Sau hơn 30 năm đưa vào khai thác, qua nhiều lần sửa chữa, hiện nay độ dính bám của lớp bê tông nhựa với bản mặt thép của cầu Thăng Long đã suy giảm nhiều, mặt cầu xuất hiện tình trạng trượt xô, lồi lõm.
Tập đoàn Versaflex (Mỹ) vừa có thư gửi Bộ GTVT đề xuất giải pháp sửa chữa mặt cầu Thăng Long bằng hệ thống lớp phủ phòng nước chất lượng cao.
Trong thư gửi Bộ trưởng Nguyễn Văn Thể, ông David Lite, Tổng Giám đốc Tập đoàn Versaflex cho biết, doanh nghiệp có 100% vốn chủ sở hữu của Mỹ, trụ sở đặt tại thành phố Kansas, bang Kansas. Tập đoàn Versaflex bắt đầu kinh doanh từ năm 1994 và đã tham gia vào thi công đường cao tốc và đường sắt từ năm 2000.
“Trong thời gian qua, sản phẩm lớp phòng nước của Versaflex đã được sử dụng tại 36 bang của Mỹ với tổng diện tích hơn 9 triệu feet vuông bản mặt cầu. Trong suốt hơn 2 thập kỷ qua, chúng tôi đã làm việc với Công ty CP Xây dựng và công nghệ Việt Mỹ Brothers nhằm giới thiệu về công nghệ lớp phủ tại Việt Nam”.
“Đặc biệt, chúng tôi giới thiệu hệ thống lớp phủ phòng nước chất lượng được thiết kế cho các cầu cao tốc và đề xuất như một phương án sửa chữa cầu Thăng Long tại Hà Nội, Việt Nam”, ông David Lite chia sẻ và cho biết, tại Hoa Kỳ, hệ thống lớp phủ cường độ cao này đã được sử dụng bởi rất nhiều sở GTVT cho mục đích duy tu, bảo dưỡng cũng như bảo vệ lâu dài các công trình cầu bản mặt thép, bản mặt bê tông và các cầu đường sắt.
Theo giới thiệu của Tập đoàn Versaflex, ưu điểm của hệ thống lớp phủ phòng nước chất lượng cao (BDM) là cung cấp giải pháp bảo vệ các kết cấu bản mặt cầu (bê tông, thép), tăng tuổi thọ của kết cấu, tăng cường dính bám với lớp bê tông nhựa phía trên; có thể thi công trên các bề mặt không đồng nhất,…
Đại diện Tập đoàn Versaflex cho biết thêm, lớp phủ của hệ thống BDM được thi công hoàn toàn bằng thiết bị máy móc nhằm đảm bảo tuyệt đối cho chất lượng hệ thống lớp phủ. Hệ thống BDM vẫn hoạt động tốt trong điều kiện dao động về nhiệt độ lớn, độ che phủ vết nứt cao, kháng lại nhiều loại hóa chất, axit,…
Tuổi thọ dự kiến của lớp phủ từ 50 năm trở lên. Việc các phương tiện giao thông vẫn có thể lưu thông bình thường ở các làn chưa sửa chữa cũng là một ưu thế trong biện pháp thi công so sánh với các phương án sửa chữa khác
Trước đó, đầu tháng 8/2019, trực tiếp thị sát và kiểm tra mặt cầu Thăng Long, Bộ trưởng Nguyễn Văn Thể đánh giá việc sửa chữa mặt cầu Thăng Long hiện nay là rất cấp thiết.
Về tiến độ sửa chữa, Bộ trưởng Nguyễn Văn Thể yêu cầu Tổng cục Đường bộ VN và các cơ quan liên quan, trong năm 2019, phải cơ bản hoàn thành các thủ tục để đầu năm 2020 tiến hành thi công sửa chữa.
Theo Bộ trưởng Nguyễn Văn Thể, đợt sửa chữa lần này phải làm triệt để, chất lượng phải đảm bảo. Trong hồ sơ mời thầu ghi rõ các điều khoản ràng buộc đối với nhà thầu như chất lượng công trình phải đảm bảo tối thiểu 10 năm, nhà thầu phải chịu trách nhiệm duy tu, công tác sửa chữa phải hoàn thành trong năm 2020.
Được biết, cầu Thăng Long dài khoảng 3.116m, gồm phần cầu chính dài 1.688m với 15 nhịp dàn thép, bề rộng cầu 20,5m, gồm 4 làn xe cơ giới (mặt đường bê tông nhựa diện tích 27.852m2).
Cầu Thăng Long được khởi công xây dựng năm 1974 và chính thức khánh thành vào ngày 9/5/1985. Sau hơn 30 năm đưa vào khai thác, qua nhiều lần sửa chữa, hiện nay độ dính bám của lớp bê tông nhựa với bản mặt thép của cầu đã suy giảm nhiều, mặt cầu xuất hiện tình trạng trượt xô, lồi lõm, gây nguy cơ mất an toàn giao thông cho các phương tiện khi lưu thông qua đây.