới 1, sẽ đạt cái chỉ tiêu đâu đó quay vòng quanh 0,5.", ông Nam nói. 

Kế hoạch IPO công ty con trong năm nay như thế nào?

=> Phó Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng Giám đốc điều hành công ty, ông Nguyễn Thế Tài cho biết, hiện BCG Land đã nộp hồ sơ và lên kế hoạch IPO trong quý II. BCG Energy cũng đang hoàn thiện hồ sơ và cố gắng đưa lên IPO trong năm nay.

Còn về Nguyễn Hoàng, kế hoạch IPO sẽ chậm lại do tình hình chung gặp khó khăn, công ty sẽ tiếp tục cập nhật tiến độ đến cổ đông. 

chọn
Hà Nam: Hai doanh nghiệp bắt tay làm khu công nghiệp 2.600 tỷ trên đường nối Vành đai 4 - Vành đai 5
KCN Thanh Bình II giai đoạn 1 có tổng vốn gần 2.700 tỷ, chủ đầu tư là Công ty TNHH Đầu tư Phát triển Hạ tầng Khu công nghiệp Thanh Bình. Đây là doanh nghiệp được góp vốn bởi GMG Việt Nam và Việt Phát.