Đổi tên thẻ CCCD thành Căn cước, người dân có cần làm lại thẻ mới?

Trong phiên họp sáng ngày 27/11, Quốc hội đã chính thức thông qua Luật Căn cước có hiệu lực từ ngày 1/7/2024. Những điểm thay đổi đáng chú ý bao gồm việc đổi tên thẻ CCCD thành Căn cước và một số thông tin thể hiện trên mặt thẻ căn cước cũng được đổi mới so với thẻ CCCD.

Quốc hội chính thức đổi tên thẻ CCCD thành thẻ căn cước từ 1/7/2024

Vào sáng ngày 27/11, trên cơ sở 431 đại biểu tham gia biểu quyết tán thành (chiếm tỷ lệ 87,25%), Quốc hội đã thông qua Luật Căn cước, gồm 7 chương và 46 điều, có hiệu lực thi hành từ ngày 1/7/2024.

Theo đó, song song với việc sửa tên dự án Luật Căn cước công dân thành Luật Căn cước, Quốc hội cũng thống nhất đổi tên thẻ Căn cước công dân thành thẻ Căn cước.

Với việc tích hợp đầy đủ thông tin một cách khoa học trong thẻ căn cước cùng với hình thức, phương thức quản lý số đảm bảo tính đại chúng, thì việc đổi tên thành thẻ căn cước sẽ giúp cho công tác quản lý nhà nước có tính khoa học hơn, phục vụ công cuộc chuyển đổi số, kinh tế số, xã hội số của Chính phủ.

Đồng thời, việc đổi tên thành thẻ căn cước cũng tạo điều kiện thuận lợi, hỗ trợ cho người dân trong các hoạt động xã hội và các giao dịch hành chính, dân sự.

Từ những vấn đề trên, Ủy ban Thường vụ Quốc hội (UBTVQH) nhận thấy rằng việc sử dụng tên gọi mới này phù hợp với mục đích quản lý và phục vụ Nhân dân. Do đó, UBTVQH trân trọng đề nghị Quốc hội chấp nhận việc giữ tên gọi mới là Luật Căn cước và thẻ Căn cước.

Ảnh: Báo điện tử Chính phủ

“Khi thẻ CCCD chuyển đổi sang tên gọi mới là thẻ Căn cước, người dân có bắt buộc phải đổi từ thẻ CCCD gắn chip hoặc thẻ CCCD thường sang thẻ Căn cước mới không?” là một câu hỏi đang được người dân quan tâm, thắc mắc nhất hiện nay.

Để trả lời vấn đề này, Điều 46 của Luật Căn cước quy định rõ như sau: thẻ Căn cước công dân được cấp trước ngày Luật có hiệu lực vẫn sử dụng đến hết thời hạn in trên thẻ. Nếu công dân có nhu cầu sẽ được cấp đổi sang thẻ căn cước.

Đồng thời, những loại giấy tờ hợp pháp đã được cấp và sử dụng thông tin từ CMND, CCCD vẫn giữ nguyên giá trị sử dụng. Các cơ quan nhà nước không yêu cầu công dân phải điều chỉnh hay thay đổi thông tin từ CMND, CCCD trên các giấy tờ đã cấp.

Trường hợp thẻ CCCD hoặc CMND hết hạn sử dụng từ ngày 15/1/2024 đến trước ngày 30/6/2024, thì vẫn được coi là có giá trị sử dụng đến hết ngày 30/6/2024.

Ảnh: Báo điện tử Chính phủ

Ngoài ra, theo Điều 18 của dự thảo Luật trình Quốc hội, thông tin được in trên thẻ căn cước cũng không còn bao gồm "quê quán" và "dấu vân tay". Các trường thông tin thể hiện trên thẻ căn cước bao gồm ảnh khuôn mặt; số định danh cá nhân; họ, chữ đệm và tên khai sinh; ngày, tháng, năm sinh; giới tính; nơi đăng ký khai sinh; quốc tịch; nơi cư trú; ngày cấp thẻ và hạn sử dụng, nơi cấp: Bộ Công an.

Khác với Luật CCCD năm 2014, Luật Căn cước áp dụng từ ngày 1/7/2024 quy định người được cấp thẻ căn cước bao gồm công dân Việt Nam từ đủ 14 tuổi trở lên phải thực hiện thủ tục cấp thẻ căn cước và công dân Việt Nam dưới 14 tuổi được cấp thẻ căn cước theo nhu cầu.

Ảnh: Thương Trường

chọn
Toàn cảnh đường Lương Định Của mở rộng sắp thông xe tại TP Thủ Đức
Dự án nâng cấp, mở rộng đường Lương Định Của tại TP Thủ Đức có chiều dài khoảng 2,5 km. Đây là một trong 10 công trình giao thông dự kiến thông xe trước Tết Nguyên đán của TP HCM.