Sáng nay (ngày 2/7), CTCP Tập đoàn FLC (mã chứng khoán: FLC) đã tổ chức họp Đại hội đồng cổ đông bất thường lần 2 để sửa đổi ngành nghề kinh doanh, điều lệ công ty và miễn nhiệm, bầu bổ sung các thành viên trong Hội đồng quản trị và Ban Kiểm soát.
Cụ thể, công ty sẽ thông qua miễn nhiệm chính thức chức vụ thành viên Hội đồng quản trị (HĐQT) công ty đối với ông Trịnh Văn Quyết kể từ ngày 29/3 và miễn nhiệm chính thức chức vụ thành viên HĐQT công ty đối với bà Hương Trần Kiều Dung kể từ ngày 8/4.
Bên cạnh đó, công ty cũng thông qua miễn nhiệm chức vụ thành viên HĐQT công ty đối với ông Lã Quý Hiển kể từ ngày 2/7 do ông Hiển đã có đơn từ nhiệm.
Ba ứng viên tham gia đợt bầu bổ sung thành viên HĐQT (trong đó có một thành viên HĐQT độc lập) lần này của FLC gồm ông Doãn Hữu Đoàn, ông Lê Bá Nguyên và ông Lê Thái Sâm.
Trong đó, ông Lê Thái Sâm có hơn 30 năm kinh nghiệm trong lĩnh vực bất động sản, thương mại dịch vụ, tài chính ngân hàng và có nhiều mối quan hệ hợp tác với các quỹ đầu tư, các tổ chức, tập đoàn kinh tế lớn trong và ngoài nước. Ông Sâm được đề cử làm thành viên HĐQT độc lập của FLC.
Về hai ứng viên vào vị trí thành viên HĐQT, ông Lê Bá Nguyên tốt nghiệp Thạc sĩ chuyên ngành Quản lý y tế và có hơn 17 năm kinh nghiệm quản trị kinh doanh. Ông Nguyên từng giữ chức Chủ tịch HĐQT tại CTCP Dịch vụ Y tế Hà Thành, CTCP Tập đoàn Dược phẩm ATS và là thành viên HĐQT FLC trong giai đoạn 2013 - 10/2017 và từ tháng 6/2018 - 6/2020.
Còn ông Doãn Hữu Đoàn là Cử nhân Kinh tế - Luật, Thạc sĩ Kế toán. Ông từng có thời gian làm việc tại Ngân hàng ACB, Vietcombank Securities. Ông Đoàn hiện đang làm việc tại Chứng khoán MBS và đồng thời giữ chức Chủ tịch HĐQT CTCP Sách Đại học - Dạy nghề.
Danh sách ứng viên HĐQT FLC nhiệm kỳ 2021 - 2026. (Ảnh: Hoàng Linh).
Tại kỳ họp này, FLC cũng bầu bổ sung ba thành viên Ban Kiểm soát thay cho ba thành viên cũng đã có đơn từ nhiệm vào tháng 4 và tháng 5, gồm ông Nguyễn Đăng Vụ, Ông Nguyễn Chí Cương và bà Phan Thị Bích Phượng. Ba thành viên cũ này sẽ được công ty thông qua miễn nhiệm kể từ ngày 2/7.
Danh sách ba ứng viên vào vị trí thành viên Ban Kiểm soát công ty, gồm ông Nguyễn Tri Thống, ông Nguyễn Xuân Hòa và ông Nguyễn Quang Thái.
Trong đó, ông Nguyễn Tri Thống từng giữ chức Kế toán trưởng tại CTCP Xây dựng số 2 - Contrexim và hiện đang là Tổng Giám đốc CTCP Xây dựng Hạ tầng 68 (Cienco 68)
Ứng cử viên thứ hai, ông Nguyễn Xuân Hòa (sinh năm 1983) bắt đầu làm việc tại FLC từ năm 2014 với vị trí chuyên viên Ban Đầu tư, đến tháng 11/2020, ông giữ chức Phó Trưởng Ban Đầu tư 3 đến nay. Trước đó, trong giai đoạn 2006 - 2014, ông từng là cán bộ tại CTCP Đầu tư và Xây dựng số 4 – Tổng Công ty xây dựng Hà Nội và Công ty TNHH Đại Lại Việt Nam.
