Thông tin từ Báo Bình Thuận, mới đây, tại cuộc họp trực tuyến với Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Ban Thường vụ Thị ủy thị xã Lagi đã đề xuất chủ trương xây dựng thị xã La Gi lên thành phố trực thuộc tỉnh.
Mặt khác, để phát triển thị xã thành đô thị phía nam theo hướng thương mại - dịch vụ - du lịch, Lagi cũng đề nghị đưa vào kế hoạch nâng cấp, mở rộng quốc lộ 55 để nối với cao tốc Dầu Giây – Phan Thiết.
Bên cạnh đó, đưa vào quy hoạch kế hoạch đầu tư tuyến đường Nguyễn Minh Châu nối dài qua Hàm Tân, Hàm Thuận Nam để kết nối với đường ven biển thị xã với quốc lộ 55, cao tốc Dầu Giây - Phan Thiết. Ngoài ra, sớm hoàn thiện các đoạn kè chống sạt lở sông Dinh, lập dự án đầu tư kè và đường hai bên bờ sông Dinh.
Tại buổi làm việc, Bí thư Tỉnh ủy Bình Thuận Dương Văn An và tập thể Ban Thường vụ Tỉnh ủy đã đồng ý với đề xuất xây dựng Lagi trở thành thành phố trực thuộc tỉnh, đồng ý với kiến nghị nâng cấp, mở rộng các tuyến đường quan trọng.
Khảo sát chung giá các loại đất một số khu vực ven biển phía Nam, ông Huỳnh Ngọc Thanh, CEO của CTCP Đầu tư Hata (Hataland) cho biết, hiện nay, giá đất ven biển thị trường Đà Nẵng khoảng 300 - 500 triệu đồng/m2; ở Nha Trang dao động 400 - 600 triệu đồng/m2; ở Phú Quốc khoảng 100 - 150 triệu đồng/m2; ở Phan Thiết 40 - 60 triệu đồng/m2; Vũng Tàu hiện giá đất trung bình 80 - 100 triệu đồng/m2; khu vực Phan Rí 30 - 40 triệu đồng/m2, khu vực Phan Rang 30 - 40 triệu đồng/m2...
Trong đó, thị xã Lagi là thị trường có giá thấp nhất, dao động 20 - 30 triệu đồng/m2. Theo ông Thanh, sở dĩ có mức giá này bởi Lagi vẫn đang là thị xã, chưa lên thành phố.
"Trong tương lai, khi sân bay Long Thành đi vào hoạt động (dự kiến năm 2025) sẽ rút ngắn khoảng cách di chuyển đến Lagi xuống còn 1 tiếng; đường ven biển Hồ Tràm - Bình Châu - Mũi Né chạy qua Lagi được hoàn thành; cùng với việc lên thành phố, giá đất ở Lagi sẽ tăng trưởng giống như Phan Thiết hiện nay", ông Thanh dự báo.
Còn theo ông Đỗ Quý Duy, Giám đốc kinh doanh của CTCP Đầu tư Hải Phát (Hải Phát Invest, Mã chứng khoán: HPX), nếu nhìn dưới góc độ là một nhà đầu tư nghỉ dưỡng ở phía Nam, để tìm kiếm một nơi nghỉ dưỡng có thể lái xe ô tô 2 - 2,5 tiếng từ TP HCM là không nhiều.
"Cần Giờ là biển gần TP HCM nhất. Theo tôi được biết, giá đất mặt biển ở Cần Giờ hiện loanh quanh khoảng 35 - 40 triệu đồng/m2, giá này không còn như ngày xưa nữa, đã cao gấp 2, gấp 3 lần rồi.
Do đó, nhà đầu tư chỉ có thể chọn khu vực Hồ Tràm (Bà Rịa - Vũng Tàu) hoặc Lagi, Hàm Tiến, song cũng cần phải so sánh cụ thể số liệu giá ở những khu vực này. Hiện không còn nhiều cơ hội đầu tư thị trường biển gần TP HCM, theo tôi khu vực Bình Thuận sẽ là điểm sáng của thị trường nghỉ dưỡng trong vài năm tới.
