Thấy gì từ doanh thu bán lẻ của hai ông lớn Vingroup và Thế Giới Di Động đầu năm 2019?

Chuỗi Bách Hoá Xanh đang thu vào gần 20 tỉ mỗi ngày cho Thế Giới Di Động. Trong khi đó, mảng bán lẻ cũng tăng trưởng chóng mặt, đóng góp khoảng 1/3 doanh thu cho toàn Vingroup.

Mảng bán lẻ của Vingroup và Thế Giới Di Động đều tăng trưởng ấn tượng trong quý I/2019. Từ chỗ chỉ mới đạt đến điểm hòa vốn vào cuối năm ngoái, đến nay chuỗi Bách Hoá Xanh của Thế Giới Di Động đã cho doanh thu khoảng 20 tỉ mỗi ngày. Trong khi đó, đóng góp từ hoạt động bán lẻ của Vingroup cũng gần tiệm cận mảng bất động sản.

Bán lẻ của Vingroup và Thế Giới Di Động 'rủ nhau' tăng trưởng

Điểm chung trong kết quả kinh doanh quý I/2019 của  Công ty CP Đầu tư Thế Giới Di Động (TGDĐ) và Tập đoàn Vingroup là sự tăng trưởng ấn tượng ở hoạt động bán lẻ hàng hoá, vượt trội so với mảng kinh doanh khác.

Cụ thể, trong 3 tháng đầu năm, doanh nghiệp của ông Nguyễn Đức Tài đạt doanh thu thuần 25.017 tỉ và lãi sau thuế là 1.041 tỉ đồng, tương ứng mức tăng 10% và 29% so với cùng kì năm 2018.

Thấy gì từ doanh thu bán lẻ của hai ông lớn Vingroup và Thế Giới Di Động đầu năm 2019? - Ảnh 1.

Chiếm tỉ trọng nhỏ trong cơ cấu doanh thu, nhưng Bách Hoá Xanh chính là chuỗi có tốc độ tăng trưởng nhanh nhất của hệ thống TGDĐ. (Ảnh: Phúc Huy).

Với kết quả kinh doanh này, TGDĐ đã hoàn thành 23% mục tiêu doanh thu và 29% mục tiêu lợi nhuận trước thuế cho cả năm nay.

Đóng góp vào cơ cấu doanh thu của TGDĐ là chuỗi hàng điện máy Điện Máy Xanh chiếm 58%, chuỗi bán lẻ điện thoại Thế Giới Di Động chiếm 35% và phần còn lại 7% thuộc về chuỗi thực phẩm Bách Hoá Xanh. 

Tuy chiếm tỉ trọng nhỏ trong cơ cấu doanh thu nhưng Bách Hoá Xanh mới chính là chuỗi có tốc độ tăng trưởng nhanh nhất của hệ thống TGDĐ.

Trong khi đó, quý I/2019, doanh thu thuần Tập đoàn Vingroup của tỉ phú Phạm Nhật Vượng đạt 21.823 tỉ, giảm 23% so với cùng kì năm ngoái. Lợi nhuận trước thuế đạt 1.928 tỉ đồng. Lợi nhuận sau thuế của cổ đông công ty mẹ Vingroup đạt 1.010 tỉ đồng, tăng 13% so với cùng kì.

Về cơ cấu, doanh thu từ chuyển nhượng bất động sản còn 8.430 tỉ đồng, giảm 58%, doanh thu từ cho thuê bất động sản đạt 1.689 tỉ đồng, tăng 31%. Doanh thu từ hoạt động sản xuất trong quý I đạt 1.232 tỉ đồng. 

Đáng chú ý, doanh thu từ bán lẻ tại các siêu thị của Tập đoàn Vingroup tăng 70% so với cùng kì, đạt 7.025 tỉ đồng, tức gần tiệm cận doanh thu từ hoạt động bất động sản, vốn là một thế mạnh của Vingroup.

