Ngành hàng điện thoại, điện máy đóng góp đến 90% vào tổng doanh thu năm 2018 của Công ty CP Đầu tư Thế Giới Di Động (MCK: MWG). Năm nay, doanh nghiệp kì vọng tăng trưởng doanh thu 25%, tuy nhiên, điều đó khó có thể thực hiện được bởi nhóm hàng này đang bão hòa.
Năm đầu tiên ngành điện thoại được dự báo giậm chân tại chỗ
Năm 2018, doanh thu thuần hợp nhất của Thế Giới Di Động là 86.516 tỉ đồng. Đóng góp 90% cho nguồn doanh thu này của MWG là nhóm các sản phẩm điện thoại và điện máy.
Ngành điện thoại lần đầu tiên được dự báo sẽ giậm chân tại chỗ trong năm nay.
Cụ thể, điện thoại đóng góp gần 53% tổng doanh thu của công ty, hàng điện máy chiếm 37%. Theo Thế Giới Di Động, nguyên nhân lớn của sự chênh lệch này là do nhóm sản phẩm điện thoại được bán cùng lúc ở cả hai chuỗi Thế Giới Di Động và Điện Máy Xanh.
Vì vậy, theo MWG việc đánh giá doanh thu, tốc độ tăng trưởng của tập đoàn phải được xét trên nhóm sản phẩm kinh doanh, thay vì từng chuỗi riêng biệt.
Trong năm 2019, bán lẻ điện thoại, điện máy vẫn là nguồn đóng góp doanh thu và lợi nhuận chủ yếu cho MWC. "Đế chế" bán lẻ này đặt tham vọng hàng điện máy sẽ chiếm khoảng 40% thị phần, và điện thoại sẽ tiếp tục dẫn đầu thị trường phân phối.
Với tình hình kinh doanh khả quan và tăng trưởng ấn tượng, ngành hàng điện thoại và điện máy đóng góp vào doanh thu của MWG đến 90% trong năm 2018. Tuy nhiên, với mục tiêu doanh thu toàn tập đoàn tăng trưởng 25% trong năm 2019, tức đạt khoảng 108.000 tỉ đồng là khá khó khăn với Thế Giới Di Động bởi nhóm hàng này được dự báo bước vào giai đoạn bão hòa trong năm nay.
Ngành điện thoại và điện máy góp 90% doanh thu của Thế Giới Di Động.
Tại Đại hội đông cổ đông vừa diễn ra, ông Nguyễn Đức Tài - Chủ tịch HĐQT Công ty CP Đầu tư Thế Giới Di Động, cho biết các công ty nghiên cứu thị trường dự báo ngành hàng điện thoại năm 2019 dường như không tăng trưởng, bởi chỉ nhích hơn so với năm ngoái 1%.
Trong khi đó, ở hàng điện máy, máy lạnh dẫn đầu về tốc độ tăng trưởng nhưng chỉ dừng lại ở 11%, tiếp đến là TV 10%, các sản phẩm khác đều dưới mức này.
Theo ông Tài, so với dự báo các năm trước thì tốc độ tăng trưởng của nhóm hàng này thấp đi nhiều. Đặc biệt, đây là năm đầu tiên điện thoại được dự báo giậm chân tại chỗ. Dĩ nhiên, với tốc độ tăng trưởng này, khó có thể giúp MWG đạt kì vọng tăng trưởng 25%.
TGDĐ tiếp cận khách hàng chưa tiếp cận bằng cách nào?
Trả lời các nhà đầu tư về MWG sẽ làm gì để tăng doanh thu khi thị trường điện thoại và điện máy đều bão hòa, ông Tài cho rằng trong năm 2019, doanh nghiệp sẽ bắt đầu chiến thuật tiếp cận những đối tượng khách hàng chưa tiếp cận.
