'Định tội' Alibaba qua việc 'huy động góp vốn'

Về những dấu hiệu vi phạm pháp luật của Công ty CP Tập đoàn Địa ốc Alibaba thể hiện qua việc "huy động góp vốn" để phân phối hàng ngàn nền đất ảo, chưa đủ điều kiện pháp lý ở các tỉnh, ngày 28/6, luật sư Nguyễn Văn Lộc, Chủ tịch Công ty LP Group, phân tích.

Alibaba, nhân viên công ty này và khách hàng "góp vốn" đều đã làm sai so với quy định tại Luật Kinh doanh bất động sản, Luật Nhà ở và Luật Đất đai.

Thực chất là hình thức ponzi đa cấp?

Theo luật sư Nguyễn Văn Lộc, kiểu làm ăn của Alibaba được xem là một tệ nạn trong kinh doanh bất động sản. Hầu hết giao dịch bất động sản của Alibaba đều chưa đủ điều kiện kinh doanh. Nó là hình thức kinh doanh giống phương pháp ponzi đa cấp tiếp nối.

Chưa kể, Alibaba đã thực hiện giao dịch dân sự, ủy quyền và thực hiện ủy quyền chứ không phải là kinh doanh bất động sản. Họ huy động vốn là chủ yếu. Đặc biệt, họ đã kinh doanh sản phẩm ủy quyền bất động sản sai quy định. Bên cạnh đó, họ đã kinh doanh đa cấp bất động sản, mà theo quy định kinh doanh bất động sản thì không được kinh doanh đa cấp.

Cần xoáy vào mấy vấn đề để định được "tội" của Alibaba.

Thứ nhất, đã huy động vốn sai quy định. Theo đó, hoạt động huy động vốn chỉ được phép khi dự án đủ điều kiện, trong khi Alibaba chỉ tập trung vào huy động vốn chứ không phải tập trung vào kinh doanh bất động sản. Đó là cái sai cơ bản.

Thứ hai, Alibaba đã lách luật bằng cách thực hiện các thỏa thuận với người dân có đất, trong trường hợp này lẽ ra phải là hợp đồng song vụ. Nghĩa là thỏa thuận giữa người có quyền và người có nghĩa vụ chứ không chỉ làm ủy quyền rồi bên được ủy quyền "tung hoành". Rõ ràng, người chủ đất đã ủy quyền kinh doanh sản phẩm không đủ điều kiện và họ ủy thác luôn nghĩa vụ đó cho người nhận ủy quyền là sai.

Với trường hợp của Alibaba thì phải quy trách nhiệm, nghĩa vụ 3 bên. Đó là nghĩa vụ của chủ đất, nghĩa vụ của cá nhân nhân viên và cho cả người mua đất đã tiếp tục bán lại.

Về nhân viên của công ty, dù sai phạm hình sự phải là pháp nhân nhưng theo quy định của Bộ Luật Hình sự mới, cá nhân liên quan cũng phải chịu trách nhiệm. Cụ thể, lãnh đạo Công ty CP Tập đoàn Địa ốc Alibaba đã phân công, phân quyền xuống từng nhân viên nắm khách hàng và chịu trách nhiệm giao dịch. Việc này đang trao quyền theo kiểu dân sự nhưng thực tế nó là trách nhiệm hành chính, hình sự trong bồi thường thiệt hại.

Cuối cùng là người mua sản phẩm chưa có thật của Alibaba. Nếu họ đầu tư để dành, không bán đi thì họ không có tội. Nhưng họ mua sản phẩm không có đủ điều kiện pháp lý, là sản phẩm sai trái nhưng họ đã tiếp tục đi bán cho người khác thì đồng nghĩa với việc họ đã tiếp tay cho hoạt động sai trái, vi phạm pháp luật.

"Kiểu làm ăn của Alibaba cần phải bài trừ vì nó là tệ nạn của xã hội" - luật sư Nguyễn Văn Lộc nhấn mạnh.

Kiên quyết cưỡng chế

Tại các khu đất mà Công ty Alibaba rao bán đất nền ở thị xã Phú Mỹ (tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu), chính quyền địa phương cho biết sẽ cưỡng chế lần lượt, đặc biệt tại khu đất do ông Nguyễn Ngọc Sự đứng tên làm chủ ở xã Châu Pha. Công trình này đã được đầu tư hạ tầng như đường giao thông nội bộ, cột điện, bên trong còn kèm biển báo giao thông, tên đường do chủ đất tự ý xây dựng.

Trước đó, ngày 18-6, UBND thị xã Phú Mỹ ký quyết định cưỡng chế khu đất này do chủ đất đã tự ý thay đổi hiện trạng, làm đường giao thông mà không được cơ quan nhà nước cấp phép. Sau đó, xe múc được huy động chuyển đất lấp lại những con đường nội bộ. Tại một số khu đất khác là dự án cho Alibaba phân phối đất nền như: Alibaba Tân Thành Center City 2, Alibaba Tân Thành Center City 3 ở xã Song Xoài, thị xã Phú Mỹ cũng được đối phó bằng cách lấp lại các bó vỉa bằng bê-tông.

UBND thị xã Phú Mỹ cho biết cách làm đó không thể hiện việc khôi phục tình trạng của đất mà chỉ để đối phó với cơ quan chức năng. Quan điểm của địa phương vẫn sẽ ủi lớp đất để thấy con đường bên dưới và thực hiện cưỡng chế bình thường.

Ông Nguyễn Hồng Lĩnh, Bí thư Tỉnh ủy Bà Rịa - Vũng Tàu, cho biết sở dĩ có tình trạng phân lô, bán nền đất nông nghiệp trong thời gian qua là do kẽ hở từ Quyết định 23/2017 của UBND tỉnh quy định về việc tách thửa đất. "Nếu doanh nghiệp làm ăn tử tế, lập dự án, làm cơ sở hạ tầng bảo đảm được chính quyền địa phương phê duyệt thì đương nhiên tỉnh sẽ tạo điều kiện để doanh nghiệp làm; còn trường hợp tự ý phân lô, bán nền trái phép sẽ bị xử lý theo quy định" - ông Lĩnh cho hay. Sở Tài nguyên và Môi trường đang trình dự thảo thay đổi một số quy định trong quyết định trên.


chọn
Hà Nam: Hai doanh nghiệp bắt tay làm khu công nghiệp 2.600 tỷ trên đường nối Vành đai 4 - Vành đai 5
KCN Thanh Bình II giai đoạn 1 có tổng vốn gần 2.700 tỷ, chủ đầu tư là Công ty TNHH Đầu tư Phát triển Hạ tầng Khu công nghiệp Thanh Bình. Đây là doanh nghiệp được góp vốn bởi GMG Việt Nam và Việt Phát.