Dịch vụ Bạn uống tôi lái: 'Hầu hết khách khi say không nhớ nổi hoặc không thao tác được trên màn hình để đặt tài xế'

Đại diện đơn vị cung cấp dịch vụ Bạn uống tôi lái cho biết có trường hợp khách hàng trước khi uống rượu thì đặt tài xế, nhưng uống xong rồi thì tự chạy xe về luôn không cần đến tài xế nữa.

Dịch vụ Bạn uống tôi lái: Hầu hết khách khi say không nhớ nổi hoặc không thao tác được trên màn hình để đặt tài xế - Ảnh 1.

Người sử dụng bia rượu được đưa về nhà thay vì tự lái xe. (Ảnh: Bạn uống tôi lái).

Vài năm trước, một startup đã mang tên "Bạn uống tôi lái" đã ra đời ở TP HCM với mong muốn thông qua ứng dụng trên điện thoại thông minh, kết nối giữa khách hàng là người có xe ô tô và tài xế.

Dịch vụ này sẽ rất hữu ích đối với những khách hàng sử dụng bia rượu, không thể tự điều khiển phương tiện về nhà an toàn.

Nhằm làm rõ hơn về về dịch vụ này, chúng tôi đã có trao đổi với ông Trần Nhật Trường, Tổng Giám đốc Công ty CP Dịch vụ Bạn uống tôi lái.

- Bạn uống tôi lái cung cấp dịch vụ cho những khách hàng có sử dụng rượu bia là một ý tưởng rất hay khi hiện nay, sau giờ làm, nhiều người chọn quán là địa điểm đến thay vì về nhà luôn. Xin ông chia sẻ một chút về ý tưởng mở dịch vụ này?

Ông Trần Nhật Trường: Từ rất lâu ai cũng biết một điều ở Việt Nam "văn hóa" giao tiếp đầu tiên là thông qua bữa cơm thân mật, mà đã thân mật thì mời nhau li bia, rượu.

"Văn hóa" này được hình thành và trở thành thói quen vô thức, riêng việc uống rượu bia không nhất thiết phải đào tạo mà chỉ xem và bắt chước theo...

Trong khi đó, xã hội hiện đại, tốc độ di chuyển nhiều, đường xá ngày càng thông thoáng, phương tiện giao thông ngày càng hiện đại và số lượng người tham gia vào giao thông cũng nhiều theo, tốc độ đô thị hóa càng bùng nổ, kinh doanh phát triển và tất cả vấn đề đó có kéo theo một "văn hóa hợp đồng" trên bàn nhậu.

Năm 2018, đại diện Bộ Y tế cho biết Việt Nam có 94 triệu dân, mỗi năm tiêu thụ 305 triệu lít rượu, 4,1 tỉ lít bia. Chi phí chi cho tiền mua rượu bia mỗi năm người dân rất lớn, khoảng 4 tỉ USD/năm.

Đáng chú ý, theo đại diện Bộ Y tế, vào năm 2016, lượng tiêu thụ cồn trên 15 tuổi ở nước ta là 8,3 lít cồn nguyên chất.

Ngoài ra, việc sử dụng rượu bia là một trong 3 nguyên nhân hàng đầu làm tăng tỉ lệ tai nạn giao thông ở nam giới độ tuổi từ 15-49 (chiếm 36,2% ở nam giới). Rượu bia cũng là nguyên nhân gây ra của 30 mã bệnh tật; nguyên nhân cấu thành của 200 mã bệnh.

Nhằm hạn chế tình trạng bia rượu, Thủ tướng Chính phủ cũng đã ban hành nghị định 46/2016/NĐCP về việc sử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông đường bộ và đường sắt. Trong đó quy định rõ mức phạt về hành vi uống rượu bia và tham gia giao thông.

Nhận thấy vấn đề này, nhóm chung tôi bàn giải pháp nhằm giảm thiểu vấn nạn uống rượu bia lái xe, nhằm tránh tai nạn giao thông xảy ra với người lái xe và người tham gia giao thông trên đường.

Mục đích lớn nhất của đề án là làm cho những cuộc vui chơi trở nên an toàn hơn.

