Cổng thông tin điện tử tỉnh Đồng Nai dẫn thông tin từ lãnh đạo Sở Tài Nguyên và Môi trường cho biết, năm nay, toàn tỉnh có 89 khu đất với diện tích hơn 1.400 ha dự kiến đưa ra đấu giá. Trong đó có 15 khu từ năm 2022 chuyển tiếp và 74 khu cấp huyện đề xuất mới.
Huyện Cẩm Mỹ là địa phương có nhiều khu đất đề xuất đấu giá. Phó Giám đốc Trung tâm Phát triển quỹ đất H.Cẩm Mỹ Trần Minh Tiến cho biết, ban đầu huyện dự kiến đăng ký đấu giá 13 khu đất, nhưng sau khi xem xét các điều kiện cũng như tính khả thi của từng khu đất, huyện rút lại còn 5 khu.
Nếu cộng thêm hai khu năm 2022 chuyển sang là 7 khu. Cũng theo ông Trần Minh Tiến, năm 2022, công tác đấu giá các khu đất công trên địa bàn còn chậm, chưa thực hiện được đã phần nào ảnh hưởng đến nguồn vốn đầu tư hạ tầng: đường sá, trường học, trạm y tế, nhà ở…
Ngoài tạo vốn cho phát triển hạ tầng kỹ thuật và xã hội, việc giao đất có thu tiền, cho thuê đất thông qua đấu giá còn tạo điều kiện cho người dân, doanh nghiệp (DN) có nhu cầu được sử dụng đất với mức giá phù hợp.
Huyện Định Quán có 9 khu đất có kế hoạch đấu giá trong năm nay, trong đó, một khu là Cụm công nghiệp Phú Túc thuộc Trung tâm Phát triển quỹ đất tỉnh, còn lại 8 khu thuộc thẩm quyền của huyện (khu đất nhỏ, giá trị dưới 20 tỷ đồng). Trong số 8 khu này, có 5 khu đã có quyết định thu hồi và giao cho huyện, đã xây dựng phương án, lấy ý kiến các sở, ngành.
Theo lãnh đạo tỉnh, năm 2023, tỉnh cần nhiều vốn để đầu tư các tuyến đường kết nối sân bay, đường cao tốc và hạ tầng các đô thị. Nguồn vốn này chủ yếu đến từ đấu giá quỹ đất. Các địa phương, Trung tâm Phát triển quỹ đất tỉnh cần rà soát lại các khu đất đủ điều kiện và có khả năng cao nhanh chóng xây dựng phương án đấu giá đất theo phân cấp. Các khu đất còn lại tiếp tục làm hồ sơ cho năm sau.
Năm 2022, công tác đấu giá đất trên địa bàn tỉnh chưa đạt do nhu cầu thị trường thấp, công tác phối hợp giữa các ngành, địa phương trong việc hoàn tất các thủ tục để đấu giá đất chưa đảm bảo.
Theo lãnh đạo sở TNMT, trong 15 khu đất dự kiến đấu giá năm 2022, một khu được đưa ra đấu nhưng không thành vì không có hồ sơ đăng ký; các khu còn lại chưa tổ chức đấu giá được vì còn vướng hồ sơ, thủ tục
Còn đối với 74 khu đất các huyện, thành phố đề xuất mới, có 20 khu có trong kế hoạch sử dụng đất năm nay được duyệt, 54 khu chưa có. Khi đã có trong kế hoạch sử dụng đất năm 2023, còn phải giải phóng mặt bằng để trở thành đất sạch; đảm bảo sự phù hợp với quy hoạch chi tiết xây dựng hoặc mặt bằng quy hoạch tổng thể; thẩm định để xây dựng mức giá khởi điểm.
Lãnh đạo Sở Kế hoạch và Đầu tư cho rằng, ngoài các điều kiện kể trên, các khu đất có quy hoạch mục đích hỗn hợp (vừa thương mại, vừa nhà ở) đều phải lập chủ trương đầu tư. Chỉ khu đất quy hoạch mục đích thương mại mới không cần thủ tục này.