Theo đó tính đến nay, giá trị sản lượng xây lắp của dự án triển khai được khoảng 2.691 tỷ đồng, đạt 44,4% kế hoạch, chậm 0,62% so với kế hoạch.
Cụ thể, gói thầu XL-01 do liên danh Tổng công ty Thăng Long - CTCP Đạt Phương - Công ty TNHH Xây dựng Tự Lập thi công đạt sản lượng 860,5 tỷ đồng, đạt 57,5%, chậm tiến độ 0,61% so với kế hoạch.
Gói thầu XL-02 do liên danh CTCP Tập đoàn Cường Thịnh Thi - Công ty TNHH Nhạc Sơn - CTCP Hải Đăng thi công đạt sản lượng 300 tỷ đồng, đạt 37,13% kế hoạch, chậm tiến độ 1,12%.
Gói thầu XL-03 do liên danh Tập đoàn Phúc Lộc - Tổng công ty công trình giao thông 8 (CIENCO8) thi công đạt sản lượng khoảng 332,89 tỷ đồng (đạt 36,37%), chậm tiến độ 0,87%. Trong khi đó, gói thầu XL-04 do liên danh Tổng công ty cồ phần Xuất nhập khẩu và Xây dựng Việt Nam (VIENACONEX) - CTCP Đầu tư xây dựng và kỹ thuật VNCN E&C thi công đạt sản lượng 1.198,1 tỷ đồng (đạt 41,94%), chậm tiến độ 0,4% so với kế hoạch.
Đánh giá về tiến độ dự án trong thời gian qua, lạnh đạo Ban Quản lý dự án 7 cho biết, giai đoạn từ 17/3 - 30/4/2022 khối lượng, sản lượng cam kết các gói thầu với mốc tiến độ thi công đến ngày 30/4/2022 cơ bản đáp ứng yêu cầu. Giai đoạn từ ngày 1/5 - 31/5/2022, kế hoạch sản lượng cả dự án là 400 tỷ đồng nhưng hầu hết các nhà thầu chậm so với yêu cầu, chỉ đạt 245 tỷ đồng trong tổng số 400 tỷ đồng kế hoạch, chậm 38,7%, tương đương 155 tỷ đồng.
Giai đoạn từ ngày 1/6 - 30/6/2022, sản lượng thi công chỉ đạt 235,55 trong tổng số 624,25 tỷ đồng, đạt 37,7 % kế hoạch, chậm tiến độ 62,3%, tương đương 388,7 tỷ đồng.
Trong giai đoạn từ ngày 1/7 - 30/7/2022, kế hoạch sản lượng 400 tỷ đồng, tính đến ngày 6/7/2022 sản lượng thực hiện mới đạt 42,2 tỷ đồng.
Theo nhận định của Ban Quản lý dự án 7, việc các gói thầu chậm tiến độ ngoài một số yếu tố khách quan như: biến động giá vật liệu, thiếu nguồn đất đắp,… thì nguyên nhân chủ quan do sự thiếu quan tâm của lãnh đạo các đơn vị thi công, sự yếu kém của nhân sự thực hiện dự án của một số nhà thầu. Từ đó, dẫn đến nghiệm thu, thanh toán rất chậm; khối lượng tồn tại chưa nghiệm thu lớn khiến dòng tiền không thể quay lại công trường.
Để đẩy nhanh tiến độ thi công dự án, Ban Quản lý dự án 7 đã thực hiện hàng loạt giải pháp quyết liệt. Cụ thể, Ban Quản lý dự án 7 đã thay thế lãnh đạo ban phụ trách, giám đốc điều hành dự án, bổ sung thêm nhân sự trực tiếp quản lý dự án, bố trí cán bộ các phòng chức năng và thường trực ở công trường giải quyết các vướng mắc, phát sinh kịp thời.
Đồng thời, Ban Quản lý dự án 7 cũng tháo gỡ, đẩy nhanh công tác giải ngân vốn để nhà thầu có dòng tiền tái sản xuất như: điều chỉnh phụ lục hợp đồng tách phần sản xuất và lắp đặt để thanh toán trước phần sản xuất đối với các cấu kiện bán thành phẩm (dầm, dải phân cách giữa, …); thanh toán vật tư tập kết tại công trường để nhà thầu chủ động tập kết tránh tình trạng khan hiếm vật liệu khi các gói thầu thi công đồng loạt.
