Nếu là người ngại di chuyển hay chỉ muốn khám phá nét văn hóa, con người tại TP HCM hoặc đơn giản chỉ là chưa hiểu rõ các thành phố này, du khách có thể tham khảo hành trình du lịch trong ngày dưới đây.
7h - 8h: Bắt đầu ngày mới với những hàng ăn sáng nổi tiếng Sài thành. Nếu là người thích đồ ngọt hay chỉ thích những món ăn nhẹ nhàng kèm sữa, du khách có thể đến cửa hàng Sữa tươi Mười (số 10 Phùng Khắc Khoan, quận 1) gọi một li sữa nóng và ăn kèm một chiếc bánh ngọt.
Cửa hàng Sữa tươi Mười với món sữa trứ danh. (Ảnh: Foody).
Một số gợi ý khác về điểm ăn sáng vừa ngon, vừa rẻ dành cho du khách:
- Bánh mì chảo Đặng Trần Côn (số 8 Đặng Trần Côn, quận 1)
- Bánh cuốn ngọt Hồ Thị Kỷ (44 Hồ Thị Kỷ, quận 10)
- Bò cay xóm Đất (174E Xóm Đất, phường 9, quận 11)
- Xôi gà cô Lan (14B Kỳ Đồng, quận 3)
- Bánh canh A Vừng (268 Tô Hiến Thành, phường 15, quận 10, TP HCM)
Kinh phí: Khoảng 20.000 đồng - 50.000 đồng/người.
8h - 9h: Tản bộ khu vực Nhà thờ Đức Bà.
Người Sài Gòn với văn hóa "cà phê bệt". (Ảnh: Yuplife).
Xung quanh khu vực Nhà thờ Đức Bà có rất nhiều hoạt động giúp bạn khám phá văn hóa, con người tại TP HCM. Du khách có thể tản bộ quanh công viên, thưởng thức món "cà phê bệt", tán gẫu cùng bạn bè.
Khi đã thưởng thức xong li cà phê đậm chất Sài thành, Bưu điện Sài Gòn hay đường sách ngay bên hông nhà thờ cũng là địa điểm du lịch mà du khách nên ghé qua.
Bưu điện Sài Gòn với kiến trúc độc đáo. (Ảnh: Vntrip).
Kinh phí: Khoảng 20.000 đồng.
9h - 10h: Tham quan Dinh Độc lập
Nhà thờ Đức Bà và Dinh Độc lập khá gần, chỉ cách khoảng vài trăm mét.
Giá vé tham quan Dinh Độc lập:
Người lớn: 40.000 đồng/người
Sinh viên: 20.000 đồng/người
Trẻ em: 10.000 đồng/người.
Du khách nên chuẩn bị theo máy ảnh cũng như tìm hiểu sơ lược về lịch sử Dinh Độc lập để có thể cảm nhận, hiểu được những dấu ấn thời gian tại di tích này.
10h - 11h30: Mua sắm tại chợ Bến Thành
Chợ Bến Thành là một trong những chợ lâu đời nhất tại TP HCM. Chứng kiến bao thăng trầm, thay đổi, chợ Bến Thành được coi là một trong những biểu tượng của thành phố.
Chợ Bến Thành - biểu tượng của TP HCM. (Ảnh: Vntrip).
Mở cửa đón khách từ 4h sáng và hầu như lúc nào chợ cũng tấp nập người mua, kẻ bán với hàng nghìn sạp hàng từ bình dân đến cao cấp.
Du khách có thể dễ dàng tìm được những món quà ý nghĩa hay những bộ trang phục truyền thống để làm kỉ niệm hay làm quà cho người thân.
11h30 - 13h30: Ăn trưa, nghỉ trưa
Cơm tấm sườn là món ăn không thể bỏ qua khi đến TP HCM. (Ảnh: Cooky).
Cơm tấm là một trong những món ăn mà bất cứ ai khi đến TP HCM cũng phải thưởng thức. Du khách có thể dùng bữa trưa ngay tại những hàng quán cơm bình dân hay những nhà hàng sang trọng. Giá cho mỗi suất cơm tấm sườn khoảng từ 25.000 đồng - 60.000 đồng.
13h30 - 15h30:
Đây là khoảng thời gian nắng nóng nhất tại TP HCM nên du khách hạn chế ra ngoài đường và có thể dành thời gian khám phá các trung tâm thương mại nổi tiếng và mua cho mình những món đồ ưng ý như Landmark 81, Vincom Đồng Khởi, Bitexco, Saigon Center...
