Doanh nghiệp xử lý như thế nào trước áp lực đáo hạn trái phiếu?

Theo thống kê của ngành tài chính, khối lượng trái phiếu đáo hạn của các doanh nghiệp sẽ đạt đỉnh trong giai đoạn 2023 - 2024. Riêng năm 2023, có trên 250.000 tỷ đồng trái phiếu doanh nghiệp đến hạn thanh toán cho trái chủ.

Theo thống kê của ngành tài chính, khối lượng trái phiếu đáo hạn của các doanh nghiệp sẽ đạt đỉnh trong giai đoạn 2023 - 2024. Riêng năm 2023, có trên 250.000 tỷ đồng trái phiếu doanh nghiệp đến hạn thanh toán cho "trái chủ". Vậy các nhà phát hành trái phiếu có động thái gì để chủ động tháo gỡ khó khăn trong bối cảnh thị trường được dự báo còn nhiều khó khăn trong năm 2023?

Chủ động đàm phán giãn nợ...

CTCP Tập đoàn Đầu tư Địa ốc NoVa (Novaland, HOSE: NVL) vừa thông báo đã đạt được thỏa thuận với "trái chủ" Dallas Vietnam Gamma Ltd. Đây là một phần trong kế hoạch tái cơ cấu doanh nghiệp. Công ty đã đàm phán và đạt thỏa thuận với nhà đầu tư về việc giảm số lượng trái phiếu và chứng quyền đang lưu hành thông qua một thỏa thuận hoán đổi. Theo đó, nhà đầu tư sẽ nhận một phần vốn góp/cổ phần (phần vốn hoán đổi) trong hai công ty thành viên của Novaland là Công ty TNHH Đầu tư Địa ốc Thành Nhơn và CTCP Đầu tư Tổng hợp Mũi Né để đổi lấy việc hủy bỏ một số lượng trái phiếu và chứng quyền tương ứng.

Trước đó, giữa năm 2022, Dallas Vietnam Gamma Ltd đã mua vào 4.435 trái phiếu chuyển đổi và 185 trái phiếu kèm chứng quyền. Báo cáo tài chính hợp nhất quý IV/2022 của Novaland cho thấy, Dallas Vietnam Gamma là "trái chủ" của Novaland với khoản nợ dài hạn là 4.620 tỷ đồng tại ngày 31/12/2022. 

Ông Bùi Thành Nhơn, Chủ tịch HĐQT Novaland cho biết, Novaland đã và đang thực hiện tất cả các biện pháp có thể để thực hiện nghĩa vụ của mình với "trái chủ" của lô trái phiếu phát hành trong nước thời gian qua.

Theo đó, đối với lô trái phiếu NVLH2224005, công ty vẫn đang thu xếp nguồn tiền để thanh toán phần lãi đến hạn. Với lô trái phiếu NVLH2123009, công ty đã thanh toán đầy đủ phần lãi đến hạn và đề xuất các phương án bao gồm giãn thời hạn thanh toán tiền gốc trái phiếu trong thời gian phù hợp, hoặc hoàn đổi tiền gốc trái phiếu với các sản phẩm bất động sản do công ty đang đầu tư và phát triển.

Tại CTCP BCG Energy – thành viên của CTCP Tập đoàn Bamboo Capital (HOSE: BCG) mới đây cũng cho biết đã đạt thỏa thuận với nhà đầu tư Hanwa Energy Corporation Singapore Pte Ltd về việc thay đổi thời hạn trả gốc trái phiếu. Theo BCG Energy, trong giai đoạn trái phiếu sắp đến hạn, xét đến những thay đổi về điều kiện thị trường, hai bên đã thương thảo việc chuyển đổi một phần khoản trái phiếu thành khoản nợ với kỳ hạn thanh toán cuối cùng được thay đổi đến ngày 30/6/2023, thay vì ngày 4/9/2022.

Đến thời điểm 31/12/2022, BCG Energy đã thanh toán toàn bộ phần lãi phát sinh và 45 tỷ đồng phần gốc cho đối tác trên. Khoản nợ gốc còn lại tương đương 3 triệu USD đã được BCG Energy và Hanwha Energy thống nhất phương án thanh toán phù hợp với nhu cầu cầu hai bên. Trước đó, vào 4/9/2019, BCG Energy đã phát hành riêng lẻ gói trái phiếu chuyển đổi cho Hanwa Energy Corporation Singapore với giá trị 115,75 tỷ đồng.

