Phần 6,4ha đặt đường ray cũ (vùng khoanh đỏ) đã có nhà mọc lên, phần đất trống 4,8ha dự kiến lắp 3 đường sắt đã tháo cũng thành dự án nhà ở. (Ảnh: Quang Định).
Hiện công an đang xác minh và thu thập hồ sơ liên quan đến việc quản lý các tuyến đường sắt, sử dụng đất ở Trạm vật tư đường sắt Dĩ An tại phường Dĩ An, thị xã Dĩ An, Bình Dương.
Trong diễn tiến liên quan, Phân ban quản lý Kết cấu hạ tầng đường sắt khu vực 3 (Tổng công ty Đường sắt Việt Nam) cũng vừa gửi văn bản đến UBND thị xã Dĩ An và UBND tỉnh Bình Dương về việc sử dụng đất sai mục đích tại trạm vật tư.
Theo đó, dự án cải dịch do Công ty cổ phần Vật tư đường sắt Sài Gòn thực hiện đã dỡ các đường sắt nhưng chưa khôi phục. Phần đất dự kiến lắp lại đường sắt (4,8ha - PV) đang phân thành các ô với mục đích giao dịch đất nền.
Mặc dù dự án đang dở dang nhưng đến ngày 12/3, Công ty cổ phần Vật tư đường sắt Sài Gòn lại đề nghị xin tháo dỡ, thu hồi vật tư liên quan đến các đường sắt.
"Đây là điều hoàn toàn phi thực tế bởi đường đã tháo chưa khôi phục mà lại đề nghị lập phương án tháo dỡ", lãnh đạo phân ban này nhấn mạnh.
Dự án nhà ở trên đất Trạm vật tư đường sắt nhìn từ trên cao tháng 4-2019. (Video: Quang Định)
Như Tuổi Trẻ Online đã thông tin, Trạm vật tư đường sắt Dĩ An rộng hơn 11,7ha có 4 đường sắt, trong đó có một đường độc đạo nối Nhà máy xe lửa Dĩ An với ga Dĩ An.
Trong khi đang "kêu" thiếu đường, thiếu bãi xếp dỡ hàng hóa, Nhà nước phải rót thêm tiền đầu tư mở rộng đường ga, tháng 5/2015 Tổng công ty Đường sắt Việt Nam đã cho doanh nghiệp dịch chuyển 4 đường ở mặt tiền Lý Thường Kiệt để lấy 6,4ha làm dự án nhà ở thương mại.
Doanh nghiệp sau khi tháo dỡ 4 đường chỉ lắp lại một đường chính 535m ở giữa khu đất, 3 đường sắt còn lại chưa khôi phục ở khu đất 4,8ha phía sau trạm mà xin thanh lý luôn.
Hiện gần như toàn bộ đất trạm vật tư rộng hơn 11ha đã được tỉnh Bình Dương phê duyệt làm dự án nhà ở bao gồm 6,3ha dự án nhà ban đầu và thêm 4,8ha dự kiến lắp lại đường sắt.
Hiện trạng các đường ray trước khi bị tháo tại trạm vật tư đường sắt Dĩ An. (Ảnh: Đ.P. chụp lại tư liệu)
Các đường sắt ở trạm vật tư được xây dựng từ thời Pháp. (Ảnh: Quang Định).
Bộ Giao thông vận tải cũng đang kiểm tra toàn diện tháo dỡ đường sắt quốc gia và kiểm tra nguyên nhân vì sao 11ha đất trạm vật tư có công trình chạy tàu, kho bãi sau khi cổ phần hóa, thoái vốn nhà nước đã "biến" thành dự án nhà ở.