Ứng cử viên cuối cùng là ông Nguyễn Quang Thái (sinh năm 1984), một nhân sự cũ của FLC cho đến cuối năm 2021. Cụ thể, giai đoạn tháng 7/2019 - 12/2021, ông làm việc tại Ban kế toán của FLC. Trong thời gian này, từ tháng 10/2019 - 3/2020, ông đồng thời giữ chức Kế toán trưởng tại CTCP Đầu tư Khai Khoáng và Quản lý Tài sản FLC (FLC GAB), một doanh nghiệp cùng nhóm FLC.
Ngoài FLC GAB, ông cũng giữ chức Kế toán trưởng tại hai doanh nghiệp khác của CTCP Địa ốc Star Hà Nội (7/2020 - 01/2022) và CTCP Đầu tư và Phát triển Hạ tầng Incons (11/2021 – nay).
Danh sách ứng viên Ban Kiểm soát FLC nhiệm kỳ 2021 - 2026. (Ảnh: Hoàng Linh).
-Việc gỡ bỏ logo của FLC tại tòa nhà 265 Cầu Giấy, trụ sở chính của Tập đoàn, theo thông tin đọc trên báo chí là do tòa nhà văn phòng này đã được bán cho OCB, nếu đúng vậy thì trong thời gian tới, Ban Lãnh đạo có tính chuyển trụ sở sang địa chỉ khác không?
Bà Bùi Hải Huyền, Tổng Giám đốc FLC: Thời gian qua, FLC có cải tạo, chỉnh trang lại khu vực sảnh tòa nhà 265 Cầu Giấy, việc thi công cải tạo sảnh văn phòng nhằm cho việc cải thiện tốt hơn việc lưu thông các phương tiện ra vào của tòa nhà, giảm thiểu ùn tắc các giờ cao điểm cũng tạo thêm cây xanh, thông thoáng hơn cho khu vực sảnh.
Hiện tại, tòa nhà 265 Cầu Giấy vẫn đang là trụ sở chính và là địa điểm hoạt động kinh doanh chính của FLC và một số công ty con, công ty liên kết. Trong thời gian tới, nếu có kế hoạch thay đổi trụ sở chính, HĐQT sẽ có ý kiến xin trình ĐHĐCĐ.
-Các nhân sự mới vào HĐQT và Ban Kiểm soát có cam kết lâu dài không?
Ông Đặng Tất Thắng: Các nhân sự được bầu vào HĐQT và Ban Kiểm soát đã được HĐQT bàn bạc rất kĩ lưỡng trong vòng 2 tháng qua và đây đều là những gương mặt dầy dặn kinh nghiệm trong các lĩnh vực kinh doanh cốt lõi của FLC. Tất cả các thành viên mới đều cam kết gắn bó lâu dài, ít nhất là trong nhiệm kỳ 2021 - 2026.
-Sau biến cố với nguyên chủ tịch, các thành viên mới thì có chiến lược gì để đưa tập đoàn vượt qua khó khăn và phát triển trong thời gian tới.
Ông Đặng Tất Thắng: Sự cố với nguyên chủ tịch là sai phạm cá nhân, không liên quan đến FLC. Sau khoảng hơn 2 tháng xảy ra sự cố, các hoạt động kinh doanh của FLC cũng như các công ty thành viên triển khai bình thường, thậm chí là có những con số ấn tượng hơn.
Một trong những điểm cộng là với biến cố lớn như vậy xảy ra với FLC nhưng Ban điều hành của FLC đến ngày hôm nay vẫn giữ nguyên những con người như vậy, đây nói lên sự ổn định, sự gắn kết của nhân sự cấp cao của FLC. Đây là một tiêu chí quan trọng để đưa FLC phát triển trong thời gian tới.
Chiến lược mới của HĐQT là tái cơ cấu, tái cấu trúc lại FLC với việc rà soát lại toàn bộ các quỹ dự án hiện nay của FLC với hơn 200 dự án trải dài khắp cả nước, tập trung nguồn lực vào những dự án trọng điểm, những dự án có tiềm năng đầu tư lớn nhất. Bên cạnh đó, FLC cũng rà soát lại những công ty thành viên và giữ lại những công ty có hoạt động kinh doan hiệu quả và rà soát các mảng đầu tư mới trong dài hạn mà FLC chưa bao giờ động tới như sản xuất, giáo dục, y tế,...