Bách Hoá Xanh đang thu gần 20 tỉ đồng mỗi ngày

Kết thúc quý I/2019, chuỗi Bách Hóa Xanh đóng góp 7% doanh thu cho Thế Giới Di Động, tương đương khoảng 1.750 tỉ đồng. So với kết quả kinh doanh vào cùng kì năm ngoái, Bách Hoá Xanh đã có tốc độ tăng trưởng gấp gần 3 lần, từ doanh thu chỉ 606 tỉ đồng, đóng góp 3% cơ cấu doanh thu, hiện đã góp 7% vào kết quả kinh doanh toàn hệ thống.

Thấy gì từ doanh thu bán lẻ của hai ông lớn Vingroup và Thế Giới Di Động đầu năm 2019? - Ảnh 2.

Bách Hoá Xanh hiện là chuỗi được TGDĐ mở rộng nhiều nhất. (Đồ hoạ: Phúc Huy).

Trong 3 tháng đầu năm, trung bình mỗi cửa hàng Bách Hoá Xanh đạt doanh thu trên 1,25 tỉ đồng. Nếu tính trung bình mỗi ngày, một điểm bán của Bách Hoá Xanh sẽ thu vào 41 triệu đồng, toàn hệ thống với 469 cửa hàng sẽ đạt hơn 19,5 tỉ đồng. 

Tuy nhiên, đây chỉ là kết quả kinh doanh vào ngày thường, bởi cuối tuần, doanh thu của Bách Hoá Xanh đạt đến 28 tỉ đồng mỗi ngày, một con số rất ấn tượng. Chiếm phần lớn doanh thu là các mặt hàng tươi sống như thịt cá, rau củ quả.

Như vậy, với kết quả đã đạt điểm hòa vốn gồm lợi nhuận trước thuế, lãi vay và khấu hao vào cuối năm ngoái, hiện trong năm hoạt động 2019, Bách Hoá Xanh đang tăng tốc để tiến tới có lãi, chậm nhất là cuối năm nay.

"Mục tiêu cần đạt đến cuối tháng 12/2019 là bắt đầu có lợi nhuận trực tiếp, tức bù đắp được chi phí hoạt động tại cửa hàng và các trung tâm phân phối nhưng chưa bao gồm ở chi phí cấp độ công ty. Từ 2020 trở đi, là năm kiếm tiền thực sự của chuỗi Bách Hoá", Chủ tịch HĐQT MWG Nguyễn Đức Tài từng khẳng định.

Tuy tỉ lệ đóng góp vào cơ cấu doanh thu còn khá khiêm tốn nhưng trước tình hình bão hoà của thị trường thiết bị công nghệ, điện tử, Thế Giới Di Động đã đặt nhiều kì vọng Bách Hoá Xanh sẽ là điểm sáng trong năm 2019, và có tốc độ tăng trưởng cao nhất.

Thấy gì từ doanh thu bán lẻ của hai ông lớn Vingroup và Thế Giới Di Động đầu năm 2019? - Ảnh 3.

Chiến lược của TGDĐ là giành khách hàng của các chợ truyền thống. (Ảnh: Phúc Huy).

Định hình Bách Hoá Xanh sẽ có nhiều triển vọng trong tương lai, nhất là khi nhu cầu sử dụng thực phẩm sạch, rõ nguồn gốc của người tiêu dùng ngày càng cao, chỉ trong tháng 3, Thế Giới Di Động đã mở mới 46 cửa hàng Bách Hoá Xanh, trong khi tổng số cửa hàng được mở mới là 50.

Ngoài ra, để có hướng đi khác so với những tay bán lẻ thực phẩm lâu đời khác, Bách Hoá Xanh cũng có chiến lược riêng như "vây ráp" các chợ truyền thống, "giành" lượng khách hàng khổng lồ từ các điểm bán này. Ngoài ra, mới đây, ông Nguyễn Đức Tài cũng tuyên bố sẽ thu mua thực phẩm tươi sống như thịt cá tại nguồn để vừa đảm bảo độ tươi, rút ngắn thời gian trung chuyển… giúp tăng lợi nhuận của chuỗi.

