Đội thợ hồ 'có một không hai' tại Sài Gòn

Hơn 7 năm qua, anh Hồ Vũ Anh Tuấn - Giám đốc một công ty xây dựng đã mạnh dạn nhận một tốp thợ hơn 5 người khiếm thính vào làm việc và đang tìm cách tạo thêm việc làm cho những người kém may mắn khác.
 

Cái duyên “dễ thương”

doi tho ho co mot khong hai tai sai gon
Anh Tuấn (bìa trái) và nhóm thợ xây đặc biệt của mình.

Gặp chúng tôi tại căn nhà đang xây dở ở Q. Bình Thạnh – TP HCM, anh Tuấn chỉ vào tốp thợ câm điếc và cho biết đấy là cái duyên “dễ thương” giữa anh với họ. Rồi anh kể, trong một lần xây nhà ở Bình Dương, cạnh công trình có nhóm thanh niên đang xúc mương, thông cống. Đứng quan sát, anh thấy họ làm việc chăm chỉ nhưng vẫn bị người trưởng nhóm quở trách, thậm chí là đánh khi không vừa lòng chuyện gì.

Động lòng, anh tranh thủ giờ nghỉ lân la làm quen, mới biết nhóm người này bị câm điếc. Không suy nghĩ nhiều anh chỉ trỏ đủ kiểu với thông điệp “vào làm chỗ tôi đi cho đỡ cực và thu nhập tốt hơn”. Lúc đầu hai bên cứ nói qua nói lại và chỉ hiểu nhau đại khái vì nhỏ lớn anh có có học khẩu ngữ bao giờ đâu. Rồi một người trong nhóm nhận ra thành ý của anh liền lấy giấy viết để trao đổi dễ hơn.

Chuyện chỉ có thế, tối về Tuấn vẫn nghĩ về nhóm người ngày và mong ngày mai họ tới làm với mình. Sáng hôm sau, anh đế công trường sớm thì đã thấy hai người câm điếc đứng đợi sẵn. Mừng như bắt được vàng, anh dẫn họ vào giới thiệu với mọi người.

Làm mấy hôm, thấy anh Tuấn tốt bụng, hai người câm điếc kéo bạn bè vào làm cùng. Từ 3 lên 5 rồi có lúc là 7-8 người câm điếc với tuổi đời từ 30 – 40 tuổi, phần lớn xuất thân từ trường câm điếc Lái Thiêu. Biết sẽ khó khăn hơn khi nhận những anh em này nhưng Tuấn chẳng bận tậm vì anh biết họ cần được đối xử tốt và có công việc ổn định để nuôi sống gia đình.

doi tho ho co mot khong hai tai sai gon
Anh Minh - một người câm điếc giờ là thợ chính của công ty.

Sau công trình Bình Dương, nhóm thợ câm điếc theo anh đi nhiều công trình khác tại Sài Gòn và các tỉnh lân cận. Thấm thoát đã 7 năm, trong nhóm người ấy đã có hai người lên thợ chính với mức lương 330.000 đồng/ngày; những thợ phụ còn lại nhận mức lương 250.000 đồng/ngày và việc gần như không bao giờ thiếu. Cũng có vài 3 người sau một thời gian theo Tuấn đã quyết định về lại Bình Dương vì còn gia đình nên không thể chạy đi chạy về giữa mấy chục cây số mỗi ngày.

Nhận thợ câm điếc vào Tuấn trăn trở suốt khi thợ cũ có lời ra tiếng vào nhưng rồi tình thương lấn át, nghĩ đến hình ảnh họ bị ngược đãi, hoặc thất nghiệp vất vưởng... những băn khoăn tan dần và anh quyết bảo vệ nhóm anh em này.

Lòng tin tuyệt đối

Những ngày đầu, do chưa quen nên thợ cũ cứ quen miệng gọi phụ lấy gạch hay xi măng mà không ai nghe nên phải từ giàn giáo leo chửi bới anh em câm điếc. Lâu dần khi đã biết cách, họ chỉ cần lấy hòn đá nhỏ chọi gần chỗ mấy anh em này rồi ra hiệu là có đủ gạch đá, xi măng. Đó cũng là những phút lơ đãng hay khi người câm điếc chăm chú làm việc khác vì chẳng mấy khi thợ chính thiếu vật tư vì được cung cấp suốt vì giờ ai cũng thạo việc.

