Doanh nghiệp bất động sản trước dấu hiệu ‘hụt hơi’ và bài toán tháo gỡ nguồn vốn tín dụng

6 tháng đầu năm, các doanh nghiệp bất động sản có dấu hiệu hụt hơi, việc tiếp cận nguồn vốn tín dụng, nguồn vốn trái phiếu gặp khó khăn. Vấn đề tháo gỡ tín dụng cho thị trường bất động sản được đặt ra nhưng nhiều doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh vẫn muốn tập trung vốn vào lĩnh vực này.

Sáng ngày 11/8, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã chủ trì Hội nghị toàn quốc giữa Thủ tướng với các doanh nghiệp với chủ đề "Chủ động thích ứng, phục hồi nhanh và phát triển bền vững". Hội nghị diễn ra theo hình thức trực tiếp tại đầu cầu Hà Nội, kết nối với nhiều đầu cầu trên cả nước. Tại hội nghị, vấn đề phát triển của các doanh nghiệp bất động sản nói riêng và thị trường bất động sản nói chung đã được đặt ra.

Nêu ý kiến tại hội nghị, ông Lê Hoàng Châu, Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản TP HCM cho biết, thị trường bất động sản đang có dấu hiệu giảm tốc, trầm lắng.

Các doanh nghiệp bất động sản có dấu hiệu hụt hơi, giảm thanh khoản. Việc tiếp cận nguồn vốn tín dụng, nguồn vốn trái phiếu của các doanh nghiệp cũng gặp khó khăn. Điển hình là trong quý I và tháng 7/2022, không có trái phiếu doanh nghiệp bất động sản được phát hành.

Ở phía người mua, các nhà đầu tư thứ cấp cũng đang khó khăn, người có nhu cầu thật khó tạo lập được nhà ở hơn trước đây.

Trong khi đó, về các nguồn vốn khác, vốn đầu tư nước ngoài (FDI) vào lĩnh vực bất động sản trong 6 tháng đầu năm tăng so với cùng kỳ năm trước, đạt 3,15 tỷ USD, đứng thứ hai trên tổng số các lĩnh vực.

Nguồn kiều hối đang sụt giảm, TP HCM chỉ ghi nhận 3,16 tỷ USD kiều hối trong hai quý đầu năm, giảm 13% so với cùng kỳ 2021. Điều này kéo theo lượng kiều hối đầu tư vào bất động sản cũng giảm theo bởi trong nhiều năm qua, trung bình có khoảng 20% kiều hối đầu tư vào bất động sản.

HoREA kiến nghị Ngân hàng Nhà nước thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, không siết chặt tín dụng một cách bất hợp lý nhưng tăng cường kiểm tra, giám sát, không buông lỏng quản lý Nhà nước, đảm bảo sử dụng vốn đúng mục đích, tránh rủi ro cho thị trường, với nghệ thuật điều hành mềm dẻo, linh hoạt, có hiệu quả.

Bên cạnh đó, kiến nghị sửa đổi Nghị định 153/2020 theo hướng chấn chỉnh hoạt động phát hành trái phiếu doanh nghiệp an toàn, lành mạnh, nhất là trái phiếu riêng lẻ, để hoạt động phát hành trái phiếu trở thành kênh huy động vốn xã hội hóa hiệu quả cho nền kinh tế và thị trường bất động sản.

Thống đốc NHNN Nguyễn Thị Hồng: Tín dụng chỉ là một trong các kênh vốn vào bất động sản. (Ảnh: VGP).

Phát biểu tại hội nghị, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước (NHNN) Nguyễn Thị Hồng cho biết, NHNN và ngành ngân hàng nói chung rất chia sẻ với những khó khăn của doanh nghiệp. Lắng nghe ý kiến của các doanh nghiệp, NHNN cảm nhận áp lực từ nhiều phía.

Bà Hồng cho biết, trong tổng hợp báo cáo của các đơn vị gửi ngân hàng có nhắc về tín dụng, tháo gỡ tín dụng cho thị trường bất động sản nhưng nhiều doanh nghiệp sản xuất kinh doanh vẫn muốn tập trung vốn vào lĩnh vực sản xuất, kinh doanh. Đây là áp lực lớn đối với NHNN và đặc biệt là với Chính phủ và Thủ tướng Chính phủ trong điều hành kinh tế vĩ mô.

NHNN xác định tăng trưởng tín dụng sao bảo đảm ổn định kinh tế vĩ mô, góp phần kiềm soát lạm phát và bảo đảm an toàn hoạt động cho các ngân hàng. Thời gian tới NHNN sẽ rà soát, điều chỉnh nốt phần tăng trưởng tín dụng của dữ liệu 14% còn lại; tiếp tục theo dõi diễn biến lạm phát để phối hợp với các bộ ngành tham mưu cho Chính phủ đạt những mục tiêu đề ra.

Đối với thị trường bất động sản, Thống đốc NHNN nhấn mạnh, nguồn vốn của bất động sản có thể được giải quyết từ rất nhiều kênh như FDI, thị trường chứng khoán, trái phiếu doanh nghiệp... và tín dụng chỉ là một kênh.

Với ý kiến của HoREA về việc kiều hối cũng là nguồn đầu tư bất động sản, bà Hồng cho biết, trong bối cảnh tỷ giá USD mạnh lên, lãi suất quốc tế tăng lên còn trong nước phải ổn định lãi suất thì dòng kiều hối sẽ hạn chế vào, thậm chí còn chuyển ra.

"Như vậy đặt áp lực cho NHNN về điều hành tỷ giá. Câu chuyện đó là bài toán tổng thể, chính sách tiền tệ là một trong những chính sách về kinh tế vĩ mô", Thống đốc cho biết. 

chọn
Công ty liên kết của PC1 gom hơn 600 ha đất công nghiệp
Từ tháng 7 đến nay, Western Pacific đã được chấp thuận đầu tư 3 khu công nghiệp hơn 600 ha ở Bắc Giang và Hà Nam. Theo đánh giá của SSI, điểm nhấn bất động sản năm 2024 của PC1 sẽ xoay quanh việc phát triển các dự án mới từ Western Pacific.