Phải đóng cửa một loạt trung tâm thương mại ở Việt Nam vì chỉ bán thời trang, mĩ phẩm, Parkson quyết định thay đổi

Sau hơn chục năm chỉ bán hàng thời trang, mĩ phẩm nhưng phải liên tiếp đóng nhiều điểm kinh doanh, Parkson đã quyết định thay đổi diện mạo, trở thành một trung tâm thương mại tích hợp nhiều dịch vụ ăn uống, giải trí.

Parkson Việt Nam đã chính thức tuyên bố thay đổi hình ảnh của chuỗi hệ thống trung tâm thương mại đang sở hữu tại Việt Nam, mà trước hết là trung tâm Parkson Saigon Tourist (đường lê Thánh Tôn, quận 1, TP HCM). Đây là trung tâm thương mại đầu tiên của Parkson khi gia nhập thị trường bán lẻ Việt từ những năm 2000.

Quyết xoá bỏ hình ảnh 15 năm chỉ bán hàng thời trang, mĩ phẩm 

Parkson Saigon Tourist nằm trên đường Lê Thánh Tôn (quận 1, TP HCM) là trung tâm thương mại đầu tiên được thành lập năm 2005 của Parkson - tập đoàn quốc tế tại Malaysia, hiện có hơn 100 điểm kinh doanh trên khắp thế giới.

Phải đóng cửa một loạt trung tâm thương mại ở Việt Nam vì chỉ bán thời trang, mĩ phẩm, Parkson quyết định thay đổi  - Ảnh 1.

Parkson đã quyết định thay đổi diện mạo trung tâm thương mại Parkson Saigon Tourist phù hợp mô hình hiện đại. (Ảnh: Saigontourist).

Thời điểm đó, Parkson Saigon Tourist được biết đến là một trong những trung tâm thương mại quốc tế đầu tiên có mặt tại Việt Nam dành cho nhóm khách hàng thuộc phân khúc từ trung cấp đến cao cấp.

Mô hình mà Parkson xây dựng không chỉ cho trung tâm thương mại này mà còn các điểm kinh doanh khác là tạo một nơi mua sắm (shop and go) với hàng loạt thương hiệu nổi tiếng thế giới như Kiehl's, Shu Uemura, Bobbi Brown, MAC, The Body Shop, Estée Lauder, Lancôme…

Theo tuyên bố mới nhất của Parkson Việt Nam về việc nâng cấp, thay đổi hình ảnh của trung tâm thương mại này, là muốn đổi mới mô hình kinh doanh về mọi mặt để phù hợp với xu hướng thị thường.

Đại diện doanh nghiệp cho biết sẽ làm mới không gian mua sắm đáp ứng mọi nhu cầu của nhiều đối tượng khách hàng, chứ không đơn thuần chỉ mua hàng hiệu như trước đây. Ngoài ra, diện mạo mới của Parkson cũng tăng cường những trải nghiệm mua sắm mới mới lạ, cùng nhiều tiện ích, dịch vụ hiện đại.

Đặc biệt, Parkson cũng lưu ý rằng sẽ đa dạng sản phẩm để nhắm đến nhiều phân khúc khác nhau, tạo nhiều sự lựa chọn cho khách hàng nhưng vẫn trong tầm giá hợp lí nhất.

Như vậy, "ông lớn" Parkson quyết định thay đổi hình ảnh chỉ bán hàng hiệu theo mô hình kinh doanh đơn thuần (shop and go) vốn trung thành hơn chục năm qua thành một địa điểm mua sắm kết hợp các dịch vụ ăn uống, giải trí tích hợp (all-in-one destination) như các trung tâm thương mại khác hiện nay.

Đại diện Parkson đánh giá sự thay đổi và nâng cấp trung tâm thương mại đầu tiên Parkson Saigon Tourist là "mục tiêu chiến lược quan trọng sau 14 năm hoạt động tại thị trường Việt Nam".

Theo kế hoạch, các công đoạn nâng cấp đầu tiên của trung tâm thương mại này được thực hiện trong tháng 4. Đồng thời, Parkson cũng đã có những tính toán tiếp theo trong việc thay đổi hình ảnh các trung tâm thương mại khác đang có tại Việt Nam.

Parkson đóng cửa một loạt trung tâm thương mại ở Hà Nội, TP HCM

Động thái "lột xác" Parkson Saigon Tourist của "ông lớn" bán lẻ này đến từ việc một loạt trung tâm thương mại của chuỗi phải đóng cửa, sau nhiều năm làm ăn không hiệu quả.

Parkson Keangnam (Hà Nội) là trung tâm thương mại đầu tiên mà Parkson Retail Asia - tập đoàn sở hữu và vận hành chuỗi trung tâm thương mại Parkson tại Việt Nam, tuyên bố chấm dứt hoạt động vào đầu năm 2015. Đây cũng là phát pháo đầu tiên cho một loạt các điểm kinh doanh thuộc thương hiệu này phải... dẹp tiệm.