- Thông thường, những người đã sử dụng bia rượu khó kiểm soát hành vi. Vậy khi thực hiện dịch vụ này, Bạn uống tôi lái có gặp khó khăn gì trong việc kết nối với khách hàng là những người sử dụng rượu bia?

Ông Trần Nhật Trường: Từ ý tưởng đến thực tiễn vấn đề thì khác quá xa và chúng tôi gặp rất nhiều khó khăn.

Việc kết nối khách hàng và tài xế thông qua ứng dụng trên điện thoại thông minh, nhằm kết nối với tài xế gần khách hàng nhất, nhưng hầu hết khách hàng khi say rượu rồi thì không nhớ nổi hoặc không thao tác được trên màn hình để đặt tài xế.

Có trường hợp khách hàng trước khi uống rượu thì đặt tài xế, nhưng uống xong rồi thì tự chạy xe về luôn không cần đến tài xế nữa.

Ngoài ra, ở Việt Nam, xe ô tô được "định nghĩa" khách. Đầu tiên, đây là đồ trang sức đắt tiền, tài sản giá trị lớn và sau đó mới là phương tiện đi lại. Mà đã là trang sức có giá trị thì khó đưa cho người không quen biết hỗ trợ.

Tuy nhiên, qua 3 năm thực hiện, khách hàng của chúng tôi đã thay đổi. Hầu hết khách hàng là doanh nhân, CEO. Họ cư xử rất văn minh, thường gọi trước về nhà để người nhà đón.

Hầu hết khách hàng của chúng tôi không có trường hợp mất kiểm soát hành vi.

Dịch vụ Bạn uống tôi lái: Hầu hết khách khi say không nhớ nổi hoặc không thao tác được trên màn hình để đặt tài xế - Ảnh 2.

(Ảnh: Bạn uống tôi lái).

- Bản thân những người uống rượu bia khó kiểm soát hành vi, thường tự lái xe về nhà dù được can ngăn. Vậy Bạn uống tôi lái đã làm như thế nào để thuyết phục được người sử dụng bia rượu dùng dịch vụ của mình?

Ông Trần Nhật Trường: Nếu giải được bàn toán này thì dịch vụ tương tự đã bùng nổ từ lâu rồi. Nhưng để khách hàng ngày càng tin dùng hơn, chúng tôi đã giải quyết 3 vấn đề.

Thứ nhất là vấn đề khách hàng dùng dịch vụ bạn uống tôi lái để đảm bảo an toàn khi tham gia giao thông trong những tình huống mình cảm thấy nhất thời không được tự tin lái xe

Thứ hai, tài xế là nghề có tuổi đời ngắn. Tài xế không thể mãi mãi chạy xe đường dài được. Bạn uống tôi lái là cách giải quyết vấn đề công ăn việc làm cho các bác tài đã không ôm vô lăng đường dài nữa.

Thứ ba là những tài xế làm việc cho cơ quan hành chính nhà nước làm thêm vào ngày thứ bảy, chủ nhật để tăng thu nhập.

- Bạn uống tôi lái đã triển khai được 3 năm. Vậy ông có thể đánh giá như thế nào với việc thay đổi hành vi của người uống rượu?

Ông Trần Nhật Trường: Để thay đổi hành vi đã uống rượu bia tham gia giao thông thật sự vấn đề khó.

Chúng tôi mong muống đưa ra giải pháp thay thế cho những tình huống bất ngờ mà khách hàng cần đến sự giúp đỡ trong khoảnh khắc ngắn.

Tuy nhiên, hiện tại dịch vụ chỉ mới phục vụ khách hàng ở thị trường TP HCM.

- Từ khi thành lập tới nay, Bạn uống tôi lái đã có bao nhiêu khách hàng thường xuyên?

Ông Trần Nhật Trường: Khách hàng thường xuyên của Bạn uống tôi lái khoảng 300 người với chu kì 1- 4 lần mỗi tuần.

Xin cám ơn ông.

chọn
Những ông lớn địa ốc hiện diện tại 'Đất Tổ' Phú Thọ
Vài năm trở lại đây, Phú Thọ liên tục đón các doanh nghiệp lớn ngành bất động sản như GP Invest, T&T hay BV Land... Hiện nay, Ecopark và Tasco cũng đang hướng đến dự án bất động sản đầu tiên tại địa phương này.