Du lịch tâm linh là một nét đẹp văn hóa lâu đời ở Nam bộ.
Chính vì vậy, vùng đất này tập trung nhiều địa danh nổi tiếng để khách thập phương đến hành hương, tham quan mỗi năm.
Ngoài việc là điểm đến linh thiêng "cầu được ước thấy", các địa danh dưới đây còn là nơi cuốn hút khách du lịch với lối kiến trúc độc đáo, các điển tích dân gian bí ẩn, cảnh quan thiên nhiên tuyệt đẹp... Du khách sẽ có dịp tìm hiểu văn hóa lịch sử, trải nghiệm và khám phá cảnh quan khi hành hương đến những địa điểm này.
Tượng chúa Ki-tô hay còn gọi là tượng Đức chúa dang tay nằm tại thành phố biển Vũng Tàu, cách TP HCM khoảng 130 km. Đây là điểm hành hương nổi tiếng ở khu vực phía Nam, thu hút hàng triệu du khách đến tham quan mỗi năm.
Từ TP HCM, du khách chỉ mất khoảng gần 3 giờ đồng hồ di chuyển bằng xe ô tô để đến tham quan tượng Chúa Ki-tô. Đến với địa danh này, bạn sẽ tận mắt nhìn thấy bức tượng chúa Jesus đứng trên đỉnh núi nhỏ, quay mặt về hướng Nam và nhìn ra biển Đông.
Tượng chúa Ki-tô nằm ở núi nhỏ của TP Vũng Tàu, quay mặt hướng về biển Đông, dang đôi tay rộng lớn được ví như hành động che chở, bảo vệ cho các ngư dân miền biển. (Ảnh: dulichvungtau)
Bức tượng này được xây từ năm 1974, cao 32 m, sải tay dài 18,3 m, bên trong có cầu thang 133 bậc dẫn đến 2 tay của tượng. Vì vậy, ngoài việc hành hương, nhiều du khách cũng thích đến đây để khám phá Vũng Tàu từ trên cao, hay trải nghiệm cảm giác dạo bộ trên cánh tay của tượng.
Tượng chúa Ki-tô đặt trên một bệ bê tông có bốn góc tạo hình cánh cung cao 10 m, phía trước được trang trí bức phù điêu phỏng theo tác phẩm nổi tiếng của danh họa Ý Leona de Vinci mang tên "Bữa tiệc biệt li". Mặt sau là một bức tranh lớn "Đức chúa trao chìa khóa cho Phê-rô". (Ảnh: vntrip)
Nằm cách trung tâm thị xã Tây Ninh khoảng 5 km về hướng Đông, cách TP HCM khoảng 100 km, tòa thánh Cao Đài Tây Ninh tọa lạc tại xã Long Thành Bắc, huyện Hòa Thành, là điểm đến linh thiêng nổi tiếng của du khách hành hương.
Được khởi công xây dựng vào năm 1936 trong khuôn viên khá rộng, khoảng 40 km2, tòa thánh không chỉ là tổ hợp công trình kiến trúc nghệ thuật ấn tượng của đạo Cao Đài mà còn là trụ sở Trung ương của Giáo hội Cao Đài Tây Ninh.
Cảnh quan bên ngoài tòa thánh Cao Đài Tây Ninh (Ảnh: vntrip)
Tòa thánh Cao Đài Tây Ninh gây ấn tượng với du khách bởi thiết kế đồ sộ bao gồm gần 100 công trình kiến trúc khác nhau, có tổng cộng 12 cổng, tất cả đều được chạm khắc hình tứ linh (long, lân, quy, phụng), hình hoa sen và được xây bằng bê tông cốt tre hoành tráng.
Trong đó, chánh môn là cửa lớn nhất với cách trang trí khác biệt mang hình lưỡng long tranh châu, hoa sen cùng 3 cổ pháp: kinh Xuân Thu, bình Bát vu và Phất trần. Kiến trúc này thể hiện tinh thần tam giáo (Phật giáo, Đạo giáo và Nho giáo).
Ở chánh môn tòa thánh có đắp nổi chữ "Đại Đạo Tam Kỳ Phổ Độ" bằng chữ Quốc ngữ ở trên và chữ Hán ở dưới. (Ảnh: mytour)
Chánh điện tòa thánh Cao Đài Tây Ninh (Ảnh: mytour)
Núi Chứa Chan còn gọi là núi Gia Ray, núi Gia Lào thuộc huyện Xuân Lộc, tỉnh Đồng Nai. Nơi đây có ngôi chùa Linh Sơn nổi tiếng là địa điểm linh thiêng, thu hút khách thập phương đến hành hương khá đông, đặc biệt là vào dịp rằm tháng Giêng và tháng Bảy.
Nằm ở độ cao 800 m so với mặt nước biển, núi Chứa Chan là ngọn núi cao thứ hai của Nam bộ và đồng bằng sông Cửu Long. Do vậy không chỉ nổi tiếng về tâm linh, nơi đây còn sở hữu khung cảnh núi non kì vĩ.
Chùa Linh Sơn Tự ở núi Chứa Chan (Ảnh: ivivu)
Chùa Bà Thiên Hậu tọa lạc tại TP Thủ Dầu Một, Bình Dương là ngôi chùa nổi tiếng linh thiêng bậc nhất miền Đông Nam bộ. Nơi đây còn có tên gọi khác là chùa Bà Bình Dương hay miếu bà Thiên Hậu do người Việt gốc Hoa tạo lập để thờ Thiên Hậu Thánh Mẫu.