Ngoài ra, Ban Quản lý dự án 7 đã mời lãnh đạo cấp cao của các nhà thầu họp kiểm điểm định kỳ tại công trường để làm việc; rà soát lập kế hoạch chi tiết theo từng giai đoạn thực hiện của dự án, có phương án bố trí tài chính và kế hoạch huy động bổ sung phù hợp đảm bảo hoàn thành dự án trong năm 2022.
Đối với các nhà thầu xây lắp, Ban Quản lý dự án 7 đã chấn chỉnh và xử lý nhà thầu yếu kém, chậm tiến độ. Cụ thể, Ban Quản lý dự án 7 đã xử lý, điều chuyển 16,5km thi công của 3 nhà thầu chính, phụ và 4 tổ đội thi công yếu kém để yêu cầu các nhà thầu chính, nhà thầu trong liên danh thi công thực hiện.
Cùng đó, Ban Quản lý dự án 7 chủ trì xử lý cắt toàn bộ khối lượng thi công của Công ty Viễn Đông (nhà thầu phụ) giao cho Công ty TNHH Thương Mại và Sản Suất Quản Trung (doanh nghiệp địa phương) thực hiện. Đến nay, đơn vị được chỉ định đang nhận bàn giao mặt bằng, huy động thiết bị để triển khai thi công.
Hiện nay, Ban Quản lý dự án 7 đang tiếp tục theo dõi các nhà thầu Tổng công ty Thăng Long (gói thầu XL-01), liên danh gói thầu XL-02 (Cường Thịnh Thi - Nhạc Sơn - Hải Đăng), CIENCO8 (XL-03) nếu không tích cực triển khai thi công, Ban Quản lý dự án 7 sẽ tiếp tục xử lý, cắt chuyển khối lượng chậm trễ.
Đặc biệt, Ban Quản lý dự án 7 yêu cầu lãnh đạo nhà thầu phải trực tiếp ở hiện trường chỉ đạo thi công; bổ sung nhân sự chuyên môn, đẩy nhanh tiến độ hoàn thiện hồ sơ nghiệm thu để thanh toán các khối lượng công việc đã thi công, đảm bảo dòng tiền cho dự án.
Đối với tư vấn giám sát, Ban Quản lý dự án 7 yêu cầu các đơn vị này bổ sung nhân sự đảm bảo yêu cầu về chuyên môn cũng như đạo đức nghề nghiệp để tăng cường quản lý, kiểm soát chặt chẽ chất lượng công trình từ vật liệu đầu vào, máy móc, thiết bị dây chuyền công nghệ thi công đến quản lý chất lượng trong quá trình thi công đảm bảo tuân thủ theo yêu cầu của chỉ dẫn kỹ thuật và các quy định hiện hành.
Đề cập đến lộ trình triển khai trong giai đoạn tới, đại diện lãnh đạo Ban Quản lý dự án 7 cho biết, giai đoạn từ tháng 7 - 9/2022, tổng giá trị sản lượng thi công của dự án trung bình mỗi tháng thi công 8,1%; hoàn thành khối lượng các hạng mục chính, gồm 98,6km móng cấp phối đá dăm; 85/98,6km móng CTB; 55km lớp móng bê tông nhựa rỗng C25; 45km lớp bê tông nhựa C19 + C12.5; hoàn thành toàn bộ công trình cầu. Giai đoạn từ tháng 10-12/2022 hoàn thành toàn bộ khối lượng thi công còn lại tổng giá trị sản lượng dự án phải đạt 100% tương đương 6.065 tỷ đồng.
Dự án cao tốc Bắc - Nam đoạn Vĩnh Hảo - Phan Thiết dài hơn 100km đi qua tỉnh Bình Thuận, được khởi công từ cuối tháng 9/2020 và dự kiến hoàn thành vào cuối năm 2022. Dự án có tổng mức đầu tư gần 11.000 tỷ đồng gồm 2 giai đoạn. Trong giai đoạn 1 đầu tư với quy mô 4 làn xe, giai đoạn 2 đầu tư mở rộng thành 6 làn xe.
Trong một diễn biến liên quan, Bộ Giao thông Vận tải cho biết vừa có văn bản đề nghị UBND tỉnh Bình Thuận chỉ đạo các cơ quan chức năng địa phương hỗ trợ, tạo điều kiện để nhà thầu được khai thác khối lượng vật liệu đất đắp còn lại cho dự án thành phần Vĩnh Hảo - Phan Thiết.