Trình kế hoạch niêm yết HOSE, tăng vốn lên 2.000 tỷ đồng
Sáng nay (9/3), Công ty cổ phần Tập đoàn Thủy sản Minh Phú (Mã: MPC) họp ĐHĐCĐ thường niên 2018, trong đó có việc hủy giao dịch UPCoM và đăng ký niêm yết tại HOSE. Thời gian thực hiện dự kiến trong năm 2018, sau khi được ĐHĐCĐ và cơ quan chức năng có thẩm quyền chấp thuận.
Trước đó, vào ngày 31/3/2015, Minh Phú đã hủy niêm yết HOSE với mong muốn tái cấu trúc và tìm kiếm đối tác ngoại. Tuy nhiên vào tháng 10/2017, công ty đã đăng ký giao dịch trên UPCoM với giá tham chiếu 79.000 đồng/cổ phiếu. Trong thời gian hủy niêm yết HOSE, Minh Phú không có nhiều sự thay đổi về cơ cấu cổ đông, không có thêm đối tác chiến lược.
Lần tổ chức đại hội này, HĐQT trình phương án tăng vốn điều lệ từ 700 tỷ đồng lên 2.000 tỷ đồng bằng cách phát hành tăng vốn 1:1; phát hành cổ phiếu ESOP và phát hành riêng lẻ.
Đối với phát hành tăng vốn 1:1, Minh Phú dự kiến phát hành 70 triệu cổ phiếu. Nguồn vốn thực hiện từ thặng dư vốn cổ phần và LNST chưa phân phối tại báo cáo tài chính kiểm toán công ty mẹ 31/12/2017.
Với phát hành cổ phiếu thưởng, Minh Phú dự kiến phát hành 1,54 triệu cổ phiếu cho cán bộ có chức danh từ Phó giám đốc trở lên hoặc tương đương. Thời gian hạn chế chuyển nhượng 5 năm.
Minh Phú cũng dự kiến phát hành riêng lẻ 60 triệu cổ phiếu cho nhà đầu tư theo một số tiêu chí lựa chọn. HĐQT trình cổ đông ủy quyền cho Chủ tịch HĐQT lựa chọn, thông qua danh sách nhà đầu tư cũng như giá bán, thời gian chào bán.
Mục tiêu lãi sau thuế 990 tỷ đồng năm 2018
HĐQT trình cổ đông kế hoạch kinh doanh hợp nhất năm 2018 với doanh thu 18.200 tỷ đồng và lợi nhuận sau thuế 990 tỷ đồng. Con số này lần lượt tăng 8% và 39% so với kết quả thực hiện năm trước. Ông Lê Văn Quang, Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng giám đốc cho rằng công ty hoàn toàn có thể thực hiện được con số kế hoạch này. Đơn cử, tháng 1/2018 công ty lãi 40 tỷ đồng, trong khi cùng kỳ các năm trước đều lỗ.
Năm 2017, mặc dù doanh thu thuần vượt 7% kế hoạch nhưng lợi nhuận chỉ thực hiện được 83%. Theo công ty, thị trường tôm cạnh tranh, đặc biệt là các nước như Ấn Độ, Indonesia có giá tôm nguyên liệu rẻ hơn Việt Nam rất nhiều nên để cạnh tranh được, công ty phải giảm biên lợi nhuận. Hơn nữa, công ty còn một phần tồn kho giá cao của năm 2016 ảnh hưởng tới biên lợi nhuận.
Ông Lê Văn Quang đánh giá thị trường Trung Quốc sẽ là cơ hội của Minh Phú trong năm 2018 do nước này ngày càng kiểm soát chặt chẽ hơn các mặt hàng nhập khẩu và nói không với hàng bơm trích kháng sinh. Do đó, sản phẩm của Minh Phú sẽ có cơ hội lớn.
HĐQT trình kế hoạch mở rộng công suất nhà máy Cà Mau lên 30.000 tấn/năm, vốn đầu tư 1.000 tỷ đồng và thực hiện từ quý III/2018. Trong đó, vốn tự có 300 tỷ đồng, vốn vay 700 tỷ đồng.
Q&A
Trong phần thảo luận, ông Lê Văn Quang trả lời các câu hỏi của cổ đông.