Du khách đến chùa Bà Thiên Hậu ngoài việc chiêm bái, cầu tài, cầu bình an... thì còn có thể tham quan lối kiến trúc độc đáo của ngôi chùa. (Ảnh: Skyscrapercity)
Lượng khách thập phương hành hương qua đây đông nhất là vào ngày 14 và rằm tháng Giêng. (Ảnh: Panoramio)
Nói về các điểm du lịch tâm linh, hành hương nổi tiếng ở miền Tây Nam bộ, không thể không nhắc đến chùa Bà Chúa xứ An Giang.
Bà Chúa xứ là thần nữ được thờ ở núi Sam, huyện Châu Đốc, tỉnh An Giang. Du khách đến đây sẽ được nghe nhiều truyền thuyết xung quanh Bà được truyền lại từ thế hệ này sang thế hệ khác. Và đây cũng là nét đặc sắc cuốn hút khách du lịch đến chùa tham quan, khám phá.
Chùa Bà Chúa xứ về đêm (Ảnh: Panoramio)
Bên cạnh các câu chuyện tâm linh, chùa Bà Chúa xứ An Giang còn là điểm hành hương linh thiêng bậc nhất. Chính vì vậy, lượng du khách đổ về chùa rất đông, đa phần họ xin lộc làm ăn, cầu bình an và may mắn cho gia đình.
Hiện tại, chùa đã được xây dựng khang trang, hiện đại hơn để phục vụ khoảng 2 triệu lượt khách tham quan, trong đó nhiều nhất là khoảng thời gian sau Tết hay dịp lễ hội vào tháng 4-6 âm lịch hàng năm.
Là ngọn núi cao nhất Nam bộ (986 m), thuộc xã Thạnh Tân, huyện Hòa Thành, cách thị xã Tây Ninh 11 km về phía đông bắc và cách TP HCM 110 km, núi Bà Đen nổi tiếng với hẹn thống hang động huyền bí, khung cảnh thiên nhiên hùng vĩ, tuyệt đẹp.
Nơi đây còn là điểm hành hương được nhiều du khách tìm đến chiêm bái, tham quan, đặc biệt trong dịp đầu năm hay rằm tháng 8.
Ngôi chùa trên núi Bà Đen là điểm hành hương nổi tiếng ở khu vực Đông Nam bộ. (Ảnh: ivivu)
Nhìn từ xa, núi Bà Đen giống như một chiếc nón úp trên cánh đồng lúa bạt ngàn. Địa danh này gắn với câu chuyện về người con gái xinh đẹp, chung thủy.
Không chỉ là nơi hành hương nổi tiếng, núi Bà Đen còn là một trong những địa điểm tham quan du lịch lí tưởng với hệ thống núi kì vĩ, du khách có thể di chuyển bằng máng trượt hay cáp treo để tham quan toàn cảnh núi Bà Đen.
Tọa lạc tại huyện Giá Rai, tình Bạc Liêu, nằm trên trục đường chính từ Bạc Liêu về Cà Mau, thánh đường Tắc Sậy là một trong những điểm du lịch không thể bỏ qua khi hành hương về vùng đất Nam bộ.
Thánh đường Tắc Sậy (Ảnh: nemtv)
Khung cảnh bên trong nhà thờ Tắc Sậy (Ảnh: nemtv)
Tòa thánh đường có kiến trúc theo cấu trúc 3 tầng vô cùng lạ và độc đáo: tầng 1 là nơi để khách nghỉ ngơi, tầng 2 vầ 3 để dâng thánh lễ với khoảng tiền sảnh rất rộng rãi và trang hoàng.
Bên trong nhà thờ có nhiều bức tượng gỗ quý được trưng bày, đặc biệt là tượng gỗ Hữu Thạo cao 2,5 m với chạm khắc tinh vi, tỉ mẩn làm cho nhà thờ thêm uy nghiêm và tráng lệ. Đây cũng là một trong những nhà thờ đẹp nhất các tỉnh miền Tây.
Mộ phần linh mục Trương Bửu Diệp được đặt trong thánh đường Tắc Sậy (Ảnh sưu tầm)
Bên cạnh đó, thánh đường Tắc Sậy cũng là nơi đặt mộ phần linh mục Trương Bửu Diệp (hay còn gọi là cha Diệp), người đã hi sinh tử vì đạo để cứu giáo dân nên được dân địa phương rất mực tôn kính, thờ phụng. Vì lẽ đó mà thánh đường Tắc Sậy còn có tên gọi quen thuộc khác là nhà thờ cha Diệp.
Với kiến trúc lạ, cùng câu chuyện cảm động về cuộc đời linh mục Trương Bửu Diệp, thánh đường Tắc Sậy đã trở thành điểm đến tín ngưỡng thu hút hàng trăm tín đồ và du khách tới ghé thăm.
Giữa cuộc sống bộn bề lo toan, việc tìm kiếm một điểm du lịch tâm linh để tịnh tâm và cân bằng lại cảm xúc là không thể thiếu. Hi vọng với những gợi ý trên, bạn đã có thể lựa chọn điểm đến phù hợp và có chuyến hành hương, khám phá du lịch thật thú vị!