Trong các khu trung tâm thương mại này có rất nhiều dịch vụ nhà hàng, ăn uống, giải trí phù hợp với mọi đối tượng khách hàng.
Du khách thích thú với tầm nhìn rộng toàn TP HCM, nhìn từ tầng 79 của tòa nhà Landmark 81 (Ảnh: BM)
Ngoài ra, một số tòa nhà như Landmark 81 hay Bitexco còn có dịch vụ vui chơi trên tầng cao nhất tòa nhà, chụp ảnh, ngắm trọn thành phố. Giá vé để lên Bitexco là 200.000 đồng/người lớn; 130.000 đồng/trẻ em, người già, người tàn tật.
Giá vé lên Landmark 81 là 810.000 đồng/người lớn và 405.000 đồng/trẻ em.
15h30 - 17h: Khám phá ẩm thực đường phố Sài Gòn
Đây là khung giờ mà các hàng quán ẩm thực vỉa hè bắt đầu mở cửa. Nếu vẫn đang vui chơi ở quận 1, du khách có thể ghé qua "hẻm ẩm thực" 76 Hai Bà Trưng để thưởng thức hàng loạt những món ăn đặc trưng của Sài Gòn.
Hẻm 76, hay còn được mệnh danh là "thiên đường ẩm thực" nằm trên phố Hai Bà Trưng, gần đoạn giao với Lý Tự Trọng của Quận 1, Sài Gòn. (Ảnh: Như Ý).
Một số món ăn nổi bật ở đây như bún riêu, bột chiên, chân gà, các loại chè, ốc, súp cua, há cảo, thịt xiên... Đặc biệt. đồ ăn ở đây được bán với giá khá "mềm", chỉ từ 10.000 đồng mỗi món.
Nhược điểm ở khu ẩm thực này đó là chỗ ngồi bí, bàn ghế nhỏ...
Kinh phí: Khoảng 20.000 đồng - 50.000 đồng/người
17h30 - 21h: Dạo phố, ăn tối, thăm thú các hàng quán ở phố đi bộ Nguyễn Huệ, uống trà tắc ở hồ Con Rùa.
Quanh những khu vực này cũng có rất nhiều nhà hàng, quán ăn từ bình dân đến sang trọng thích hợp để du khách thưởng thức bữa tối.
Phố đi bộ Nguyễn Huệ luôn tấp nập du khách. (Ảnh: Người Lao Động).
Với không gian thoáng, rộng, mát mẻ, hồ Con Rùa và phố đi bộ là 2 địa chỉ thu hút giới trẻ Sài thành mỗi khi trời tắt nắng. Các loại nước ở đây có mức giá khá rẻ, chỉ từ 10.000 đồng.
Khác với phố đi bộ Hồ Gươm tại Hà Nội, phố đi bộ Nguyễn Huệ không có những trò chơi dân gian như xếp gỗ, nhảy dây, đi cà kheo... nhưng ngược lại, du khách sẽ được hòa mình vào không khí náo nhiệt của một thành phố trẻ năng động với những điệu nhảy flashmob hay những màn văn nghệ, ca hát đầy ngẫu hứng.
Là thành phố sống về đêm nên chắc chắn du khách không thể bỏ qua phố Bùi Viện khi đến TP HCM.
Sau khoảng 22h đêm, khu phố mới thực sự trở nên náo nhiệt với những hàng quán luôn đông nghịt khách, những màn xiếc, ảo thuật đường phố hay tiếng nhạc xập xình từ đầu phố đến cuối phố.
Không khí náo nhiệt tại phố Bùi Viện. (Ảnh sưu tầm).
Du khách có thể tản bộ dọc con phố để tận hưởng hết sự sôi động và sau đó, chọn cho mình một hàng quán phù hợp nhất để dừng chân.
Không chỉ có những quán bia, Bùi Viện cũng có những quán cà phê khá đặc biệt như cà phê Cộng, cà phê Trứng, cà phê vợt, cà phê Út Lành...
Kinh phí: Từ 50.000 đồng - 200.000 đồng/người.
Như vậy, nếu không mua sắm, bạn chỉ mất khoảng 300.000 đồng - 500.000 đồng để có thể khám phá hết TP HCM với tour du lịch trong ngày.