Theo CNBC, chỉ riêng trong năm 2019, các nhà bán lẻ ở Mỹ đã đóng cửa 5.994 cửa hàng. Con số này vượt quá tổng số 5.864 cửa hàng đóng cửa năm ngoái, theo báo cáo mới đây của Coresight Research.
Hãng nghiên cứu Retail Metrics ước tính doanh thu ngành bán lẻ thời trang ở Mỹ giảm 24% trong quí I/2019, hoàn toàn trái ngược với mức tăng 26% của quí I/2018. Retail Metrics cho biết lần cuối cùng doanh số toàn ngành bán lẻ thời trang sụt giảm như thế là thời kỳ Đại suy thoái (giảm 40% trong quí I/2008).
Việc Topshop nộp đơn xin bảo hộ phá sản và thanh lý tất cả cửa hàng ở Mỹ không hề gây ngạc nhiên bởi cuối năm ngoái, công ty này đã công bố khoản lỗ năm lên đến 14 triệu USD.
Topshop đã có nhiều năm kinh doanh không thuận lợi ở Australia, New Zealand, Tây Ban Nha, Trung Quốc và Mỹ. Ảnh: Guardian.
Năm 2017, Topshop đã rút lui khỏi các thị trường Australia, New Zealand và Tây Ban Nha. Một năm sau, thương hiệu này cũng tuyên bố đóng cửa hàng và hoạt động thương mại điện tử tại Trung Quốc.
Trong khi đó, kết quả kinh doanh của Forever 21 ở Trung Quốc, Đài Loan, Pháp và Mỹ hồi tháng 4-5 cũng rất ảm đạm. Hiện tại, hãng thời trang bình dân này đang lên kế hoạch tái cấu trúc nhằm vực dậy thương hiệu.
Retail Metrics cho biết các hãng thời trang bán lẻ từ Gap, J.Jill, Canada Goose cho đến Abercrombie & Fitch đều công bố báo cáo tài chính không mấy khả quan hồi cuối tháng 5 vừa qua.
CNBC dẫn lời các chuyên gia ngành thời trang và đại diện các thương hiệu trên đều đánh giá nguyên thất bại của ngành công nghiệp thời trang nhanh là do xu hướng toàn cầu về mua sắm trực tuyến và thời trang bền vững.
Lý giải về sự sụt giảm doanh thu trong thời gian qua, các công ty đều cho biết ngày càng nhiều khách hàng, đặc biệt là người trẻ, thích mua sắm đồ thời trang qua mạng. Lượng khách vào các trung tâm thương mại lớn giảm dần khiến doanh số của các cửa hàng thời trang tụt dốc.
Theo số liệu của Cục Điều tra thương mại Mỹ, ước tính doanh số bán lẻ trực tuyến các sản phẩm thời trang trong quí I/2019 đạt 137,7 tỉ USD, tăng 3,6% so với quí IV/2018 và tăng 12,4% so với cùng kỳ năm 2018. Với những số liệu này, bán lẻ trực tuyến chiếm tỉ trọng 10,2% tổng doanh thu bán lẻ trên thị trường Mỹ.
Xét trên quy mô toàn cầu, hãng Statista cho biết doanh số bán lẻ thời trang trực tuyến đạt 317 tỉ USD vào năm 2018. Với tốc độ phát triển của công nghệ 4.0 và sự đầu tư của các thương hiệu vào mảng kinh doanh online, con số này dự kiến mỗi năm sẽ tăng thêm khoảng 110%, lên đến 475 tỉ USD năm 2022.
Người tiêu dùng, đặc biệt là giới trẻ, có xu hướng tìm hiểu thông tin và lựa chọn sản phẩm một cách nhanh chóng, tiện lợi trên Internet thay vì vào mua tại các trung tâm thương mại lớn. Chính vì thế, các thương hiệu thời trang trực tuyến như ASOS, Boohoo, TJMaxx và Pretty Little Thing dần thu hút đông đảo tín đồ thời trang.
Trong khi đó, Topshop và Forever 21 không chú trọng đầu tư vào thương mại điện tử mà tập trung mở rộng ngày càng nhiều cửa hàng diện tích lớn tại các trung tâm thương mại hàng đầu.
Nếu cửa hàng flagship lớn nhất của Forever 21 và Topshop có diện tích lần lượt khoảng 11.706 m2 (Las Vegas, Mỹ) và 8.361 m2 (London, Anh) thì Zara và H&M chỉ sở hữu những cửa hàng chưa tới 6.100 m2.
Forever 21 hay Topshop đầu tư quá nhiều vào các cửa hàng lớn ở trung tâm thương mại. Ảnh: The Journal.