Cụ thể, hướng đi của tập đoàn bán lẻ này là chuyển đổi cửa hàng Thế Giới Di Động thành Điện Máy Xanh mini hoặc Điện Máy Xanh. Đồng thời, các cửa hàng Điện Máy Xanh mini cũng được "lên đồ" thành Điện Máy Xanh.
Hướng đi của MWG là chuyển đổi cửa hàng Thế Giới Di Động thành Điện Máy Xanh mini hoặc Điện Máy Xanh.
Dự kiến, số lượng cửa hàng Điện Máy Xanh mini và Điện Máy Xanh mở mới và chuyển đổi vào khoảng 150 cửa hàng. Các cửa hàng sau chuyển đổi được kì vọng tăng trưởng doanh thu trung bình 50% so với trước đó. MWC dự kiến cuối năm 2019 sẽ có tổng cộng 1.900 cửa hàng Thế Giới Di Động và Điện Máy Xanh.
Ngoài ra, cách tiếp cận những khách hàng "chưa từng tiếp cận" của MWC còn là việc sắp xếp, bày trí lại tại các cửa hàng nhằm tối đa hóa diện tích và trải nghiệm của khách.
Ông Đoàn Văn Hiểu Em - CEO chuỗi Thế Giới Di Động và Điện Máy Xanh, cho hay trước đây các sản phẩm như máy giặt, TV trưng bày 1 hàng thì giờ cải tiến thành 1 tầng, tức cửa hàng chỉ vài trăm m2 nhưng hàng hóa trưng bày không khác nơi cả nghìn m2.
Ông Em cho hay hiện hệ thống đã thử nghiệm thành công, với doanh số tăng 30%. Trong khi đó, chi phí thuê mặt bằng, vận tải và các chi phí vận hành khác hầu như không thay đổi. Vì vậy, dự kiến khoảng 200 cửa hàng Điện Máy Xanh mini sẽ bắt đầu áp dụng hình thức này trong năm nay.
Nhảy vào kinh doanh đồng hồ là bán thứ chưa từng bán
Chiến thuật tiếp cận nhóm khách hàng chưa từng tiếp cận của MWG bao gồm cả việc bán những sản phẩm chưa từng bán để tạo ra doanh thu. Điển hình nhất của của nhóm sản phẩm mới này chính là đồng hồ khi Thế Giới Di Động chính thức kinh doanh từ đầu tháng 3.
Đồng hồ là sản phẩm mới đầu tiên MWG kinh doanh trong chiến lược bán cái chưa bán. (Ảnh: Phúc Huy).
Ngoài bán online, điểm kinh doanh đồng hồ đầu tiên của MWG nằm trong một cửa hàng Thế Giới Di Động tại quận Phú Nhuận, TP HCM. Ghi nhận của phóng viên, tuy khu vực bán đồng hồ chỉ chiếm một diện tích nhỏ nhưng việc bày trí hiện đại, chỉn chu, thu hút nhiều khách hàng trẻ.
Ông Đoàn Văn Hiểu Em cho hay theo thống kê, nhu cầu đồng hồ chính hãng, rõ nguồn gốc hiện rất lớn. Nhiều người xem đồng hồ là một phụ kiện để phối với trang phục, nhiều người phải có đến 5-7 chiếc, đặc biệt là nữ giới.
Vì vậy, việc nhảy vào thị trường này với các sản phẩm giá rẻ dưới 3 triệu đồng được xem là hướng đi phù hợp, khác nhu cầu và phân khúc với những tay chơi lớn khác như PNJ hay DOJI.
Sau chưa đến một tháng mở bán, nhưng CEO chuỗi Thế Giới Di Động và Điện Máy Xanh cho biết kết quả kinh doanh rất khả quan, cùng với việc trưng bày tốt.
Dự kiến cuối tháng sẽ có thêm hai shop đồng hồ được trình bày đẹp hơn. Nếu thử nghiệm thành công, MWG sẽ nhân lên thành 50-100 shop nhằm đẩy mạnh nhóm sản phẩm chưa từng bán và tiếp cận những khách hàng chưa từng tiếp cận.