-Kế hoạch tái cấu trúc của FLC
Bà Bùi Hải Huyền: Chúng tôi đặt ra ba mục tiêu tái cấu trúc chính. Mục tiêu thứ nhất liên quan đến bất động sản, đối với các dự án đang triển khai, FLC cam kết sẽ tiếp tục hoàn thiện về mặt pháp lý và xây dựng để đảm bảo đúng cam kết và tuân thủ các quy định pháp luật tại các thị trường trọng điểm mà FLC đang đầu tư.
Quá trình này đang thực hiện song song với việc xúc tiến các đầu tư các dự án ở các thị trường mới đáp ứng đầy đủ điều kiện phát triển của FLC trong giai đoạn tới.
Về tái cấu trúc các ngành nghề kinh doanh của FLC, trên thực tế, chúng tôi đã thực hiện các hoạt động này từ năm 2019 và được báo cáo rất rõ trong các báo cáo thường niên của FLC. Đối với các lĩnh vực hoạt động sản xuất kinh doanh triển vọng, chúng tôi sẽ tiếp tục giành các nguồn lực ưu tiên để phát triển. Còn đối với các lĩnh vực kinh doanh chưa triển vọng hoặc chiếm tỷ trọng chưa đáng kể thì Ban lãnh đạo công ty có đề ra các biện pháp tái cấu trúc. Trong năm 2022, sau khi có HĐQT mới, chúng tôi sẽ họp lại và công bố các lĩnh vực sẽ tiếp tục triển khai.
Về các vấn đề liên quan đến tài chính, hoạt động tín dụng của FLC, chúng tôi khẳng định rằng, hiện tại, FLC vẫn đang thực hiện đầy đủ các cam kết, nghĩa vụ tài chính đối với các đối tác và các tổ chức tín dụng. FLC cũng đang phối hợp chắt chẽ với các đối tác để giảm tối đa các dư nợ các tổ chức tín dụng một cách an toàn và hiệu quả. Chúng tôi cũng đặt ra mục tiêu là từ nay đến hết năm 2022, chúng tôi sẽ giảm được dư nợ tối đa tại các ngân hàng lớn.
- Nội dung cam kết trả lợi nhuận condotel đối với các quần thể nghỉ dưỡng của FLC
Bà Bùi Hải Huyền: Chúng ta vừa trải qua hai năm đại dịch vào năm 2020 và 2021, đến nay, năm 2022, ngành du lịch mới bắt đầu quay trở lại, và bây giờ các quần thể của FLC trong tháng 5, tháng 6 cũng đón được lượt khách du lịch cũng tương đối tốt.
Tuy nhiên, để bù đắp chi phí cho hai năm làm việc không hiệu quả, cho nên việc có nguồn tiền nào để lập tức thanh toán cho các cam kết của những condotel thì chúng tôi xin phép được để dành câu trả lời này ngay sau khi chúng tôi có HĐQT mới. Một trong những mục tiêu của HĐQT mới là rà soát việc thực hiện các cam kết đối với các khách hàng bất động sản.
- Khi nào tổ chức họp ĐHĐCĐ thường niên và có dự kiến trả cổ tức cho cổ đông hay không?
Ông Đặng Tất Thắng: Việc tổ chức ĐHĐCĐ bất thường để bầu bổ sung thành viên HĐQT và thành viên Ban Kiểm soát là ưu tiên hàng đầu để chúng tôi nhanh chóng kiện toàn bộ máy nhân sự quản trị tập đoàn. Việc tổ chức ĐHĐCĐ thường niên sẽ được tiến hành sau ĐHĐCĐ bất thường này, thời gian sẽ được công bố trong thời gian sớm nhất.
Các nội dung về báo cáo kế hoạch sản xuất kinh doanh cũng như kế hoạch phân chia lợi nhuận năm 2021 và tái cấu trúc sẽ là những nội dung chính sẽ trình lên ĐHĐCĐ thường niên tới.