Lượng khách giảm đi nhưng chi phí thuê mặt bằng và nhân viên không thay đổi khiến mức giá phải chăng của những thương hiệu này trở thành “điểm trừ” lớn cho lợi nhuận. Theo Gulf News, chi phí thuê mặt bằng tại các trung tâm thương mại tăng cao hơn mức tăng trưởng của nền kinh tế.
Ở New York (Mỹ), chi phí thuê mặt bằng tăng khoảng 89% kể từ năm 2008, trong khi doanh thu bán lẻ chỉ tăng 32%. Xu hướng tương tự cũng diễn ra tại London (Anh) và Dubai (UAE).
Hiện tại, Arcadia Group (tập đoàn sở hữu thương hiệu Forever 21) đang đàm phán với chủ các trung tâm thương mại nhằm nhằm cắt giảm chi phí thuê mặt bằng.
Nguồn tin của Guardian cho biết công ty sẽ chia 20% doanh thu bán hàng cho chủ mặt bằng, đồng thời đầu tư 50 triệu bảng Anh để cải tạo và nâng cấp các cửa hàng. Đây là một trong những nỗ lực tái cấu trúc công ty của Arcadia.
Những năm gần đây, nhận thức về môi trường đang mở ra những hướng đi mới cho mọi ngành công nghiệp, trong đó có thời trang. Thay vì lấp đầy tủ đồ với hàng trăm bộ trang phục giá rẻ chạy theo xu hướng, nhiều người tiêu dùng trên thế giới dần hướng tới lối sống tối giản và thân thiện với môi trường.
Từ những năm 2014, nhiều bộ phim tài liệu như The Next Black, The True Cost, RiverBlue hay Alex James: Slowing Down Fast Fashion đã bắt đầu vạch trần mặt trái của thời trang nhanh. Ước tính 2.700 lít nước có thể đủ cho một người uống trong vòng 2 năm rưỡi, nhưng đấy cũng là lượng nước cần để sản xuất ra một chiếc áo cotton.
Không những thế, ngành công nghiệp này còn thải ra môi trường 20% lượng nước ô nhiễm trên toàn cầu từ việc nhuộm vải. Thời trang được coi là một trong 5 ngành công nghiệp xả ra môi trường lượng nước thải ô nhiễm nhất.
Tthời gian để rác thải thời trang tự phân hủy kéo dài từ 1-6 tuần (đối với vải vicose) cho đến 1-5 năm (đối với vải len). Thậm chí, các sản phẩm từ da động vật còn mất đến 50 năm để phân hủy, còn trang phục làm bằng vải polyester thì cần tới hơn 200 năm.
Trong khi đó, tuổi thọ trung bình của người dân trên thế giới chỉ đạt khoảng 70. Chính những sự thật này đã khiến hình ảnh các thương hiệu thời trang “mì ăn liền” như Topshop và Forever 21 trở nên xấu xí hơn.
Xu hướng thời trang bền vững lên ngôi trong những năm gần đây. Ảnh: Statements.
Người tiêu dùng bắt đầu chuyển sang sử dụng những trang phục được làm từ các chất liệu thân thiện với môi trường như bọt BLOOM, sợi cam hay Pinatex. Đồng thời, số lượng và tần suất mua sắm quần áo cũng giảm đi nhằm hướng tới lối sống tối giản.
Đáp lại xu hướng đó, một số thương hiệu thời trang nhanh, tiêu biểu là H&M đang thực hiện nhiều thay đổi lớn. Họ tích cực thu gom quần áo từ nhiều thương hiệu khác nhau để tái chế.
Đồng thời họ liên tục tung ra các bộ sưu tập thời trang thân thiện với môi trường thông qua các “tuần lễ thời trang bền vững”. Khái niệm “bền vững” đồng thời được H&M mở rộng ra với việc quản lý nhân sự và các chính sách nội bộ trong công ty.
Trong khi đó, những tên tuổi đang trải qua thời kỳ khó khăn nhất hiện nay là Topshop, Forever 21 và Gap lại chưa tỏ rõ hướng đi mới với xu hướng thời trang bền vững này.
Các công ty này vẫn liên tục tung ra những bộ sưu tập thời trang “mì ăn liền” mới, chưa có dấu hiệu cải thiện hệ thống bán hàng trực tuyến và chỉ cố gắng duy trì sức mua tại các cửa hàng rộng lớn.
Do đó, tương lai của các ông lớn từng một thời làm khuynh đảo ngành thời trang thế giới vẫn là một câu hỏi lớn.