Phải đóng cửa một loạt trung tâm thương mại ở Việt Nam vì chỉ bán thời trang, mĩ phẩm, Parkson quyết định thay đổi  - Ảnh 2.

Tháng 10/2018, Parkson Cantavil (quận 2, TP HCM) cũng đã bị đóng cửa. (Ảnh: Cantavil).

Tháng 5/2016, Parkson Paragon (quận 7, TP HCM) tiếp bước trung tâm thương mại đầu tiên ngưng hoạt động. Cuối năm này, Parkson Viet Tower (Hà Nội), cũng tuyên bố đóng cửa.

2017 có thể xem là năm cầm cự của Parkson, khi không có nhiều biến động về địa điểm kinh doanh. Tuy nhiên,tiếp tục đến năm 2018, có 2 trung tâm thương mại thuộc chuỗi Parkson lại lần lượt chia tay khách hàng.

Đầu năm 2018, trung tâm Parkson Flemington nằm trên đường Lê Đại Hành (quận 11, TP HCM) đã chính thức thông báo đóng cửa sau 8 năm có mặt tại Việt Nam. Đến tháng 10, Parkson Cantavil (quận 2, TP HCM) cũng đã chấm hoạt động. Tuy nhiên, trên hệ thống của doanh nghiệp vẫn chưa chính thức công bố thông tin.

Như vậy, hiện Parkson chỉ còn lại 5 trung tâm thương mại tại Việt Nam. Trong đó, TP HCM có 3 trung tâm, gồm Parkson Saigon Tourist Plaza (quận 1), Parkson Hùng Vương (quận 5) và Parkson CT Plaza (quận Tân Bình).

2 trung tâm còn lại nằm tại Đà Nẵng và Hải Phòng. Riêng Hà Nội đã không còn sự hiện diện của Parkson.

"Ông lớn" hàng hiệu nhưng thua lỗ triền miên

Việc lần lượt đóng cửa 5 trung tâm thương mại của Parkson tại Việt Nam phần nhiều đến từ kết quả kinh doanh không thuận lợi, thậm chí liên tiếp thua lỗ của doanh nghiệp chuyên bán lẻ hàng có thương hiệu có tiếng này.

Niên độ tài chính của Parkson bắt đầu từ tháng 7 và kết thúc vào tháng 6 năm sau. Kết thúc ngày 30/6/2018, doanh số của Parkson tại Việt Nam đã giảm 14,6%, luỹ kế cả năm giảm 8,3%. Kết quả kém khả quan này đến từ việc đóng cửa các trung tâm thương mại.

Phải đóng cửa một loạt trung tâm thương mại ở Việt Nam vì chỉ bán thời trang, mĩ phẩm, Parkson quyết định thay đổi  - Ảnh 3.

Kêt quả kinh doanh tại Việt Nam là tệ nhất so với các thị trường khác mà Parkson đang có mặt. (Đồ hoạ: Phúc Huy).

InsideRetail đánh giá dù mảng kinh doanh của Parkson tại các nước đều không khả quan, nhưng thị trường Việt Nam là tệ nhất so với các thị trường khác mà hệ thống này có mặt.

Trước đó, báo cáo tài chính quí I/2018 niên độ 2017-2018 được Parkson Retail Asia công bố cũng cho thấy kết quả lỗ trước thuế 24 tỉ đồng, đánh dấu quí thứ 7 thua lỗ liên tiếp tại thị trường Việt Nam. 

Năm tài chính 2016-2017, Parkson kết thúc với con số lỗ 67 tỉ đồng. Trước đó, năm 2015, công ty mẹ Parkson Retail Asia đánh dấu mức lỗ tới gần 1.300 tỉ đồng tại Việt Nam và khiến cả tập đoàn lỗ tổng cộng 850 tỉ đồng. 

Về kết quả kinh doanh không mấy khả quan này, lãnh đạo Parkson Retail Asia cho biết mảng bán lẻ tại Việt Nam tuy béo bở nhưng không dễ ăn, bởi nhiều thách thức như thị trường hiện có sự cạnh tranh gay gắt, chiết khấu lớn khiến Parkson đã không thể đấu lại.

Trên InsideRetail, nhiều chuyên gia cho biết "ông lớn" hàng hiệu này đang gặp khó khăn tại thị trường Việt Nam, nếu cứ tiếp tục trung thành mô hình cũ, có thể Parkson sẽ không trụ được lâu. 

Tuy nhiên, với quyết định làm mới diện mạo Parkson Saigon Tourist hướng đến mô hình trung tâm thương mại hiện đại gắn với nhu cầu của khách hàng, Parkson dường như đang cân nhắc để không phải "giãy chết" trước sự cạnh tranh khốc liệt của thị trường bán lẻ tại Việt Nam.