Diện tích nuôi tôm của Minh Phú là bao nhiêu?
Diện tích nuôi tôm của MPC hiện tại là 300 ha ở Vũng Tàu, 600 ha ở Kiên Giang. Nếu nuôi hết và công nghệ cao thì đáp ứng được 30% nguyên liệu của Minh Phú.
Giá tôm nguyên liệu của Việt Nam luôn cao hơn các nước, diễn biến giá hiện tại ra sao và giải pháp của Minh Phú là gì để giá tôm bằng giá các nước khác?
Tôm Việt Nam những năm trước như 2015 - 2016 thì giá nguyên liệu cao hơn các nước trong khu vực khoảng 30%. Năm 2017, giá nguyên liệu Việt Nam cao hơn Ấn Độ, Indonesia khoảng 20%, thời điểm này cao hơn khoảng 12%. Giá nguyên liệu Việt luôn cao hơn thế giới do nguyên liệu chỉ đáp ứng được 50 - 70% nguyên liệu của các nhà máy.
Do đó, để tối đa hóa công suất của mình, Minh Phú phải mua cao hơn. Để khắc phục, cần khuyến khích người dân nuôi thành công và có lời, lời khoảng 30% là họ nuôi mạnh. Năm 2017, sản lượng nuôi tôm của Việt Nam tăng 20% và năm 2018 có thể vẫn tăng 20%. Tuy nhiên tăng 20% nữa thì nguồn cung cũng chỉ đáp ứng 80% nhu cầu nhà máy. Minh Phú làm sao phải để người nuôi tôm thành công và nuôi nhiều thì giá nguyên liệu sẽ tương đồng với giá thế giới, lúc đó Minh Phú mới có lợi nhuận cao.
Ngoài ra, cần khơi thông nguồn tín dụng trong dân. Trong những đợt dịch trước, người dân đã thâm hụt vốn. Giờ cần quy hoạch vùng nuôi tôm công nghệ cao để nhận được cơ chế ưu đãi của Chính phủ. Hiện tại Chính phủ đầu tư 70% vốn, 30% vốn là của doanh nghiệp. Nhưng chúng tôi đang xin cơ chế 100%.
Khi giá tôm thành phẩm của Minh Phú bán bằng giá của Ấn Độ, Indonesia thì toàn thị trường sẽ về tay Minh Phú. Để làm được sẽ mất thời gian, nhanh thì 5 năm. Thời điểm này là thời điểm vàng của Minh Phú, được Chính phủ quan tâm và ngành tôm đạt được mục tiêu 10 tỷ USD. Minh Phú chỉ cần làm dự án thôi, Chính phủ sẽ rót vốn.
Tình hình hoạt động Minh Phú Hậu Giang?
Năm 2017 xuất khẩu được hơn 31.000 tấn, giá trị xuất khẩu gần 400 triệu USD. Lợi nhuận đạt 226 tỷ đồng. Nhìn chung, tình hình sản xuất của Minh Phú Hậu Giang là khả quan nhưng chưa được tốt bằng Minh Phú Cà Mau. Chúng tôi có họp và thấy cần khắc phục sửa chữa để tốt hơn.
Các doanh nghiệp bị áp thuế 25,39% khi xuất khẩu vào Mỹ, Minh Phú có bị ảnh hưởng gì không?
Bộ Thương mại Hoa Kỳ (DOC) đã thông báo kết quả sơ bộ vụ kiện chống bán phá giá cho tôm Việt Nam trong giai đoạn xem xét hành chính lần thứ 12 (POR12) từ ngày 1/2/2016 đến ngày 31//1/2017. Các doanh nghiệp bị đơn bị áp mức thuế 25,39%. Tuy nhiên Minh Phú không bị kiện chống bán phá giá nên không chịu mức thuế này, thuế xuất khẩu vào Mỹ là 0%. Vì vậy năm 2018 sẽ thuận lợi hơn rất nhiều cho công ty. Để đạt được điều này, Minh Phú đã kiên trì đấu tranh kiện Mỹ lên DOC trong 8 năm trời nên không bị áp thuế phá giá vào Mỹ nữa.
Đại hội kết thúc với việc cổ đông thông qua tất cả tờ trình.