Khi tháng 7 âm đang đến gần, phong tục cúng cô hồn cùng nhiều điều cấm kỵ khiến những ai đang lên kế hoạch check-in đây đó cũng phải lưỡng lự, không biết tháng 7 cô hồn có nên đi du lịch không. Đây là tín ngưỡng tâm linh có từ lâu của người Việt nên các bạn trẻ khó có thể bỏ qua.
Tháng 7 Âm được gọi là tháng cô hồn và từ trước đến nay, không ít người quan điểm kiêng làm những việc lớn trong tháng như cưới hỏi, mua nhà, mua xe, đi chơi xa... để tránh xui xẻo, tai ương.
Và trùng hợp, ngày 1/8 Dương lịch năm nay lại trùng khớp với ngày đầu tiên của tháng 7 Âm lịch nên câu hỏi "có nên đi du lịch vào tháng 8 hay không" là băn khoăn của rất nhiều người.
Tuy vậy, tháng 8 lại là "thời điểm vàng" cho nhiều tín đồ du lịch và nếu cứ theo quan niệm "kiêng kị" nói trên thì có lẽ rất nhiều người sẽ bỏ lỡ cơ hội dịch chuyển tuyệt vời trong năm.
Nếu bạn mãi suy nghĩ về vấn đề có nên đi du lịch vào tháng 7 âm không? Rồi chần chừ mãi không quyết định được thì có lẽ bạn sẽ bỏ lỡ những điều thú vị sau đây rồi!
Nhiều chuyến du lịch Tây Yên Tử trong một ngày được các công ty lữ hành khai thác với giá 500.000 đồng/du khách. (Ảnh: dulichvietnam).
Đơn cử như tháng 8 vẫn được tính là tháng hè với thời tiết hoàn toàn phù hợp để di chuyển đến những vùng biển đảo, đồi núi. Không những thế, so với tháng 6 và tháng 7, đây là thời điểm thời tiết đã bớt khắc nghiệt, oi bức hơn nên nếu mong muốn một chuyến đi nghỉ dưỡng hoặc du lịch gia đình (có con nhỏ hoặc người già) thì tháng 8 là thời điểm không thể bỏ qua.
Ngoài ra, tháng 8 cũng là tháng mà nhiều hãng bay, khách sạn, resort tung nhiều chương trình khuyến mãi bất thường cuối mùa hè. Vì vậy, với những người muốn có một chuyến đi tiết kiệm, đừng nên bỏ qua "cơ hội vàng" này.
Du khách có thể đến Hà Nội để chiêm bái ngôi chùa Một Cột độc đáo. (Ảnh: Nếm TV).
Về việc tháng 8 trùng khớp với "tháng cô hồn", du khách nếu đã lên kế hoạch cho chuyến đi của mình cũng đừng nên quá căng thẳng. Tâm lí nặng nề, lo lắng sẽ ảnh hưởng tiêu cực đến chuyến đi.
Trên thực tế, tháng 7 Âm lịch còn là tháng Vu lan báo hiếu - tháng của nhiều lễ hội văn hóa tâm linh thiêng liêng.
Chính vì thế nhân dịp tháng 7 Âm lịch, không ít người đã chủ động trải nghiệm những tour du lịch hành hương, những chuyến đi ngắn ngày đến những địa điểm du lịch thiêng liêng hay đơn giản là tổ chức một buổi du lịch cùng gia đình, cha mẹ để khiến ngày Vu lan báo hiếu thêm ý nghĩa.
Nhiều ngôi chùa lớn tổ chức thả đèn hoa đăng trong ngày Vu lan báo hiếu. (Ảnh: VTC News).
Tháng 8 là tháng của rất nhiều lễ hội văn hóa dân gian đặc sắc. Nếu ở khu vực phía Bắc, du khách có thể khám phá Tết Xíp xí ở Tây Bắc, lễ hội Pôồn Pôông của dân tộc Mường ở Thanh Hóa, lễ hội Khô Già Già, lễ hội của người Pa Dí ở Mường Khương...
Ở khu vực phía Nam, du khách có thể du lịch ở các tỉnh lân cận và khám phá hóa dân tộc Raglai ở Ninh Thuận hay Bình Định...
Du khách có thể kết hợp khám phá Ninh Bình với du lịch tâm linh tại chùa Bái Đính. (Ảnh: Dân trí).
Đặc biệt nhất, tháng 7 Âm lịch còn là tháng Vu lan báo hiếu nên hầu hết các chùa đều tổ chức rất long trọng, ý nghĩa. Vì vậy, nhân dịp này, các tour du lịch tâm linh, đến các điểm đến linh thiêng là sự lựa chọn hợp lí mà du khách không nên bỏ qua.