Bên cạnh việc tích cực đàm phán thỏa thuận với các đối tác cho vay, một số doanh nghiệp cũng chủ động tăng lãi suất cho các lô trái phiếu để ổn định tâm lý nhà đầu tư trong bối cảnh mặt bằng lãi suất huy động đang neo ở mức cao. Ngoài ra, cũng có nhiều doanh nghiệp đẩy mạnh mua lại trước hạn phần trái phiếu đã phát hành.

Theo báo cáo mới đây của Công ty Chứng khoán Vietcombank (VCBS), tới tháng 1/2023, trong 1,19 triệu tỷ đồng dư nợ trái phiếu doanh nghiệp thì khối lượng dư nợ lớn nhất thuộc về ngành bất động sản, chiếm 37%; kế đến là các ngân hàng khi chiếm 32%.

VCBS cũng cho biết thêm, khối lượng trái phiếu doanh nghiệp đáo hạn trong năm 2023 ước tính có trên 250.000 tỷ đồng, suy giảm đáng kể so với thời điểm quý III/2022 do việc các nhà phát hành chủ động mua lại trước hạn; trong đó, đáng chú ý giá trị mua lại ngành ngân hàng và bất động sản trong quý IV/2022 lần lượt đạt 35.000 tỷ đồng và 24.000 tỷ đồng.

Như vậy, xu hướng chủ động mua lại trước hạn phần nào giúp doanh nghiệp, nhà phát hành chủ động hơn đối với nhu cầu chi trả vốn trái phiếu doanh nghiệp. Động thái này cũng cho thấy những nỗ lực đáng kể nhằm thu xếp vốn, giải tỏa bớt áp lực đáo hạn trong tương lai gần.

Áp lực đáo hạn vẫn rất lớn

Thực tế cho thấy, việc mua lại trái phiếu trước hạn, tích cực đàm phán với các "trái chủ", tăng lãi suất, đẩy mạnh tái cấu trúc… đang là những giải pháp chính được các doanh nghiệp phát hành thực hiện trong bối cảnh áp lực trái phiếu đáo hạn ngày càng lớn. Tuy nhiên, bối cảnh thị trường tài chính vẫn chưa có nhiều thuận lợi để hỗ trợ doanh nghiệp thực hiện nghĩa vụ thanh toán trái phiếu đến hạn. Do đó, áp lực trái phiếu đáo hạn dự báo vẫn tiếp tục đè nặng lên các doanh nghiệp trong thời gian tới.

Mới đây, Sở Giao dịch Chứng khoán Hà Nội vừa công bố danh sách 54 doanh nghiệp công bố thông tin bất thường và báo cáo có nội dung chậm thanh toán gốc, lãi trong giai đoạn từ 16/9/2022 đến ngày 31/1/2023; trong đó, đa phần là các doanh nghiệp phát triển bất động sản, doanh nghiệp năng lượng tái tạo…

Số lượng các doanh nghiệp chậm thanh toán gốc, lãi có thể sẽ tiếp tục gia tăng trong thời gian tới nếu không có giải pháp tháo gỡ kịp thời cũng như lấy lại niềm tin thị trường.

Theo đánh giá của Fiingroup, điều kiện kinh doanh không thuận lợi, đòn bẩy tài chính cao, nhất là một số ngành có dư nợ trái phiếu lớn như bất đồng sản đã khiến cho số lượng doanh nghiệp vi phạm nghĩa vụ nợ gia tăng. Cũng có doanh nghiệp gặp tình huống mất cân đối kỳ hạn nợ và nguồn tiền trả nợ trong ngắn hạn, dù lợi nhuận vẫn tốt.

Các chuyên gia của Công ty cổ phần Chứng khoán VNDirect cũng cho rằng, trong bối cảnh chính sách tiền tệ thắt chặt, chi phí tài chính gia tăng và thắt chặt phát hành trái phiếu, một số tổ chức phát hành có ít cơ hội tiếp cận nguồn vốn nhằm tái cơ cấu tài chính và đáp ứng nghĩa vụ nợ ngắn hạn. Rủi ro về khả năng thanh toán tập trung ở một số lĩnh vực có tỷ lệ đòn bẩy cao và hay biến động theo chu kỳ như lĩnh vực bất động sản.

Trước áp lực đáo hạn trái phiếu của các doanh nghiệp, nhất là doanh nghiệp bất động sản hiện nay, TS Cấn Văn Lực, thành viên Hội đồng Tư vấn Chính sách Tài chính - Tiền tệ Quốc gia đề xuất một số giải pháp quan trọng mà các doanh nghiệp, cơ quan quản lý có thể tập trung thực hiện để tháo gỡ bớt khó khăn.

