ĐBQH Nguyễn Hữu Cầu: Đề nghị Uỷ ban Thường vụ Quốc hội, Chính phủ cần nói rõ: Sản phẩm hiện nay là làm được cái gì; chi hết bao nhiêu tiền và hiện nay còn bao nhiêu tiền trong số tiền đã được chi. Rồi sau đó chúng ta bàn tính cách thức chi tiền, nếu không thì sẽ rất là có tội-Ảnh: Quochoi.vn |
Chiều 2-11, Quốc hội thảo luận ở hội trường về việc Chính phủ đề nghị lùi thời điểm triển khai áp dụng chương trình giáo dục phổ thông (GDPT) và sách giáo khoa mới tại Nghị quyết số 88/2014/QH13 ngày 28-11-2014 của QH về đổi mới chương trình, sách giáo khoa giáo dục phổ thông.
ĐB Nguyễn Hữu Cầu (Nghệ An) bấm nút xin tranh luận về vấn đề biên soạn sách giáo khoa mới.
Vị đại biểu là Giám đốc Công an tỉnh Nghệ An nói hôm qua (2-11) ông có phát biểu và phân vân, nghi ngờ cái sự lãng phí trong việc lùi thời gian thực hiện áp dụng chương trình đổi mới sách giáo khoa.
Ông Cầu cho biết đề án đã được thực hiện 3 năm. Từ năm 2015 cho đến nay. Theo nghị quyết của Chính phủ, từ tháng 6-2016 đến tháng 7-2018, phải biên soạn xong 3 sách giáo khoa của lớp 1, lớp 6 và lớp 10. "Vậy 3 năm ấy, tôi xin hỏi Bộ Giáo dục và Đào tạo, chúng ta làm được bao nhiêu sản phẩm? trong bao nhiêu sản phẩm ấy đã chi hết bao nhiêu tiền và đến nay còn bao nhiêu tiền?"- ĐB Cầu đề nghị.
"Có như vậy chúng ta mới tính được. Chứ bây giờ chúng ta không biết sản phẩm làm được trong thời gian qua làm được cái gì, tiêu tốn của nhà nước bao nhiêu tiền, trong khi chúng ta lại tiếp tục cho kéo dài. Khi đã kéo dài thời gian thì kéo theo chi phí"- ông Cầu nói tiếp.
Thứ 2, ĐB Nguyễn Hữu Cầu cho biết trong Quyết định 404 của Chính phủ phê duyệt 778 tỉ đồng cho chương trình này. Trong khi đó tại dự thảo Tờ trình hôm nay lại nói 80 triệu USD, tương đương với 1.798 tỉ đồng. "Vậy tóm lại là đổi mới sách giáo khoa lấy 778 tỉ đồng hay 1.798 tỉ đồng, đề nghị nói cho rõ"- ĐB Cầu kiến nghị.
"Tôi đồng tình, lùi thực hiện cũng được nhưng đừng phát sinh thêm kinh phí. Hoặc có phát sinh thì Quốc hội cũng phải kiểm soát được việc này. Đây cũng là tư tưởng của Thủ tướng Chính phủ một đồng thuế của dân chúng ta cũng phải tiết kiệm. Chúng ta làm phải có hiệu quả"- ông Cầu nêu quan điểm.
Từ những phân tích nêu trên, ĐB đến từ tỉnh Nghệ An đề nghị: "Uỷ ban Thường vụ Quốc hội, Chính phủ cần nói rõ: Sản phẩm hiện nay là làm được cái gì; chi hết bao nhiêu tiền và hiện nay còn bao nhiêu tiền trong số tiền đã được chi. Rồi sau đó chúng ta bàn tính cách thức chi tiền, nếu không thì sẽ rất là có tội"- ĐB Cầu nhấn mạnh.