Nhiều nhà đầu tư có thể thấy giá BĐS Bình Thuận hiện đã ở mức cao, song nếu tham chiếu với các khu vực ven biển phía Nam, mức giá này vẫn còn hấp dẫn", ông Duy cho hay.
Điểm tương đồng giữa Bình Thuận và Quảng Ninh
Bên cạnh những yếu tố nói trên, theo các chuyên gia, BĐS Lagi cũng như Bình Thuận còn sở hữu một xung lực tăng trưởng mạnh mẽ về hạ tầng, đó là cao tốc Phan Thiết - Dầu Giây..
Cuối tháng 9/2020, đường cao tốc Phan Thiết - Dầu Giây, một trong 11 dự án thành phần của cao tốc Bắc - Nam phía Đông được khởi công xây dựng. Dự án có chiều dài 99 km, mặt đường hơn 32 m, quy mô 6 làn xe, vận tốc 120 km/h được. Dự án có tổng mức đầu tư 12.500 tỷ đồng, dự kiến hoàn thành cuối năm 2022.
Sau khi hoàn thành, tuyến cao tốc Dầu Giây - Phan Thiết dự kiến sẽ rút ngắn thời gian di chuyển từ sân bay Long Thành, sân bay Phan Thiết đến La Gi xuống khoảng 1 giờ; di chuyển từ TP HCM đến Lagi chỉ còn 1,5 giờ thay vì 4 tiếng như hiện nay.
Phân tích về tầm ảnh hưởng của đường cao tốc đến thị trường biển ở cực Nam Trung bộ, ông Đỗ Quý Duy đưa tham chiếu Bình Thuận với thị trường Quảng Ninh giai đoạn 2016 - 2017.
"Là một người đã tìm hiểu nhiều thị trường, tôi nhận thấy cơ địa của BĐS Quảng Ninh rất tốt. Nếu chấm Quảng Ninh 10 điểm thì Bình Thuận chỉ được 6,5 - 7 điểm thôi.
Dù hơi khập khiễng nhưng tôi thấy thị trường Quảng Ninh vẫn có nhiều nét tương đồng với Bình Thuận, khi có cả cao tốc và sân bay hình thành trong 2 - 3 năm. Chỉ khác là sân bay của Quảng Ninh nằm ở vùng cánh Vân Đồn, còn sân bay Phan Thiết lại nằm ở trung tâm Bình Thuận. Trục tam giác Hà Nội - Hải Phòng - Quảng Ninh về vị trí cũng giống như TP HCM - Vũng Tàu - Bình Thuận.
Trước đây, khi đi từ Hà Nội đến Quảng Ninh thì mất khoảng 4,5 - 5 tiếng, giống như đi từ TP HCM đến Bình Thuận hiện nay. Hà Nội đến Hải Phòng thì mất khoảng 2 - 2,5 tiếng giống như TP HCM đi Vũng Tàu. Nói như vậy để thấy những điểm tương đồng về mặt vị trí của các địa phương này là giống nhau.
Ở phía Bắc, Quảng Ninh là tỉnh tiên phong trong việc hoàn thành cao tốc (sau Hải Phòng). Sau khi cao tốc Hà Nội - Hải Phòng - Quảng Ninh được thông tuyến, 10 khách du lịch thì có đến 8 người đổ về Quảng Ninh. Nhờ có cao tốc, Quảng Ninh đã hút được lượng lớn khách từ Hải Phòng.
Tương tự, khi cao tốc Dầu Giây - Phan Thiết hoàn thành, tôi chắc chắn một lượng lớn khách du lịch của Vũng Tàu sẽ đổ về Bình Thuận, bởi thời gian di chuyển được rút ngắn, lại được tận hưởng một không gian mới, không khí biển mới.
Nói thêm về văn hóa du lịch, tôi cho rằng tần suất đi du lịch của người TP HCM sẽ gấp 4 - 5 lần so với người Hà Nội, khả năng chi tiêu của người TP HCM cũng sẽ cao hơn nhiều lần.