Du khách có thể khám phá điểm đến, hành hương đến những ngôi chùa để bái Phật, tham dự lễ hội, cầu an cho cha mẹ và người thân trong gia đình.
Vào năm 2014, tổ chức Kỉ lục Việt Nam đã công bố top 10 điểm du lịch tâm linh hút khách, du khách có thể tham khảo:
1. Chùa Một Cột (Hà Nội)
2. Danh thắng chùa Hương (Hà Nội)
3. Yên Tử (Quảng Ninh)
4. Chùa Bái Đính (Ninh Bình)
5. Chùa Thiên Mụ (Huế)
6. Thiền viện Trúc Lâm (Đà Lạt)
7. Tượng chúa Jesus (Vũng Tàu)
8. Khu du lịch tâm linh núi Bà Đen (Tây Ninh)
9. Tòa thánh Cao Đài (Tây Ninh)
10. Miếu Bà Chúa Xứ (Châu Đốc- An Giang)
Tượng chúa Jesus nằm ở trung tâm thành phố Vũng Tàu. (Ảnh: YeuVungTau).
Với những địa điểm kể trên, du khách hoàn toàn có thể kết hợp du lịch khám phá, trải nghiệm kèm du lịch tâm linh.
Đơn cử như du lịch Hà Nội với những điểm đến như Ba Vì, Đại Lải, một vòng phố cổ, ẩm thực; du lịch Ninh Bình với Tràng An, hang Múa, Tam Cốc Bích Động, du lịch Quảng Ninh với ngọn đồi cỏ lau ở Bình Liêu, vịnh Hạ Long, Vân Đồn, Móng Cái; Đà Lạt với thung lũng tình yêu, đỉnh Lang Biang, đồi thông...
Lịch trình du lịch, dự trù kinh phí có thể tham khảo dưới đây:
1. Nữ travel blogger tư vấn điểm 'check-in' nhanh gọn nếu chỉ có vài giờ du lịch Hà Nội
2. 'Giải nhiệt' mùa nắng với tour du lịch trong ngày tại Hà Nội
4. Trải nghiệm hành trình du lịch Đà Lạt 3 ngày 2 đêm tiết kiệm và hấp dẫn
5. Du lịch 2 ngày 1 đêm ở Hạ Long: Tour nghỉ dưỡng trên du thuyền chỉ với hơn 1 triệu đồng
Tháng cô hồn hay Vu Lan báo hiếu vốn là nét văn hóa tâm linh có từ lâu đời nên nếu tin tưởng triết lý quan niệm dân gian, bạn có thể du lịch tháng 7 âm kết hợp khám phá, hành hương đến những ngôi chùa để bái phật cầu an cho cha mẹ và người thân trong gia đình.
Tháng 8 trùng với tháng 7 âm lịch cũng là thời điểm khá lí tưởng để du lịch. Tuy vậy, đây cũng là thời điểm bắt đầu xuất hiện nhiều cơn mưa cuối mùa hoặc nguy hiểm hơn là những cơn bão bắt đầu đổ bộ vào Việt Nam.
Chính vì thế, du khách cần theo dõi sát sao các bản tin dự báo thời tiết để chuẩn bị trang phục cũng như những kế hoạch dự phòng cho chuyến đi của mình.
Hơn nữa, tháng 7 Âm lịch cũng được gọi là tháng mưa ngâu khi liên tục có những cơn mưa rào dai dẳng. Vì vậy, du khách nên lựa chọn những chuyến đi nghỉ dưỡng nhẹ nhàng, không nên chọn các điểm đến nguy hiểm như ở các đảo, những nơi trên đồi, núi cao phải di chuyển khó khăn để tránh rủi ro, nguy hiểm đến sức khỏe, tính mạng.
Ngoài ra, bạn nên đi cùng bạn đồng hành và lên lịch trình cụ thể, tránh đi các cung đường nguy hiểm vùng thời tiết không thuận lợi. nếu chuyến đi gặp khó khăn, trở ngại, bạn hãy bình tình và để bản thân thoải mái nhâm nhi một tách cà phê hay bữa ăn nhẹ nhàng rồi tìm cách giải quyết, chứ đừng nên đổ lỗi cho vận hạn tháng 7 âm.
Vậy nên, bạn đừng quá lo lắng việc tháng 7 âm có nên đi du lịch không mà hãy lên kế hoạch chắc chắn và tận hưởng những phút giây thú vị trong mỗi chuyến hành trình.