Liên tục thâu tóm, bán lẻ của Vingroup đã góp 30% doanh thu cho tập đoàn

Hoạt động bán lẻ dường như đạt được kết quả ngoài mong đợi của các doanh nghiệp trong quý I/2019, bởi ngoài Thế Giới Di Động, "ông lớn" Vingroup cũng thu được những kết quả khả quan ở mảng kinh doanh này.

Cụ thể, 3 tháng đầu năm mảng bán lẻ đóng góp 7.026 tỉ đồng, tăng 2.901 tỉ đồng, tương đương tăng trưởng 70,4% so với năm trước. Kết quả kinh doanh này khiến bán lẻ chiếm 32% cơ cấu doanh thu của Vingroup.

Thấy gì từ doanh thu bán lẻ của hai ông lớn Vingroup và Thế Giới Di Động đầu năm 2019? - Ảnh 4.

Mảng bán lẻ trong quý I/2019 chiếm khoảng 30% doanh thu của Vingroup. (Ảnh: Vingroup).

Đáng chú ý, một thương vụ mua bán và sáp nhập đình đám thời gian qua của Vingroup là mua lại chuỗi 87 cửa hàng tiện lợi Shop&Go với giá chỉ 1 USD. Ngoài ra, cũng trong quý I, tập đoàn của tỉ phú Phạm Nhật Vượng đã có một thương vụ sáp nhập khác với hệ thống bán lẻ Zakka. 

Bằng việc liên tục mở rộng hệ thống chuỗi đang sở hữu và các thương vụ M&A, đến thời điểm ngày 31/3, Vingroup đã có tổng cộng 2.136 điểm bán, tăng trưởng 78% so với cùng kì năm ngoái.

Thực tế, việc mở chuỗi của "ông lớn" Vingroup thường gắn với việc thâu tóm các thương hiệu bán lẻ nhỏ hơn. Năm 2018, chuỗi bán lẻ Fivimart đã bị xoá sổ bởi Vingroup mua lại 100% cổ phần. Thời điểm bị thâu tóm, Fivimart có 23 siêu thị trên toàn quốc.

Trước đó, Ocean Mart và ngay cả ông lớn Maximart cũng bị Tập đoàn Vingroup thâu tóm. Các điểm bán lẻ này sau đó được chuyển đổi thành các hệ thống bán lẻ của ông chủ mới như Vinmart, Vinmart+, Vincom.

Ở phân khúc trung tâm thương mại, năm 2019, Vingroup dự kiến đưa vào hoạt động 13 trung tâm thương mại mới ở nhiều tỉnh thành, nâng tổng số trung tâm thương mại trên toàn quốc lên con số 79.

Thấy gì từ doanh thu bán lẻ của hai ông lớn Vingroup và Thế Giới Di Động đầu năm 2019? - Ảnh 5.

Vingroup tham vọng thống lĩnh thị trường bán lẻ nội địa ngay trong năm nay. (Ảnh: Phúc Huy).

Hướng kinh doanh của "ông lớn" trong ngành bán lẻ này là tiếp tục duy trì các mô hình Vincom Center, Vincom Megamall, Vincom Plaza và Vincom+.

Để tiếp cận các thị trường khác nhau, lãnh đạo Vingroup cũng cho biết sẽ mở rộng các chuỗi này ra nhiều tỉnh thành, tuỳ vào thị hiếu và phân khúc khách hàng, các trung tâm thương mại sẽ có chiến lược riêng theo hình thức "nhập gia tuỳ tục" để mang lại kết quả kinh doanh tốt nhất.

Đặc biệt, mới đây, Vingroup đã chính thức mở cửa đài quan sát trên nóc Lanmark 81 và khai trương khu vực khách sạn 5 sao từ tầng 47 đến 77 của toà Landmark 81. Sự kiện này đánh dấu toà nhà cao nhất Việt Nam do Vingroup làm chủ đầu tư chính thức hoàn thiện các hạng mục kể từ khi đưa vào khai thác khu trung tâm thương mại vào tháng 4 năm ngoái.

Việc phát triển đầy đủ các hình thức và các kênh bán lẻ, Vingroup đang khẳng định tham vọng của mình là thống lĩnh thị trường bán lẻ nội địa ngay trong năm nay.