Điều gì sẽ xảy ra với gói chi tiêu khẩn cấp 2.300 tỷ USD khi Tổng thống Trump chưa chịu ký?

Người dân Mỹ cũng như các thị trường tài chính toàn cầu đang phải lo lắng cho số phận của nền kinh tế khi Tổng thống Mỹ Trump bất ngờ phản đối gay gắt dự luật cứu trợ và gói chi tiêu chính phủ.
Ông Trump chưa chịu ký, điều gì sẽ xảy ra với gói chi tiêu khẩn cấp 2.300 tỷ USD? - Ảnh 1.

Tổng thống Trump và vợ hạ cánh xuống sân bay ở Florida ngày 23/12/2020 để nghỉ lễ Giáng sinh sau khi ông Trump công khai phản đối dự luật cứu trợ COVID-19. (Ảnh: palmbeachpost.com)

Gói cứu trợ kinh tế có trị giá gần 900 tỷ USD và dự luật chi tiêu chính phủ có quy mô 1.400 tỷ USD, đủ cho các cơ quan liên bang Mỹ hoạt động đến hết tháng 9/2021.

Sau nhiều tháng im lặng, không tham gia vào quá trình đàm phán, Tổng thống Trump bất ngờ tuyên bố điều khoản phát tiền mặt trực tiếp của gói hỗ trợ hiện nay quá nhỏ và yêu cầu nâng từ 600 USD/người lên 2.000 USD/người.

Đảng Dân chủ hoan nghênh ý tưởng này nhưng chính Đảng Cộng hòa của ông Trump lại kiên quyết phản đối. Do vậy, Quốc hội Mỹ vẫn gửi cho tổng thống bản dự luật với nội dung cũ. Ông Trump không nói sẽ phủ quyết, nhưng cũng chưa chịu đặt bút ký. Theo Reuters, có ba kịch bản có thể xảy ra như sau:

Ông Trump nhượng bộ

Tổng thống Trump ký ban hành đạo luật gần 5.600 trang dù không hoàn toàn hài lòng với các điều khoản mà quốc hội đưa ra. Ông Trump muốn tăng phát tiền mặt cho người dân và giảm các khoản viện trợ nước ngoài cũng như một số khoản chi tiêu mà ông cho là lãng phí.

Đạo luật được ban hành chính thức sẽ giúp khoảng 14 triệu người Mỹ tiếp tục được nhận trợ cấp thất nghiệp bổ sung, các doanh nghiệp nhỏ được cấp vốn để trả lương cho người lao động, …

Ông Trump phủ quyết

Tổng thống gạt phăng đi dự luật đã được cả Thượng viện và Hạ viện thông qua với đa số áp đảo. Lúc này Quốc hội sẽ có hai lựa chọn:

Một là huy động đủ 2/3 số nghị sĩ cần thiết để bác bỏ quyền phủ quyết của ông Trump, khi đó dự luật sẽ tự động biến thành luật dù không có chữ ký của tổng thống.

Hai là giữ nguyên sự phủ quyết của ông Trump. Kịch bản này có thể xảy ra nếu nhiều nghị sĩ Đảng Cộng hòa tẩy chay dự luật theo ý ông Trump, dù trước đây những nghị sĩ này đã bỏ phiếu ủng hộ.

Dự luật bị phủ quyết, hàng chục triệu người Mỹ sẽ mất trợ cấp thất nghiệp bổ sung, hơn 300 triệu người Mỹ không được phát tiền mặt, nhiều cơ quan liên bang phải ngừng hoạt động vì không có ngân sách.

Ông Trump không làm gì

Ông Trump đợi hết thời hạn 10 ngày (không kể Chủ nhật) sau khi nhận được dự luật từ Quốc hội, không ký ban hành cũng không phủ quyết.

Nếu ông Trump muốn thủ tiêu dự luật thì thời gian sẽ đứng về phía ông. Trong thời hạn 10 ngày nói trên, Quốc hội khóa 116 của Mỹ sẽ mãn nhiệm và Quốc hội khóa 117 sẽ tuyên thệ vào ngày 3/1/2021. Nếu dự luật không được ban hành thành luật trong khóa quốc hội mà nó được giới thiệu, dự luật đó sẽ chết.

Muốn hồi sinh dự luật này, hai viện Quốc hội sẽ phải bỏ phiếu lại từ đầu rồi lại gửi đến cho tổng thống. Như vậy, có thể Tổng thống đắc cử Joe Biden sẽ phải xử lý dự luật cứu trợ và chi tiêu chính phủ sau khi ông chính thức tuyên thệ nhậm chức ngày 20/1/2021.

Trong một video đăng tải đêm 22/12, ông Trump đã nói bóng gió về khả năng để dự luật lại cho nhiệm kỳ tổng thống kế tiếp: "Nếu Quốc hội không gửi cho tôi một dự luật thích hợp, chính phủ nhiệm kỳ tiếp theo sẽ phải cho ra một gói giải cứu. Có lẽ nhiệm kỳ tiếp theo vẫn là của tôi".

Ông Trump chưa chịu ký, điều gì sẽ xảy ra với gói chi tiêu khẩn cấp 2.300 tỷ USD? - Ảnh 2.

Tổng thống Trump và vợ tại khu nghỉ dưỡng Mar-a-Lago của gia đình ông, ngày 24/12/2017. (Ảnh: palmbeachpost.com)

Trợ cấp thất nghiệp bổ sung cho 14 triệu người sẽ hết hạn vào ngày 26/12 (theo giờ Mỹ).

Ngân sách cho chính quyền liên bang hoạt động sẽ cạn kiệt vào nửa đêm 28/12. Nếu ông Trump không ký ban hành các gói chi tiêu 2.300 tỷ USD, Quốc hội sẽ phải thông qua dự luật chi tiêu tạm thời thứ tư kể từ cuối tháng 9 trở lại đây và ông Trump cũng sẽ phải ký ban hành dự luật tạm thời này.

Nếu Quốc hội không thông qua hay ông Trump cũng không chịu ký ban hành gói chi tiêu tạm thời, quá trình đóng cửa chính phủ sẽ bắt đầu từ ngày 29/12, hàng chục nghìn viên chức sẽ mất việc và nhiều chương trình công cộng bị gián đoạn.

chọn
Chuyên gia: Vàng tăng mạnh nhưng cũng không là gì so với đà tăng của giá bất động sản
TS. Lê Xuân Nghĩa cho biết từ năm 1990 đến nay, giá vàng tại Việt Nam tăng khoảng 30 lần nhưng giá bất động sản đã tăng khoảng 100 – 400 lần.