Ông Lê Xuấn Tuyến, Giám đốc công ty cổ phần Việt Xô Gas (Thái Bình) cho rằng, theo quy định 107/2009 về điều kiện kinh doanh gas, thương nhân phân phối gas cấp 1 phải có bồn chứa 800m3 và 300.000 vỏ bình . Để đáp ứng quy định này, doanh nghiệp đã phải vay vốn ngân hàng với một khoản tiền lớn để đầu tư cơ sở hạ tầng.
Nghị định 19/2016 ra đời thay thế Nghị định 107 đã tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp như quy định hạ quy chuẩn bồn chứa xuống 300m3 và 100.000 vỏ bình. Tuy nhiên, thời gian gần đây một số đơn vị đề nghị tiếp tục hạ quy định về bồn chứa và số lượng vỏ bình thấp hơn nữa. Điều này dẫn đến một số bất cập, ảnh hưởng đến an toàn cháy nổ đến người tiêu dùng.
Theo ông Tuyến, nếu tiếp tục hạ chuẩn điều kiện kinh doanh sẽ dẫn đến tình trạng các thương nhân không đáp ứng được điều kiện về bồn chứa, vỏ bình trước đây nghiễm nhiên tham gia thị trường; đồng nghĩa thừa nhận những thương nhân trước đây kinh doanh trái phép, không đủ năng lực được kinh doanh tràn lan, ảnh hưởng đến những doanh nghiệp làm ăn chấn chính, nghiêm túc tuân thủ các quy định kinh doanh gas.
Ảnh minh họa. Nguồn: Dân Trí |
Đặc biệt, ông Tuyến cho hay, hiện nay trên thị trường, tình trạng chiếm dụng vỏ bình, cưa tai, mài nhãn để sang chiết gas lậu diễn ra phổ biến, khi xảy ra chất nổ sẽ không có căn cứ để xử lý và truy cứu trách nhiêm.
Do đó, ông Tuyến đề nghị giữ nguyên quy định về bồn chứa, vỏ bình như Nghị định 19 hiện hành; đồng thời giữ nguyên quy định về điều kiện trạm chiết vào bình phải thuộc sở hữu của thương nhân đầu mối để gắn trách nhiệm cho thương nhân đầu mối.
Tương tự, ông Nguyễn Minh Châu, Giám đốc Công ty Dầu khí Thanh Hóa cũng đề nghị thêm, nếu Chính phủ tiếp tục hạ thấp các điều kiện kinh doanh thì Bộ Công Thương cần xem xét, bồi thường những khoản vay ngân hàng mà các doanh nghiệp đã đầu tư để đáp ứng tốt, nghiêm chỉnh chấp hành các quy định của Nghị định 107 trước đây cũng như Nghị định 19 hiện nay.
Ông Lê Khắc Lãm, Giám đốc Công ty TNHH vận tải và thương mại Hoàng Lãm, cho rằng Nghị định 19 đã quy định rõ các hình thức kinh doanh gồm: thương nhân xuất, nhập khẩu gas; thương nhân sản xuất, chế biến; thương nhân phân phối; tổng đại lý và đại lý; cửa hàng kinh doanh. Các điều kiện hiện nay được đưa ra dựa trên nguyên tắc thương nhân đáp ứng điều kiện ở khâu nào thì có quyền thực hiện kinh doanh khâu đó. Đây là quy định rất hợp lý, nghĩa là năng lực của thương nhân đến đâu làm đến đó.
Ông Lãm cho biết, nếu Chính phủ và Bộ Công Thương tiếp tục hạ chuẩn điều kiện kinh doanh như giảm bồn chứa và vỏ bình sẽ là cái cớ để các thương nhân kinh doanh nhỏ lẻ, không có cơ sở hạ tầng hợp thức hóa để thành thương nhân phân phối.
Kinh doanh gas là kinh doanh có điều kiện, việc có nhiều thương nhân không đáp ứng được cơ sở hạ tầng mà tham gia thị trường sẽ gây ra tình trạng lũng đoạn thị trường; tranh giành đại lý, khách hàng bằng việc thu mua chai của hãng khác để nạp và bán ra thị trường thông qua hình thức sang chiết thủ công, không cần đầu tư thiết bị sẽ dẫn đến nguy cơ mất an toàn cao, ảnh hưởng đến tính mạng người tiêu dùng.
Cũng phải nhắc thêm rằng, trước đó, tại đánh giá về điều kiện thương nhân kinh doanh khí gas tại Nghị định số 19, hàng chục doanh nghiệp kinh doanh khí gas - cho rằng: "Nghị định trên là quá chặt chẽ và bất hợp lý, dẫn đến nguy cơ phá sản phần lớn các doanh nghiệp đang phân phối khí gas, với việc quy định các điều kiện đối với doanh nghiệp phân phối khí gas.
Đại diện các doanh nghiệp kinh doanh gas này cũng cho rằng, các điều kiện kinh doanh nêu trên dẫn đến việc loại bỏ các doanh nghiệp nhỏ và vừa tham gia mới vào thị trường, đặc biệt là với cả rất nhiều doanh nghiệp đã có quá trình đầu tư, hoạt động hợp pháp, có hiệu quả. Nếu doanh nghiệp muốn tiếp tục kinh doanh thì mỗi doanh nghiệp sẽ phải chi thêm khoảng 25 - 30 tỷ đồng để đầu tư vào hệ thống bồn chứa, bình gas chỉ với mục đích để được cấp lại giấy phép kinh doanh, mà không cần thiết để sử dụng vào sản xuất, kinh doanh. Ước tính mỗi doanh nghiệp phải bỏ ra cả triệu USD để duy trì kinh doanh vì 1 cái giấy phép không cần thiết.
Còn theo ông Nguyễn Minh Đức, đại diện Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI), các quy định của Bộ Công Thương thường hướng tới quy mô và điều này sẽ gây ra những hạn chế đối với các doanh nghiệp nhỏ và vừa, thậm chí làm "thui chột" những doanh nghiệp manh nha khởi nghiệp.
"Tôi đồng tình với lãnh đạo Bộ Công Thương về quan điểm quan trọng là quy định có hợp lý hay không chứ không phải nhiều hay ít. Tuy nhiên, ngành công thương thường có quy định phân biệt quy mô, không chỉ với gas mà còn gạo, phân bón, xăng dầu… Điều kiện này là sự can thiệp thái quá của nhà nước vào thị trường bởi quy mô phụ thuộc cung cầu và nếu không hợp lý thì doanh nghiệp tự điều chỉnh", ông Đức nói.
Trao đổi về các quy định tại Nghị định 19, đại diện Bộ Công Thương - Thứ trưởng Trần Quốc Khánh cũng thừa nhận, không thể đưa ra các tiêu chuẩn, điều kiện mang tính quy mô bởi đó là tư duy của ngày hôm qua và nếu không bãi bỏ các điều kiện như vậy sẽ không khuyến khích được doanh nghiệp phát triển cũng như cộng đồng khởi nghiệp.
"Tuy nhiên, để có được biến đổi tích cực thì cần có sự thay đổi không chỉ về mặt văn bản mà còn tư duy của người làm luật. Xin đừng buộc tội người xây dựng chính sách, không có câu chuyên người làm chính sách muốn giết doanh nghiệp hay ép doanh nghiệp vào đường cùng. Chỉ có điều người ta đang xây dựng quy định theo triết lý của ngày hôm qua mà chưa kịp đổi theo ngày hôm nay. Hãy đề xuất ý kiến để những người làm chính sách như chúng tôi lắng nghe và thay đổi", Thứ trưởng nói.