Vải thiều mất mùa giá cao gấp 3-4 lần

Vải thiều Bắc Giang năm nay mất mùa, giá tăng cao 35.000- 60.000/kg, gấp 3-4 lần so với năm ngoái giúp người trồng thu lãi lớn. Đáng chú ý năm nay huyện Lục Ngạn có 20 ha vải thiều sản xuất theo mô hình vải hữu cơ và hiệu quả kinh tế tương đối cao.

Trong một năm vừa qua, 36 mã vùng trồng của huyện Lục Ngạn đã được xác định để xuất khẩu sang thị trường Trung Quốc, 82 cơ sở sơ chế vải thiều cũng được Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cấp chứng nhận đủ tiêu chuẩn.

Trao đổi với ông Nguyễn Văn Bắc, người dân đang tham gia qui trình trồng vải hữu cơ nói: "Nếu không có mã QR sẽ không xuất được hàng sang Trung Quốc và qui trình làm rất mất thời gian, kiểm nghiệm mẫu đất, nước đủ tiêu chuẩn không có tồn dư thuốc thì mới đảm bảo an toàn để xuất ra nước ngoài. Trong quá trình làm, mỗi hộ gia đình đều cần có sổ nhật kí để ghi chú về việc hôm nay dùng phân bón gì, liều lượng như thế nào, mẫu nước mẫu đất ra sao..."

Mã QR bắt đầu được đưa vào sử dụng để đảm bảo an toàn thực phẩm. (Ảnh: Hà Thu).

Ông Cao Văn Hoàn- Phó chủ tịch UBND Huyện Lục Ngạn cho biết: "Năm nay, huyện Lục Ngạn bước đầu triển khai qui trình sản xuất vải hữu cơ nhưng sản lượng chưa nhiều. Thông qua việc sản xuất thì sản lượng cũng đang bắt đầu ổn định, về chất lượng thì vượt trội hơn hẳn so với các sản phẩm vải khác. 

Năm nay phương hướng phát triển của huyện là sẽ đánh giá hiệu quả và nhân rộng qui trình này. Tuy nhiên để áp dụng qui trình sản xuất vải hữu cơ này cũng cần xem xét về chi phí và người dân cần phải tự chế biến một số thuốc bảo vệ thực vật bằng thảo mộc. Các qui trình cần được áp dụng đầy đủ kèm hệ thống camera theo dõi thường xuyên việc chăm sóc, bảo quản vải thiều. Và đặc biệt các hộ dân trực tiếp tham gia cần phải có nhận thức đúng đắn và thực hiện đầy đủ các qui trình."

Giá vải đang được giữ ổn định 60.000 đồng/kg. Do vậy người dân không sợ việc mất giá cũng ít xảy ra "luật ngầm" với các thương lái vì chất lượng vải tốt, sản lượng lại không nhiều. 

Hiện nay, huyện Lục Ngạn có hai Hội Sản xuất và tiêu thụ trái cây, hơn 30 doanh nghiệp, hợp tác xã sản xuất và tiêu thụ trái cây; 51 cơ sở sản xuất nước đá công nghiệp và 4 nhà máy sản xuất bao bì, thùng xốp; 375 tổ hợp tác liên kết sản xuất và tiêu thụ nông sản...

Vải thiều mất mùa giá cao gấp 3-4 lần - Ảnh 2.

Vải Lục Ngạn được trưng này ở tuần lễ Vải thiều huyện Lục Ngạn năm 2019. (Ảnh: Hà Thu).

Bước đầu các tổ chức, cá nhân này đã liên kết với nhau để sản xuất và tiêu thụ vải thiều, bưởi, cam... Để thúc đẩy chuỗi liên kết sản xuất và tiêu thụ nông sản, thời gian tới, huyện dự kiến thành lập Hiệp hội Sản xuất và tiêu thụ trái cây huyện Lục Ngạn.

Diện tích vải VietGAP cũng đạt trên 11.000 ha trên tổng số 28.000 ha của cả tỉnh, uớc tính có khoảng 150.000 – 180.000 tấn vải xuất đi Trung Quốc. Những năm gần đây, vải Lục Ngạn cũng xuất sang Mỹ, Australia, Nhật Bản, châu Âu... đem lại niềm tin cho người trồng. 

Chăm sóc vải phải trông chờ nhiều vào thời tiết, trồng theo tiêu chuẩn GAP thì còn khó khăn hơn nhiều. Người trồng phải tuân thủ theo người hướng dẫn, làm đúng các kỹ thuật, cách li và sử dụng thuốc đủ tiêu chuẩn thì mới thu được quả đẹp. 

Từ khi còn non, quả vải được phun thuốc trừ sâu để loại sâu cuống,10-15 ngày phun thuốc bón lá, nhưng khi thu hoạch thì phải cách li ít nhất 15 ngày. Thời điểm thu hoạch vải thường tập trung trong 2 tháng, công tác vệ sinh vườn, thu hoạch, kết hợp tỉa cành được thực hiện liên tục. 

Vải thiều mất mùa giá cao gấp 3-4 lần - Ảnh 3.

Lễ kí kết hợp đồng tiêu thụ vải thiều Lục Ngạn mùa vụ 2019. (Ảnh: Hà Thu).

Nhân dân huyện Lục Ngạn đề nghị Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn, Cục Bảo vệ thực vật đàm phán với các cơ quan chức năng của Trung Quốc sớm công nhận, cấp phép thêm cho 78 doanh nghiệp, hợp tác xã, cơ sở kinh doanh có đủ điều kiện đóng gói, xuất khẩu vải thiều Lục Ngạn vào thị trường Trung Quốc. 

Theo đó, UBND huyện Lục Ngạn cũng đề nghị Chính quyền và nhân dân Thủ đô Hà Nội, các địa phương khác, các ban kinh tế cửa khẩu, các cơ quan hải quan, thuế, kiểm dịch, các chợ đầu mối,... tiếp tục tạo điều kiện hỗ trợ huyện Lục Ngạn tiêu thụ vải và các sản phẩm chủ lực.

chọn
Một doanh nghiệp dự chi gần 18.000 tỷ xây loạt cao ốc 25-40 tầng ven biển Bình Sơn - Ninh Chữ
Khu đô thị biển Bình Sơn - Ninh Chữ (khu K2) do Hacom Holdings làm chủ đầu tư vừa qua đã được điều chỉnh tổng vốn thành 17.779 tỷ đồng, tiến độ thực hiện từ quý III/2024 - quý I/2029.