Anh Bình quản lý nhân sự của công ty cho biết: “Lúc đầu ai mà không bực vì nói mấy ổng không nghe và cũng chưa biết làm gì. Nhưng thấy anh Tuấn đối đãi bằng tấm lòng với những người này nên anh em hiểu và phụ một tay. Giờ mấy ổng là thợ chiến không đó”.

Biết chắc chắn công việc sẽ chậm hơn nhưng Tuấn nghĩ cứ hy sinh một chút rồi sẽ được đền đáp và thời gian đã chứng minh. Tốp thợ câm điếc có sự nhạy bén riêng, làm việc rất chỉn chu và ý thức công việc cao. Đặc biệt, khi giao họ đi sửa nhà thì vô cùng yên tâm vì không bao giờ có tình trạng gia chủ mất đồ và công trình luôn làm vừa lòng khách.

doi tho ho co mot khong hai tai sai gon
Tốp thợ của Tuấn giờ đã sống chan hòa và quí mến nhau.

Tuấn chia sẻ: “Mình cố gắng tạo điều kiện cho họ để cho công việc tốt hơn và cái mình nhận được là nhân sự ổn định, trung thành. Theo mình đây cũng là cách góp phần vào việc phát triển xã hội khi tạo công ăn cho những người này”.

Không chỉ giúp người câm điếc có được việc làm, Tuấn còn hỗ trợ họ trong sinh hoạt đời thường như giúp có chỗ ở hoặc sẵn sàng cho mượn thêm những khoản kinh phí khi ai đó cần sắm sửa món đồ gì cho bản thân hay gia đình. Rồi anh cũng ‘tranh thủ’ xin bạn bè ở phường những suất phát gạo và nhu yếu phẩm cho nhóm anh em này khi có ai cho quà vào các dịp lễ tết.

Hiện có một gia đình người khiếm thính gồm hai vợ chồng và một con đang sống trong căn nhà do anh xây trên mảnh đất của mình tại Hóc Môn. Anh tạo cho họ có một không gian riêng để hằng tuần có thể tụ tập bạn bè đến vui chơi, bởi hiểu người câm điếc vốn bị thiệt thòi nên nhu cầu được gặp gỡ, có bạn cùng cảnh để chia sẻ, chuyện trò bằng ngôn ngữ riêng của họ là rất cần thiết.

Qua Tết, anh dự định sẽ mở dịch vụ làm việc nhà để vợ, bạn gái của người câm điếc làm và đàn ông thanh niên thì có thể làm xây dựng với anh. Vì anh nhận ra những người khiếm thính chịu rất nhiều thiệt thòi và kiếm việc rất khó khăn nhưng rất trọng tình cảm. Bởi thế, nhiều anh em đã không lên Sài Gòn lập nghiệp mà vẫn ở Bình Dương làm lao động phổ thông bữa đực bữa cái với hơn trăm ngàn đồng/ngày vì người yêu hoặc vợ (đều là người câm điếc) không tìm được việc trên Sài thành.

“Tôi tin chắc một điều, với dịch vụ làm việc nhà phụ nữ câm điếc sẽ làm tốt vì họ được giáo dục bài bản tại Trường Câm điếc Lái Thiêu nên rất ý thức, lao động giỏi và không ăn cắp vặt”, anh Tuấn tâm sự.

chọn
Nơi quy hoạch tổ hợp nhà ở của HanoiHouse tại ngã tư Nguyễn Phong Sắc - Tô Hiệu
Tại góc ngã tư Nguyễn Phong Sắc - Tô Hiệu có một khu đất hơn 0,2 ha, được quy hoạch cho dự án nhà ở thấp tầng và cao tầng. Chủ cũ của dự án này trước đây là Indeco, sau nhiều năm chậm triển khai đã chuyển giao cho chủ mới là HanoiHouse.