Chợ vải Lục Ngạn năm nay khác hẳn so với mọi năm dù vẫn tấp nập xong không còn cảnh ùn tắc, chen chúc bởi nhiều bà con không còn phải mang vải ra chợ để bán, các thương lái đã phải tìm đến tận vườn để thu mua, nhất là cuối vụ nhiều lúc không đủ hàng để đóng.
“Đầu vụ, giữa vụ cũng đã thu mua khó khăn chứ không nói đến thời điểm cuối vụ. Vải được giá lại ít nên thu mua rất khó. Trung Quốc người ta đặt hàng bây giờ về cuối không đáp ứng được, người ta muốn thu mua vài ba xe nhưng mình làm 1 xe còn khó khăn do không đủ hàng”, ông Bùi Văn Cánh, chủ cơ sở thu mua vải Cánh Miến, thị trấn Kép, huyện Lục Ngạn cho biết.
Niềm vui người trồng vải Lục Ngạn 1 năm được mùa được giá.
Sản lượng ổn định hơn 90.000 tấn; giá cao kỷ lục từ 30.000 – 55.000 đồng/kg, cá biệt có lúc lên đến 80.000 đồng/kg, người trồng vải thiều ở huyện Lục Ngạn nói riêng, tỉnh Bắc Giang nói chung đón nhận một năm "được mùa được giá".
Trung bình vài sào trồng vải nông dân có thể thu lãi hàng trăm triệu đồng, cá biệt một số hộ trồng theo phương pháp hữu cơ giá cao gấp nhiều lần so với vải thường, chỉ với 10 quả vải giá đóng hộp có tem truy xuất giá có thể lên đến 200.000 đồng.
“Năm nay tiêu thụ rất dễ dàng, trên thị trường giá từ 35.000 – 55.000 đồng/kg đối với chính vụ, còn vải sớm giá cao hơn từ 45.000 – 70.000 đồng/kg. Vải hữu cơ chúng tôi cũng được doanh nghiệp giới thiệu đầu ra tiêu thụ giá bán cao hơn 5.000 đồng/kg so với giá thị trường”, ông Trần Văn Hành, thôn Chão Cũ, xã Giáp Sơn - một trong 3 hộ trồng vải hữu cơ ở huyện Lục Ngạn chia sẻ.
Chở vải ra điểm cân.
Theo ông Cao Văn Hoàn, Phó Chủ tịch Thường trực Ủy ban nhân dân huyện Lục Ngạn, chất lượng vải thiều năm nay được các cơ quan chuyên môn cũng như bà con đánh giá là năm có chất lượng tốt nhất, với giá bán ổn định ở mức cao.
So với năm 2018, sản lượng vải thiều mặc dù thấp hơn, nhưng so với trung bình nhiều năm, vụ vải 2019 vẫn là năm được mùa với giá cao, nông dân trồng vải rất phấn khởi vì "được mùa, được giá". Đây cũng là năm đầu tiên huyện thí điểm gần 20 hecta vải thiều sản xuất theo phương pháp hữu cơ, tạo ra sản phẩm sạch an toàn. Với việc áp dụng quy trình sản xuất tiên tiến đã giúp trái vải Lục Ngạn có giá bán cao gấp từ 3 đến 7 lần những năm trước.
“Áp dụng quy trình sản xuất vải hữu cơ với diện tích 20ha triển khai tại 3 hộ, chất lượng vải đạt được cao. Sản lượng bán tại chỗ cho các doanh nghiệp phục vụ xuất khẩu và những người có nhu cầu tiêu dùng sản phẩm chất lượng cao đều được tiêu thụ rất thuận lợi. Toàn bộ quy trình sản xuất hữu cơ đều sử dụng camera giám sát và có thể truy xuất các công đoạn từ cắt lá, tỉa cành, tạo tán chăm sóc vải đến thời điểm thu hoạch, đóng gói. Đây là một trong những phương thức mới, sau khi kết thúc vụ vải chúng tôi sẽ đánh giá để nhân rộng”, ông Cao Văn Hoàn cho hay.
Theo Sở Công Thương tỉnh Bắc Giang, đến nay khoảng 50.000 tấn vải thiều Lục Ngạn đã được thông quan qua Trung Quốc, doanh thu toàn vụ vải năm nay ước đạt hơn 3.000 tỉ đồng, tăng 50% giá trị so với năm ngoái.
Vải thiều Lục Ngạn đã được xuất khẩu đi 30 quốc gia, chủ yếu sang Trung Quốc qua đường chính ngạch chiếm 90% tổng lượng xuất khẩu và một số thị trường đòi hỏi khắt khe về chất lượng như: Liên minh Châu Âu, Nga, Mỹ, Canada, Nhật Bản…
10 quả vải hữu cơ đóng hộp dán tem truy xuất giá trị 200.000 đồng.
Nếu như năm 2016, tổng doanh thu từ vải thiều và các hoạt động phụ trợ sản xuất vải thiều đạt khoảng 5.000 tỉ đồng; năm 2017 là hơn 5.300 tỉ đồng và năm 2018 đạt gần 5.800 tỉ đồng, thì đến niên vụ vải năm nay con số này đạt khoảng 6.100 tỉ đồng - phá vỡ mốc kỉ lục về giá trị trong hơn 60 năm trở lại đây.
“Về thị phần thị trường trong nước và xuất khẩu là 50-50, có sự chuyển dịch tăng tỷ trọng của thị phần tiêu thụ trong nước so với các năm trước. Đặc biệt, năm nay công tác thị trường tỉnh Bắc Giang rất quan tâm đến việc đưa sản phẩm vải thiều vào các siêu thị, trung tâm thương mại tại các tỉnh, thành phố trên cả nước”, ông Ngụy Đình Nghĩa, Giám đốc Trung tâm Khuyến công và xúc tiến thương mại, Sở Công Thương Bắc Giang cho biết.
Thành công của niên vụ vải thiều năm 2019 ở tỉnh Bắc Giang phải kể đến nỗ lực và sự chủ động của chính quyền địa phương trong công tác xúc tiến thương mại cũng như sự phối hợp chặt chẽ của các Bộ, ngành, sự đồng lòng của các địa phương trong hỗ trợ tiêu thụ vải cho nông dân. Góp phần vào kết quả này còn phải kể đến sự chủ động của nông dân trong tiếp cận phương thức sản xuất nông sản an toàn và mối liên kết chặt chẽ của doanh nghiệp trong xây dựng chuỗi giá trị vải thiều.