Dịch tả lợn châu Phi lan rộng đến 42 xã của tỉnh Thừa Thiên - Huế

Chi cục Chăn nuôi và Thú y tỉnh Thừa Thiên - Huế thông tin, tính đến cuối ngày 28/5, dịch tả lợn châu Phi đang xảy ra trên 383 hộ chăn nuôi, 144 thôn, 42 xã thuộc 8 huyện, thị xã.

Ngày 29/5, thông tin từ UBND huyện A Lưới cho hay, trên địa bàn huyện vừa mới xuất hiện dịch tả lợn châu Phi. Như vậy, đây là địa phương mới nhất của tỉnh Thừa Thiên - Huế xuất hiện dịch bệnh này.

Cụ thể, hộ ông Hồ Văn Phin (ở thôn Pa Ring – Cân Sâm, xã Hồng Hạ) có một con lợn chết không rõ nguyên nhân. Sau đó, lực lượng chức năng tiến hành lấy mẫu xét nghiệm. Kết quả, con lợn này dương tính với vi rút dịch tả lợn châu Phi.

Sau đó, Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp huyện A Lưới đã tiến hành đào hố tiêu hủy lợn chết.

Dịch tả lợn châu Phi lan rộng đến 42 xã của tỉnh Thừa Thiên - Huế - Ảnh 1.

Tiêu độc khử trùng dịch tả lợn Châu Phi. (Ảnh: Khải Tuấn).

Bà Trịnh Thị Thanh, Phó Giám đốc Trung tâm dịch vụ nông nghiệp huyện A Lưới cho hay, sau khi có kết quả xét nghiệmi, trung tâm đã tiêu hủy đàn lợn bị dịch. Tiến hành kiểm soát, tiêu độc khử trùng và lấy mẫu đối với lợn nuôi trong toàn vùng gồm các xã Hồng Hạ, Hương Nguyên… để có biện pháp xử lý kịp thời, tránh dịch bệnh lây lan.

Liên quan đến dịch bệnh đang hoành hành ở địa bàn tỉnh, đại diện Chi cục Chăn nuôi và Thú y tỉnh Thừa Thiên - Huế thông tin, tính đến cuối ngày 28/5, dịch tả lợn châu Phi đang xảy ra trên đàn lợn của 383 hộ chăn nuôi, 144 thôn, 42 xã thuộc 8 huyện, thị xã: Phong Điền, Quảng Điền, Phú Vang, Phú Lộc, A Lưới, Hương Trà, Hương Thủy và TP Huế.

Tổng số lợn mắc bệnh và đã tiêu hủy là 1.652 con với tổng trọng lượng tiêu hủy gần 89 tấn. Trong đó, Phú Vang: 13 xã, tiêu hủy 805 con; Hương Thủy: 9 xã, tiêu hủy 311; Quảng Điền: 7 xã, tiêu hủy 262 con; Hương Trà: 6 xã, tiêu hủy 118 con; Phong Điền: 2 xã, tiêu hủy là 72 con; TP Huế: 2 phường, tiêu hủy 44 con; Phú Lộc: 2 xã, tiêu hủy là 26 con; A Lưới: 1 xã, tiêu hủy 14 con.

Hiện còn các xã, phường đang chờ kết quả xét nghiệm như: phường Hương Sơ (Huế), thị trấn Phú Lộc, Lộc Sơn, Lộc An (Phú Lộc), Phú Sơn, Thủy Vân (Hương Thủy), Phú Thuận, Phú Diên (Phú Vang), thị trấn Sịa (Quảng Điền).

Ông Nguyễn Văn Hưng, Chi cục trưởng Chi cục Chăn nuôi và Thú y tỉnh Thừa Thiên - Huế thông tin, dịch tả lợn châu Phi đang hoành hành trên diện rộng, từ tỉnh đến huyện, xã phải thực hiện đồng bộ "5 không" và "10 cấm" để phòng, chống dịch bệnh nguy hiểm này.

Các địa phương tăng cường thông tin tuyên truyền nâng cao ý thức của cộng đồng về mức độ nguy hiểm của bệnh dịch dưới nhiều hình thức. Người chăn nuôi cần hướng tới chăn nuôi an toàn sinh học, thường xuyên vệ sinh, tiêu độc khử trùng tại các cơ sở chăn nuôi, phương tiện vận chuyển; chuẩn bị vật tư, hóa chất... và có phương án tiêu hủy khi có dịch xảy ra.

Hiện nay, các cấp, các ngành đang quyết liệt triển khai các biện pháp phòng, chống, khống chế dịch: đã phát 50.000 tờ rơi và cam kết thực hiện 5 không; cấp 30.029 lít hóa chất, hơn 143 tấn vôi; lập 47 chốt để chốt chặn, kiểm soát vận chuyển lợn và sản phẩm lợn ra vào vùng dịch.

Ông Nguyễn Văn Phương, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Thừa Thiên - Huế cho biết, tỉnh đã chỉ đạo các địa phương đẩy mạnh tuyên truyền, hướng dẫn người chăn nuôi áp dụng nguyên tắc "cho ăn chín, uống sôi" trong chăn nuôi heo; Khuyến cáo người chăn nuôi nếu phát hiện đàn heo có dấu hiệu khác thường lập tức báo cho các cơ quan chức năng, địa phương để tiến hành lấy mẫu xét nghiệm và có các giải pháp xử lý, tránh để lây lan dịch bệnh trên địa bàn, hạn chế thấp nhất thiệt hại cho người chăn nuôi…

chọn
Có hay không tình trạng đẩy giá chung cư?
Dưới góc nhìn của VARS, trong bối cảnh nguồn cung hạn chế, những chủ thể có sản phẩm sẽ có lợi thế trong việc đưa ra giá bán. Việc người bán đẩy giá khi chung cư hay bất kỳ hàng hóa nào khan hiếm trên thị trường là điều không thể tránh khỏi, song khó có thể xác định và xử lý đầu cơ, thổi giá chung cư.