Sáng 3/11, trao đổi với Zing.vn, ông Hoàng Đại Nghĩa - Đội trưởng đội Quản lý thị trưởng (QLTT) số 6, Chi cục QLTT Hà Nội, cho biết cơ quan này vừa chuyển hồ sơ vụ tạm giữ 14.000 sản phẩm mỹ phẩm, thực phẩm chức năng không rõ nguồn gốc xuất xứ, trị giá gần 11 tỷ đồng thu giữ tại kho của Công ty TNHH Thương mại và Dịch vụ TS Việt Nam sang cơ quan điều tra tiếp tục làm rõ.
"Phòng Cảnh sát điều tra tội phạm về trật tự quản lý kinh tế và chức vụ (PC46), Công an Hà Nội đã thụ lý vụ việc", ông Nghĩa thông tin.
Theo lãnh đạo đội QLTT, bà Nguyễn Thu Trang - Giám đốc Công ty TNHH Thương mại và Dịch vụ TS Việt Nam - đã tới đơn vị làm việc nhưng chưa xuất trình đầy đủ các giấy tờ như yêu cầu.
Nữ doanh nhân này vừa được lựa chọn đi thi Hoa hậu Quý bà châu Á 2017, diễn ra tại Trung Quốc trong tháng 11.
Theo hồ sơ vụ việc, ngày 18/10, Đội QLTT số 6 ra quyết định kiểm tra đột xuất khu nhà xưởng trung tâm giao thương 365 quận Hà Đông (Hà Nội). Kho hàng này thuộc Công ty TNHH Thương mại và Dịch vụ TS Việt Nam.
Quyết định kiểm tra được ban hành sau nhiều ngày QLTT Hà Nội theo dõi và nghi vấn ở đây chứa hàng không rõ nguồn gốc.
Tại thời điểm kiểm tra, cơ quan chức năng phát hiện, tạm giữ ở kho này 14.000 sản phẩm gồm mỹ phẩm, thực phẩm chức năng không rõ nguồn gốc xuất xứ, ước tính trị giá gần 11 tỷ đồng.
Thực phẩm chức năng gắn mác "Korea". Ảnh: Cơ quan chức năng cung cấp. |
Thời điểm kiểm tra, đại diện cơ sở không xuất trình được hóa đơn chứng từ chứng minh nguồn gốc hàng hóa. Theo ghi nhận của lực lượng chức năng, nhiều mỹ phẩm, thực phẩm chức năng ở đây có dấu hiệu giả nơi sản xuất, nguồn gốc xuất xứ New Zealand, Hàn Quốc.
Ông Nguyễn Thanh Hà, Đội phó Đội QLTT số 6 cho biết doanh nghiệp này thừa nhận mỹ phẩm bị thu giữ mua trôi nổi trong nước, sau đó doanh nghiệp tự in và dán nhãn mác, nơi sản xuất ở nước ngoài.
Với số hàng tạm giữ là thực phẩm chức năng, quản lý thị trường làm rõ nghi vấn “lách luật”. Theo quy định đã là thực phẩm chức năng phải có nhà sản xuất để chịu trách nhiệm cho sản phẩm đó. Tuy nhiên trên sản phẩm của Công ty TNHH Thương mại và Dịch vụ TS Việt Nam chỉ ghi phân phối mà không ghi nhà sản xuất.
Được biết, nhiều người đẹp nổi tiếng làm đại sứ thương hiệu cho các sản phẩm mỹ phẩm của TS Việt Nam.
Gần một tuần sau khi phát hiện vụ việc, chiều 23/10, Đội QLTT số 6 (Chi cục QLTT Hà Nội) đã làm việc với đại diện ủy quyền của Công ty TNHH Thương mại và Dịch vụ TS Việt Nam để mở niêm phong hàng hóa tạm giữ để xác định tính năng, công dụng ghi trên nhãn hàng, cũng như làm rõ giá trị sản phẩm
Bà Nguyễn Thu Trang. Ảnh: VOV. |
Lực lượng chức năng cũng đã xác định được giá bán các sản phẩm này trên website: “tnnatural.com.vn” và “haligruop.vn” của công ty. Đại diện công ty cho biết hàng hóa bị tạm giữ mua của một người “không biết ở đâu".
Đại diện Công ty TNHH Thương mại và Dịch vụ TS Việt Nam thừa nhận các sản phẩm: Mầm ngũ cốc non giảm cân, Mầm ngũ cốc non tăng cân, Kén đặt đông y, Ngọc nhũ nương - là thực phẩm chức năng. Số thực phẩm chức năng trên chưa thực hiện xác nhận công bố phù hợp với quy định an toàn thực phẩm. Tổng giá trị 4 loại hàng kể trên hơn 5,1 tỷ đồng.
Các sản phẩm: Kem Ann, Gel lạnh tan mỡ, Mặt nạ ngủ, Bột rửa mặt đông y hoàng cung, Tinh chất Serum 4 Hair, SK8 Super White, sữa tắm không nhãn… là mỹ phẩm. Số mỹ phẩm này Công ty TNHH Thương mại và Dịch vụ TS Việt Nam chưa thực hiện công bố theo quy định, tổng giá trị hơn 4,3 tỷ đồng.
Ngoài ra, lực lượng chức năng xác định các sản phẩm: Muối tắm nhau thai cừu, Mặt nạ ngủ Herbal cũng là mặt hàng mỹ phẩm. Trong đó, muối tắm nhau thai cừu trên nhãn ghi giả mạo nơi sản xuất; mặt nạ ngủ ghi giả mạo nguồn gốc hàng hóa. Tổng 2 loại hàng thu giữ có giá trị trên 1,2 tỷ đồng.
Về hoạt động thương mại điện tử trên trang "tnnatural.com.vn", cơ quan chức năng xác định do Công ty TNHH Thương mại và Dịch vụ TS Việt Nam thiết lập để kinh doanh thương mại điện tử, chưa thực hiện thông báo với Bộ Công Thương theo quy định.
Khu vực kho hàng bị kiểm tra (chấm đỏ). Ảnh: Google Maps. |