Cha mẹ đều mong con cháu sẽ về quê đón Tết. |
Tết về biết bao nhiêu thứ phải lo. Nào là đồ đạc, bánh mứt, tiền liền xì cho con cháu ở quê. Nhưng đó chưa là tất cả những bộn bề của biết bao cặp vợ chồng trẻ khi đã có gia đình riêng. Đối với vợ chồng Hải, cuối năm giữa những lo toan tất bật, nỗi lo trong anh luôn canh cánh với câu hỏi tưởng chừng đơn giản: Tết này đưa con về nội hay về ngoại?
Niềm vui khi đón Tết ở quê. |
Hải nhớ lại, mấy năm đầu cưới nhau, mùng 1 anh về quê vợ ăn Tết. Những tưởng chỉ chúc Tết ông bà bên vợ mấy ngày, ai ngờ vợ nài nỉ ở lại quê chơi Tết cho tới ngày hạ nêu lên thành phố đi làm. Năm đó, Hải bị cha mẹ la mắng vì không dành được thời gian để chúc Tết gia đình. Sau mấy năm tích cóp, vợ chồng Hải xây được một căn hộ mặt phố khang trang. Năm trước, Hải đưa vợ con về nội ăn Tết, vợ anh bằng mặt không bằng lòng, bề ngoài ra chiều vui vẻ nhưng trong lòng không được vui. Hải áy náy khi nhìn thấy vợ, anh thầm nghĩ sẽ tìm cách khác chứ không để vợ mình phải buồn vì dịp Tết.
Chọn đón Tết bên nội hay bên ngoại là chuyện không dễ. |
Tết là ngày hội đoàn viên, sum họp gia đình nhưng đối với vợ chồng Hải thì không hẳn vậy. Về bên nội thì gia đình Hải sẽ rất vui vì một năm Hải chỉ về quê một vài lần. Thế nhưng gia đình bên vợ sẽ buồn bởi ngày Tết không gặp được con gái cùng cháu ngoại sau một năm xa cách. Đối với Hải, anh muốn mọi thứ phải được dung hòa, cả hai bên đều vui vẻ. Chỉ mỗi chuyện ăn Tết ở đâu mà đối với vợ chồng Hải thật là một nỗi lo lớn, nhất là khi vợ anh đang có thai.
Hải nhớ Tết năm đó, anh đưa vợ con qua lại hai bên nội ngoại, mệt lu bu. Chiều mùng 2, vợ chồng anh bị kẹt xe gần hết buổi sáng, thế là mất đi gần một ngày chính Tết. Vợ chồng Hải đâm ra cự cãi, anh quyết năm sau sẽ ăn Tết cố định ở một nơi mà tìm ra một địa điểm đón Tết thích hợp đối với anh không phải dễ dàng. Một năm làm việc không ngừng nghỉ chỉ mong đến ngày Tết sum hợp với người thân, vậy mà sao khó quá?
Không riêng vợ chồng Hải mà hầu như tất cả các cặp vợ chồng có cha mẹ ở xa, Tết về thường lo lắng chuyện đón Tết ở nơi đâu. Ngày xưa, gái theo chồng thì tận tụy phục vụ gia đình chồng, tất nhiên không có điều gì bàn cãi. Thế nhưng, trong thời buổi hôm nay, nam nữ bình đẳng, người vợ có thể kiếm tiền không thua kém các đấng mày râu. Các nàng có thể tự chủ được cuộc sống kể cả có thể quyết định được các việc lớn nhỏ trong gia đình.
Niềm vui trong bữa cơm ngày Tết. |
Phần lớn, cha mẹ chồng đều có tuổi, lại sống ở quê nên Tết đến họ mong muốn vợ chồng con trai cùng cháu nội sẽ về nhà ăn Tết. Trước là để gia đình đoàn viên, sau nữa là dẫn cháu thăm ông bà. Âu đó cũng là việc đúng. Nhiều anh chồng vì muốn làm cho gia đình vui nên cố ép vợ con phải về bên nội mà đón Tết. Các chị vợ nóng tính thì bật lại ngay: “Sao cứ lại phải nhà anh mà không phải nhà tôi? Tôi cũng có gia đình mà!” Vợ hiền thì lẳng lặng làm theo ý chồng mà nuốt nước mắt vào trong để rồi mâu thuẫn vì đó mà âm ỉ.
Tết là dịp để vợ chồng, con cái về lại quê hương, sum họp gia đình, vậy mà nó đã trở thành nỗi lo canh cánh cho các cặp vợ chồng trẻ sinh sống xa quê. Nếu như vợ chồng cứ khăng khăng với quan điểm của riêng mình thì sẽ rất khó để tìm lời giải cho câu hỏi: Bên nội hay bên ngoại? Trong cuộc sống vợ chồng, đôi bên biết nhường nhịn nhau, hy sinh vì niềm vui và hạnh phúc của nhau thì sẽ hóa giải được những gút mắc. Chúng ta hãy cứ nghĩ, niềm vui của vợ là hạnh phúc của chồng và ngược lại thì “thuận vợ thuận chồng”, đỡ phải mặt nặng mày nhẹ ngay dịp đầu năm, khiến mối mẫu thuẫn cứ âm ỉ, mất vui cả năm.
Đại học Văn hóa TP HCM tìm việc làm thêm dịp Tết cho sinh viên | |
Tết ấm áp, sẻ chia với bệnh nhi Bệnh viện Nhi đồng 2 | |
Những sinh viên làm thêm xuyên Tết | |
Chuyện những người dựng lều bên đường 'chờ' Tết |