Ông Cao Văn Hoàn, Phó Chủ tịch UBND huyện Lục Ngạn, tỉnh Bắc Giang, cho biết: "Hiện nay, vải thiều Lục Ngạn đã có mặt tại 30 thị trường, trong đó Trung Quốc chiếm tới 90%, do sản lượng tiêu thụ ổn định.
Mỗi ngày trung bình một cơ sở thu mua từ 20 đến 50 tấn vải để xử lý và phân phối. (Ảnh: Tuổi Trẻ).
Năm nay, chất lượng và mẫu mã vải thiều được đánh giá tốt hơn hẳn so với các năm trước, nên từ đầu vụ thu hoạch năm 2019 đến nay, giá bán các loại vải chín sớm tại huyện Lục Ngạn cao hơn và ổn định hơn những năm trước, dao động 30.000 đồng đến 40.000 đồng/kg, có thời điểm đến 70.000 đồng/kg".
Năm nay, doanh nghiệp, thương nhân Trung Quốc và các tỉnh miền Nam cũng đến khảo sát, đặt mua hàng rất sớm ngay từ đầu vụ. Do vậy, phần lớn sản phẩm vải thiều Lục Ngạn được xuất khẩu trực tiếp sang thị trường Trung Quốc và cung cấp cho các tỉnh phía Nam.
Trong bối cảnh Trung Quốc ngày càng siết chặt việc nhập khẩu tiểu ngạch và yêu cầu khắt khe trong xuất khẩu chính ngạch, huyện Lục Ngạn đã chủ động cung cấp tem truy suất nguồn cho vải thiều, giúp loại trái cây này "xuất ngoại" thuận lợi hơn.
Năm 2019, huyện Lục Ngạn có ba doanh nghiệp, hợp tác xã, cơ sở thu mua vải thiều được Trung Quốc công nhận đủ điều kiện đóng gói, xuất khẩu vải tươi vào thị trường Trung Quốc.
Ông Hoàn cho hay tỉnh Bắc Giang đang đề nghị Trung Quốc cấp thêm chứng nhận đủ điều kiện cho 78 doanh nghiệp, hợp tác xã, cơ sở thu mua, xuất khẩu trên địa bàn huyện.
Tem truy suất nguồn cho vải thiều. (Ảnh: Hương Nguyễn).
Năm nay để tránh lặp lại điệp khúc thương nhân Trung Quốc bất ngờ ngừng mua vải khiến bà con lâm vào cảnh khốn đốn, vải rớt giá như mọi năm, chính quyền huyện Lục Ngạn trực tiếp tham gia giám sát việc thu mua, vận chuyển và tiêu thụ loại trái cây này.
Huyện cũng tạo điều kiện thuận lợi về thủ tục xuất nhập cảnh, tạm trú, tạm vắng cho các thương nhân. Lục Ngạn có trên 300 thương nhân Trung Quốc đến thu mua vải. Phía Trung Quốc đã tạo lối đi riêng cho vải Lục Ngạn thông quan, không phải xếp hàng như các sản phẩm khác. Khi nào hết vải thiều mới hết giờ làm việc.
"Hiện vải Lục Ngạn đã được xuất khẩu chính ngạch sang Trung Quốc, có hợp đồng mua bán, do đó tránh được rủi ro thương lái dừng mua hàng", ông Hoàn thông tin thêm.
Theo báo cáo của tỉnh Bắc Giang, trong năm 2019, diện tích vải toàn huyện đạt 15.290 ha. Sản lượng quả ước khoảng 80.000 tấn, trong đó vải chín sớm khoảng 13.000 tấn, chính vụ khoảng 67.000 tấn. Thời gian thu hoạch bắt đầu từ 20/5 đến 30/7.
Bên cạnh các thị trường trong nước và Trung Quốc, vải thiều Lục Ngạn cũng đã có mặt tại các thị trường Mỹ, Nhật Bản, Hàn Quốc, Anh, Pháp, Úc, Trung Đông và các nước Đông Nam Á…, và đang được bảo hộ nhãn hiệu tại 8 quốc gia (Trung Quốc, Mỹ, Nhật, Úc, Hàn Quốc, Singapore, Lào, Campuchia.
Sở Công thương Bắc Giang thông tin đến ngày 15/6, sản lượng vải thiều đã tiêu thụ toàn tỉnh khoảng 72.000 tấn, doanh thu ước đạt hơn 2.864 tỉ đồng.
Năm 2019, ngoài 18 mã vùng do Bộ Nông nghiệp Hoa Kỳ cấp cho 394 hộ sản xuất tại 7 xã, với diện tích 217,89 ha đủ điều kiện xuất khẩu vào thị trường Mỹ, Trung Quốc cũng đã cấp 36 mã vùng trồng vải thiều Lục Ngạn tại 30 xã, thị trấn, đảm bảo tiêu chuẩn xuất khẩu vào thị trường Trung Quốc.
Kinh doanh 14:23 | 12/10/2019
Nhà đất 06:52 | 10/10/2019
Đô thị 16:43 | 29/09/2019
Đô thị 20:17 | 19/09/2019
Đô thị 15:40 | 10/09/2019
Nhà đất 15:26 | 19/08/2019
Tiêu dùng 06:48 | 11/07/2019
Tiêu dùng 06:48 | 18/06/2019