Doanh nghiệp cạnh tranh không lành mạnh sẽ bị phạt 2 tỉ đồng. (Ảnh: Nhà đầu tư).
Theo Nghị định này, nếu doanh nghiệp có những hành vi như: vi phạm quy định về thỏa thuận hạn chế cạnh tranh, lạm dụng vị trí thống lĩnh thị trường, lạm dụng vị trí độc quyền sẽ bị phạt tiền với số tiền từ 10% tổng doanh thu của doanh nghiệp.
Phạt 5% tổng doanh thu đối với doanh nghiệp vi phạm quy định về tập trung kinh tế.
Mức phạt tiền tối đa đối với hành vi vi phạm quy định về cạnh tranh không lành mạnh có thể lên tới 2 tỉ đồng. Trong khi đó, mức phạt tiền tối đa đối với hành vi vi phạm khác là 200 triệu đồng.
Các mức phạt được áp dụng dựa trên tổng doanh thu của doanh nghiệp vi phạm trong năm tài chính liền kề. Nếu năm tài chính đó có tổng doanh thu bằng 0, doanh nghiệp sẽ bị áp dụng hình thức phạt từ 100-200 triệu đồng.
Ngoài ra, đối với mỗi tình tiết giảm nhẹ, tình tiết tăng nặng, mức tiền phạt xác định theo quy định được điều chỉnh giảm hoặc tăng tương ứng không quá 15% mức trung bình của khung hình phạt.
Không những phạt tiền, Nghị định còn quy định các chế tài xử phạt, cảnh cáo khác như: tước quyền sử dụng giấy phép từ 6-12 tháng, tịch thu tang vật vi phạm, tịch thu lợi nhuận thu được từ vi phạm, và thu hồi giấy chứng nhận đăng kí doanh nghiệp.
Các khung hình phạt này sẽ dựa trên tính chất, mức độ vi phạm của tổ chức, cá nhân.
Ngoài các hình thức xử phạt theo quy định trên, tổ chức, cá nhân vi phạm hành chính về cạnh tranh còn có thể bị buộc áp dụng một hoặc một số biện pháp khắc phục hậu quả như buộc cải chính công khai; buộc loại bỏ yếu tố vi phạm trên hàng hoá; buộc cơ cấu lại doanh nghiệp, buộc loại bỏ những điều khoản vi phạm pháp luật ra khỏi giao dịch kinh doanh; buộc chia, tách, bán lại một phần hoặc toàn bộ vốn góp, tài sản của doanh nghiệp hình thành sau tập trung kinh tế...
Nghị định có hiệu lực thi hành từ ngày 1/12/2019.