Điểm mặt cao ốc mọc trên 'đất vàng' công nghiệp Thủ đô

Sau khi di dời các cơ sở công nghiệp ra khỏi nội đô Hà Nội, mặc dù các khu đất này được ưu tiên xây trường học và công viên nhưng thực tế hầu hết đã hóa những chung cư hàng chục tầng.

Sự phát triển và mở rộng nhanh chóng của thành phố khiến các khu đất của công ty, xí nghiệp vốn dĩ nằm ngoại thành đã trở thành đất vàng nội đô.

Điểm mặt cao ốc mọc trên 'đất vàng' công nghiệp Thủ đô  - Ảnh 1.

Dự án 90 Nguyễn Tuân đang trong quá trình xây dựng cao ốc

Tại Thanh Xuân – thủ phủ của các cơ sở sản xuất công nghiệp nhẹ, chỉ trên con đường Nguyễn Tuân dài 1km đã có đến 3 dự án cao ốc mọc trên đất công nghiệp sau di dời nhà máy. Việc dồn dập cao ốc trên cùng một khu vực gây hệ lụy nặng nề lên hạ tầng và môi trường.

Đơn cử, dự án Thống Nhất Complex với tổ hợp nhà liền kề, trung tâm thương mại và căn hộ trên diện tích gần 18.000 m2 tại số 82 Nguyễn Tuân. Đây vốn là đất công nghiệp của Công ty TNHH MTV Thống Nhất, tiền thân là Nhà máy xe đạp Thống Nhất.

Năm 2011, Công ty này đã liên doanh với Công ty TNHH phát triển Bắc Việt, góp 30% vốn thành lập Công ty TNHH Thống Nhất - Bắc Việt để thực hiện dự án gồm 2 khối nhà chung cư cao 25 tầng, 552 căn hộ.

Ngay gần đó, tại số 90 Nguyễn Tuân, một dự án gồm 87 nhà thấp tầng và 2 tòa nhà cao 29 tầng nổi cũng đang được xây dựng. Được biết, khu đất 3,7 ha này trước đây do một Xí nghiệp xe buýt thuộc Tổng Công ty vận tải Hà Nội (Transerco) quản lý, sử dụng.

Vốn dĩ khu đất này được cho phép thực hiện dự án xây dựng nhà ở cho cán bộ công nhân viên. Tuy nhiên, tháng 7/2017, UBND TP Hà Nội ký quyết định thu hồi khu đất này và giao cho Công ty cổ phần Đầu tư đô thị và Khu công nghiệp Sông Đà 7 để thực hiện dự án đầu tư xây dựng nhà ở.

Cách đó không xa, trên khu đất 2,2ha sau khi bị thu hồi Công ty cổ phần dệt Mùa Đông đã được giao lại cho Công ty cổ phần bất động sản Mùa Đông-VID, một công ty do chính công ty dệt Mùa Đông sáng lập, để thực hiện dự án xây dựng Tổ hợp văn phòng dịch vụ thương mại và nhà ở cao tầng. Dự án hiện tại được quy hoạch gồm 4 toà cao từ 27 - 35 tầng với hơn 1.500 căn hộ.

Theo các chuyên gia, việc đặt hàng nghìn căn hộ trên một con đường chỉ vỏn vẹn 1km sẽ gây áp lực nặng nề lên hạ tầng, môi trường, đặc biệt là tình trạng ách tắc giao thông sẽ có nguy cơ xảy ra thường xuyên, hệ thống xả thải cũng phải gánh chịu áp lực rất lớn.

Thực tế, ngoài quận Thanh Xuân tình trạng sử dụng đất công nghiệp sau di dời cũng đã xảy ra ở các quận khác. Dự án Thăng Long Garden tại số 250 Minh Khai là một ví dụ điển hình tại quận Hai Bà Trưng.

Dự án bao gồm 2 tòa chung cư và 1 tòa văn phòng cho thuê được xây dựng trên 13.500 m2 đất sau di dời của Công ty cổ phần May Thăng Long. Có thể nói, đây là một dự án tai tiếng một thời bởi chủ đầu tư là Công ty May Thăng Long đã xây dựng thêm nhiều công trình vi phạm, bị cưỡng chế dỡ bỏ.

Thậm chí, cho đến hiện tại công trình sai phạm trước tòa A2 của khu chung cư vẫn đang được rào kín mít, đắp chiếu “đất vàng” giữa Thủ đô.

Tại quận Cầu Giấy, một dự án cũng sừng sững mọc lên tại số 1 đường Phùng Chí Kiên. Đây là khu đất có diện tích khoảng 2,6 ha là đất của Nhà máy bánh kẹo Tràng An, nhưng đã được Công ty Cổ phần Đầu tư Dầu khí Toàn Cầu - GP.Invest hợp tác với chủ đất để di chuyển nhà máy bánh kẹo đến một khu đất ở Quốc Oai tiếp tục sản xuất.

Sau di dời, khu đất này đã được chuyển đổi mục đích sử dụng sang làm dự án tổ hợp chung cư cao cấp, thương mại, văn phòng Tràng An Complex. Dự án gồm 2 tòa chung cư cao 23 – 29 tầng, 1 tòa thương mại 14 tầng, 11 căn Villas, 20 căn liền kề và khu trường học rộng 3.376m2…

Dự án 8B Lê Trực

Ngoài ra, cũng phải kể đến các cao ốc thi nhau mọc trên đất công nghiệp sau di dời như: Dự án Dệt 8/3, dự án Công ty CP Dụng cụ cơ khí xuất khẩu, hay dự án tai tiếng 8B Lê Trực…

Thực tế, theo chủ trương quy hoạch của Nhà nước, các nhà máy, xí nghiệp trong nội đô sẽ được di chuyển ra ngoại thành hoặc các cụm công nghiệp ven Hà Nội. Sau di dời, khu đất đó đã được thay đổi về chức năng đô thị, nhanh chóng biến thành đất vàng tạo nên thực trạng nhiều doanh nghiệp không chịu giao đất, hoặc nhanh chóng hô biến thành chung cư.

Các chuyên gia bất động sản cho rằng, việc di dời là cần thiết nhưng cần đảm bảo hài hòa lợi ích của doanh nghiệp phải đi cùng với lợi ích đất nước (lợi ích toàn dân) và lợi ích của dân cư.

“Cần giải quyết hài hòa lợi ích giữa các bên để các khu đất này trở thành tài sản có giá trị riêng thuộc chủ sở hữu doanh nghiệp. Không thể để ai đó “bẻ lái” chủ trương này để mang lại lợi ích cho riêng doanh nghiệp. Việc đó là đi ngược hoàn toàn với chủ trương của Đảng và Nhà nước đã đề ra" - một chuyên gia nhấn mạnh.

chọn
Cận cảnh công viên hơn 7 ha ở huyện Gia Lâm đang xây dựng
Huyện Gia Lâm chuẩn bị cưỡng chế hơn 7 ha đất để xây dựng hoàn thiện dự án công viên trị giá gần 290 tỷ đồng.