Cuối cùng, ở Bình Thuận, người ta có thể khai thác được 10 tháng nắng, còn ở Quảng Ninh hiện chỉ khai thác được khoảng 6 - 7 tháng nắng mà thôi. Sắp tới, khi hoàn thành cao tốc Móng Cái - Vân Đồn, tôi dự đoán sẽ có một lượng lớn khách du lịch Trung Quốc đổ về Quảng Ninh", Giám đốc kinh doanh Hải Phát chia sẻ.
Quay trở lại về giá đất, theo ông Duy, khu vực sân bay Vân Đồn cũng giống như khu vực Thiện Nghiệp, nơi làm sân bay Phan Thiết. Vào năm 2016, giá đất khu vực sân bay Vân Đồn, đất thổ cư, tái định cư có giá 350 triệu - 500 triệu đồng/lô 300 m2 (khoảng 1,5 - 2 triệu đồng/m2).
Năm 2021, giá đất khu vực này khoảng 17 - 18 triệu đồng/m2, như vậy tăng trưởng khoảng 800% trong 6 năm, tức 130%/năm.
Đối với những khu đô thị cũ bám biển ở Vân Đồn, giai đoạn 2016 - 2017, giá đất dao động 8 - 10 triệu đồng/m2. Đến giai đoạn 2018 - 2021, khi có những tín hiệu về đặc khu kinh tế, đường cao tốc, giá tăng lên 27 - 35 triệu đồng/m2, gấp khoảng ba lần.
Ở vùng lõi của Quảng Ninh là khu vực Hòn Gai, TP Hạ Long, giá đất liền kề, biệt thự vào năm 2016 rơi vào khoảng 80 - 120 triệu đồng/m2. Từ 2017 đến nay đã tăng lên 230 - 250 triệu đồng/m2; những biệt thự 300 - 500 m2 tăng trưởng 80 - 160 triệu đồng/m2. Như vậy, thị trường Hạ Long đã tăng trưởng 2 - 2,5 lần trong 4 năm.
Tựu trung lại thị trường Quảng Ninh sau khi hoàn thành cao tốc, sân bay, những khu vực dưới 10 triệu đồng/m2 đã tăng giá khoảng 2 - 3 lần; một số khu vực cụ thể có đất rộng, rẻ tăng trưởng gấp 10 - 12 lần.
"Ở Quảng Ninh, khi cao tốc Hà Nội - Hải Phòng - Quảng Ninh được thông, người dân đã đi chuyển thuận lợi, các chủ đầu tư lớn bắt đầu đồng loạt ra hàng và thị trường bắt đầu đi vào trạng thái phát triển ổn định.
Đối với Bình Thuận, theo quan điểm của tôi, các chủ đầu tư sẽ chỉ ra hàng khi hạ tầng nhìn chung đã hoàn thành khoảng 70 - 80%. Giai đoạn 2021 - 2022, trước khi cao tốc Phan Thiết - Dầu Giây được thông, đây sẽ là giai đoạn tăng trưởng nhanh của thị trường.
Nếu là những nhà đầu tư đã có kinh nghiệm, việc tham gia vào thị trường Bình Thuận cũng là điều đáng cân nhắc. Còn sau khi cao tốc đã thông, các chủ đầu tư đồng loạt ra hàng sơ cấp, thị trường sẽ tăng trưởng theo một cách khác", ông Duy nhìn nhận.
Để minh chứng cho tiềm năng tăng giá BĐS từ cao tốc Phan Thiết - Dầu Giây, Giám đốc kinh doanh Hải Phát cho hay, hồi đầu năm, ông có mua hai lô đất ở Tân Minh (huyện Hàm Tân), phía nam thị xã Lagi, cách cao tốc Phan Thiết - Dầu Giây khoảng 500 m, cách quốc lộ 55 khoảng 1 km, nằm trên trục chính KCN Tân Đức của Sonadezi.
Thời điểm mua vào tháng 1/2021, giá hai lô đất này là 75 triệu đồng/mét ngang. Hiện nay, khi mà tiến độ cao tốc Phan Thiết - Dầu Giây ổn định, đã có người trả 150 triệu đồng/mét ngang, lãi 100% trong 6 tháng.