Đó là các doanh nghiệp cần đẩy mạnh đàm phán với "trái chủ" để thương lượng, kéo dài thời gian hoãn giãn nợ. Trong thời gian qua, vấn đề này có doanh nghiệp thực hiện thành công, nhưng cũng có nhiều doanh nghiệp chưa thành công do nhiều nhà đầu tư lo ngại không lấy được tiền. Tuy vậy, các nhà phát hành trái phiếu vẫn phải kiên trì đàm phán với các "trái chủ" để giảm bớt áp lực thanh khoản trong giai đoạn khó khăn này.

Bên cạnh đó, các doanh nghiệp phải chấp nhận bán bớt tài sản, kể cả chấp nhận mức chiết khấu cao lên tới 30 - 40% để tạo thanh khoản, bảo đảm thực hiện nghĩa vụ tài chính với "trái chủ". Như ở Trung Quốc, có doanh nghiệp chấp nhận chiết khấu tài sản lên tới 70% để tồn tại. Giải pháp này cũng là cơ hội để Việt Nam giảm giá bất động sản, khi giá nhà đất đang ở mức tương đối cao so với thu nhập bình quân của người dân.

Về phía cơ quan quản lý, TS Cấn Văn Lực cho rằng, cơ quan quản lý nhà nước cần tạo điều kiện cho các doanh nghiệp được phát hành trái phiếu mới để đáo hạn. Đồng thời, có sự tham gia của hệ thống ngân hàng trong việc cho phép giãn hoãn nợ với doanh nghiệp bất động sản.

Trong các giải pháp trên, có nội dung được đưa vào dự thảo Nghị định sửa đổi, bổ sung Nghị định 65/2022/NĐ-CP sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định 153/2020/NĐ-CP quy định về chào bán, giao dịch trái phiếu doanh nghiệp riêng lẻ tại thị trường trong nước và chào bán trái phiếu doanh nghiệp ra thị trường quốc tế. Điểm thay đổi được nhiều bên đánh giá quan trọng là cho phép đàm phán với "trái chủ" gia hạn nợ thêm lên tối đa 2 năm, trả nợ hoặc chuyển đổi trái phiếu thành tài sản khác. Trước đó, Nghị định 65 không cho phép giãn nợ. 

Theo VNDirect, đây là một trong những thay đổi trọng yếu sẽ quyết định sự sống còn của doanh nghiệp. Trong bối cảnh thị trường bất động sản đang gặp khó khăn bởi lãi suất cao, việc giãn nợ sẽ giúp các doanh nghiệp có đủ thời gian hồi phục để thu về lợi nhuận và hoàn thành nghĩa vụ nợ. Ngoài ra, việc trả nợ bằng tài sản cũng giúp các doanh nghiệp tránh vỡ nợ cũng như xoa dịu "trái chủ" nếu giá trị tài sản thỏa đáng.

Ông Lê Hồng Khang, Giám đốc Xếp hạng Tín nhiệm FiinRatings (thuộc FiinGroup) cũng cho rằng, đề xuất giãn nợ sẽ giúp giải quyết vướng mắc lớn nhất của thị trường hiện nay. Đó là giúp doanh nghiệp có thêm thời gian để chuẩn bị, còn lại những quy định khác có tác động nhưng không quá nhiều.

Theo FiinGroup, dự thảo sửa đổi Nghị định 65 có một số nội dung ở góc độ tạo đà cho hoạt động phát hành trái phiếu doanh nghiệp, hoặc luân chuyển giữa kênh tín dụng ngân hàng và trái phiếu doanh nghiệp sẽ diễn ra theo khuôn khổ quy định mới này. Điểm mấu chốt là các doanh nghiệp thực hiện tái cấu trúc nợ cần minh bạch thông tin về mục đích sử dụng vốn trái phiếu doanh nghiệp cho hoạt động tái cơ cấu nợ ở các chương trình dự án cụ thể theo yêu cầu của Nghị định 65….

chọn
Toàn cảnh vị trí dự kiến xây cầu vượt sông Luộc nối Hải Dương - Thái Bình
Một cầu vượt sông Luộc dự kiến được xây dựng kết nối huyện Thanh Miện, Hải Dương và huyện Quỳnh Phụ, Thái Bình.