Xe lôi là một nét đẹp văn hóa của An Giang. Ảnh Hồ Vũ |
Đến An Giang, điều đầu tiên chúng tôi cảm nhận được đó là sự thanh bình của nơi đây với những ngôi nhà mang dấu ấn thời gian và cả những chiếc xe lôi đạp mang màu xưa cũ. Người dân vẫn quen gọi chiếc xe lôi đạp là xe lôi thớt.
Theo nhiều người dân sống lâu năm ở An Giang, họ không nhớ cụ thể xe lôi thớt có mặt tại vùng đất này từ bao giờ. Chỉ nhớ xe lôi xuất hiện vào những năm đầu của thập kỷ 40 của thế kỷ trước.
Bao năm qua, chiếc xe lôi vẫn gắn bó với hàng ngàn người dân nơi đây. Nó phục vụ cho nhiều hoạt động kinh tế của người dân. Nhiều người vẫn gọi vui xe lôi là xe “dân biểu” tức là dân biểu đi đâu thì đi đó.
Chiếc xe lôi hào nhoáng, bóng bẩy một thời của những đôi lứa khá giả đèo nhau đi dạo thì giờ đây lại là kế mưu sinh nuôi sống nhiều gia đình.
Có thể dễ dàng thấy những chiếc xe lôi trên đường ở An Giang. Ảnh Đại Việt |
Giới xe lôi cũng chia thành hai thành phần cơ bản là dân hành nghề chuyên nghiệp và dân hành nghề tay trái. Với những người đạp xe lôi chuyên nghiệp, họ đạp xe lôi quanh năm suốt tháng để kiếm tiền. Khách hàng thường xuyên của họ là những người bán rau, bán cá ở chợ hay đơn thuần là người hàng xóm đi chợ mỗi ngày. Còn dân coi việc đạp xe lôi là nghề tay trái thì họ chỉ tranh thủ những ngày tháng nông nhàn để kiếm “chút đỉnh”. Đa phần dân làm nghề tay trái là những lão nông sống ven thành phố, thị xã, khi gặt xong vụ lúa hay thu hoạch xong vụ cá họ lại lên trung tâm để đạp xe.
Đạp xe lôi là nghề vất vả nhưng giới đạp xe lôi lại vô cùng hiền hòa, ai ra bến trước lấy tài trước, ai ra sau chạy tài sau. Mọi thứ như một “quy luật ngầm” và họ chỉ theo đó mà thực hiện. Khi thấy du khách lạ lẫm hỏi đường thì họ luôn nở nụ cười và chỉ đường tận tình. Khách muốn tản mát, ngắm cảnh với xe lôi cũng chỉ mất khoảng 3.000 - 5.000 đồng/1km.
Trong năm, dân chạy xe đạp lôi ở An Giang mong ngóng nhất chính là dịp Lễ hội miếu Bà Chúa Xứ núi Sam tại Thành phố Châu Đốc. Lễ hội kéo dài từ 22-24/4 âm lịch hàng năm, thu hút hơn 4 triệu du khách từ khắp mọi miền trong cả nước và quốc tế. Đây có thể nói là dịp để giới đạp xe lôi “hốt bạc”. Trong những ngày cao điểm diễn ra lễ hội, mỗi người có thể kiếm được từ 500.000 đồng đến 1 triệu đồng.
Nhiều người đã gắn bó với việc đạp xe lôi suốt hàng chục năm qua. Ảnh Đại Việt |
Ông Phạm Thành Công (60 tuổi, ngụ thị xã Tân Châu) cho biết, ông đạp xe lôi đã 30 năm qua, cuộc sống còn nhiều khó khăn nên mỗi ngày đôi chân ông đều gắn liền với cái bàn đạp để chở người, chở hàng. Nhưng chính chiếc xe lôi đã nuôi 3 đứa con của ông ăn học, trưởng thành.
“Giờ lớn tuổi nên cứ túc tắc thôi chú ơi, làm gì cũng được miễn mình thấy đủ, thấy thoải mái là được rồi” – ông Công cười hiền hòa.
Một thanh niên chở hai cháu nhỏ của mình đi dạo tại Thành phố Châu Đốc. Ảnh Đại Việt |
Với người dân địa phương, chiếc xe lôi đã là một phương tiện truyền thống quá gần gũi, nhưng với chúng tôi chiếc xe lôi lại rất đặc biệt bởi nó mang đến cảm giác bình yên giữa cái xã hội tấp nập, xô bồ. Và cũng có thể nói, xe lôi thớt ở An Giang chính là một đặc sản của văn hóa miền Tây dân dã và vùng đất này còn có cả những người dân chất phác, hiền hòa và đáng mến vô cùng.