Diện mạo bến phà mới ra đảo Cát Bà

Từ 5h ngày 1/3, bến phà Đồng Bài thay thế bến phà Gót, làm nhiệm vụ vận tải hành khách, phương tiện từ đất liền ra đảo Cát Bà.

 

Nằm ở xã Đồng Bài, cạnh ga cáp treo Cát Hải - Phù Long, bến phà Đồng Bài rộng 8 ha, trong đó đường vào bến 1,8 ha, do Công ty TNHH Mặt trời Cát Bà là chủ đầu tư xây dựng.

Trước mắt, Công ty Cổ phần Đảm bảo giao thông đường thủy Hải Phòng sẽ chuyển các phà cũ đang hoạt động ở bến Gót sang bến mới và nghiên cứu thuê thêm phương tiện để đảm bảo năng lực vận chuyển vào dịp cao điểm. Chủ đầu tư tặng lại cho TP Hải Phòng bến cập mũi, đường dẫn vào bến, đèn chiếu sáng, cây xanh.

 

Bến cập mũi dài 61,4 m, rộng 35 m, dốc gần 11%, nhỏ hơn 2% so với bến phà cũ. Trong tương lai gần, nhà đầu tư sẽ xây thêm một bến mũi và 6 bến cập mạn cùng khu đón tàu du lịch tham quan vịnh Lan Hạ.

 

Chiều rộng của bến mũi có thể đón cùng lúc hai phà to và một phà nhỏ vào cập mạn, được thiết kế để hạn chế tối đa ảnh hưởng của thủy triều.

Theo Sở Giao thông Vận tải Hải Phòng, tuyến từ Đồng Bài đến bến Cái Viềng (đảo Cát Bà) là 1,86 km, dài hơn tuyến cũ 120 m, thời gian di chuyển qua eo biển Cát Hải lâu hơn khoảng 10 phút.

 

Bến phà Đồng Bài có thiết kế thoải, dài, độ dốc thấp - chỉ 11%, thiết kế tương thích với phà mới (có lưỡi phà dài 6 m, gấp đôi phà cũ). Cũng bởi vậy, trong thời gian vận hành thử, đội ngũ kỹ thuật của Công ty Cổ phần Đảm bảo đường thủy Hải Phòng đã khắc phục bằng việc trang bị những con kê để các phương tiện di chuyển thuận tiện xuống phà. Thời gian tới, công ty vận hành đang nghiên cứu bổ sung lưỡi phà phụ để cho xe lên xuống dễ hơn.

UBND TP Hải Phòng đã chỉ đạo một nghiệp đóng ít nhất 5 chiếc phà mới hiện đại, tốc độ, sức chứa khoảng 15 ôtô và hàng trăm hành khách.

 

Đường xuống phà có ba làn dành cho ôtô, chiều ngược lại chỉ có một làn.

Từ nội thành Hải Phòng, người dân và du khách đi qua cầu Tân Vũ, đến ngã tư đối diện Nhà máy sản xuất ôtô Vinfast sẽ có biển chỉ dẫn đi vào bến phà Đồng Bài (cùng đường vào ga cáp treo Cát Hải - Phù Long). Khoảng cách từ đường ôtô Tân Vũ - Lạch Huyện đến trạm bán vé xuống phà khoảng 2,2 km.

 

Người đi bộ, xe máy, xe thô sơ sẽ đi lối riêng, nằm cạnh khu vực nhà chờ.

 

Khu nhà chờ rộng hơn 830 m2, hệ thống mái che khoảng 1.400 m2. Đây là nơi làm việc của Ban Quản lý bến phà và chỗ nghỉ ngơi của du khách.

 

Mái che mưa nắng cho người đi xe máy và người đi bộ từ nhà chờ xuống phà cũng sẽ được xây dựng trong thời gian tới.

Trước đây, mỗi ngày có khoảng 3.700 khách và 750 phương tiện qua bến phà Gót - Cái Viềng. Vào những ngày nghỉ cuối tuần và dịp lễ, lượng người và phương tiện tăng cao từ 1,5 đến 2 lần, các phà thường xuyên hoạt động hết công suất dẫn đến quá tải và gây ùn tắc.

Với cơ sở vật chất hiện đại, năng lực vận chuyển cao hơn bến phà cũ, UBND TP Hải Phòng kỳ vọng bến phà Đồng Bài sẽ khắc phục tình trạng vào dịp cao điểm du lịch.

 

Bến phà Gót dừng hoạt động từ 1/3, được thu hồi, giải phóng mặt bằng phục vụ cho dự án xây dựng khu công nghiệp cảng cửa ngõ quốc tế Hải Phòng. Dự án có diện tích đất quy hoạch xây dựng hơn 503 ha, diện tích xây cảng 20 ha và 3,3 ha là khu vực xây đê quốc gia.

Khu công nghiệp này sẽ ưu tiên phát triển các ngành công nghiệp sạch, công nghiệp sử dụng công nghệ cao, tiết kiệm năng lượng, thân thiện với môi trường và được định hướng trở thành nơi cung ứng dịch vụ cảng biển, thương mại, logistics, kho bãi.

Vị trí bến phà Đồng Bài và khoảng cách tuyến mới. (Ảnh: Lê Tân).

chọn
Hà Nam: Hai doanh nghiệp bắt tay làm khu công nghiệp 2.600 tỷ trên đường nối Vành đai 4 - Vành đai 5
KCN Thanh Bình II giai đoạn 1 có tổng vốn gần 2.700 tỷ, chủ đầu tư là Công ty TNHH Đầu tư Phát triển Hạ tầng Khu công nghiệp Thanh Bình. Đây là doanh nghiệp được góp vốn bởi GMG Việt Nam và Việt Phát.