Lãnh đạo Sở Kế hoạch và đầu tư TP HCM cho biết Tập đoàn Vingroup đã rút lui khỏi dự án công viên Saigon Safari có tổng mức đầu tư khoảng 500 triệu USD tại huyện Củ Chi. Như vậy, sau 15 năm triển khai, dự án này sẽ lại tiếp tục tìm nhà đầu tư mới.
Thực tế, UBND TP HCM đã có chủ trương Công viên Saigon Safari (Thảo cầm viên mới) từ năm 1996. Lúc đầu, dự kiến dự án được xây dựng tại quận 9, nhưng khi nghiên cứu, địa điểm được chuyển sang huyện Củ Chi.
Năm 2004, UBND TP HCM đã giao cho Công ty TNHH MTV Thảo Cầm viên (đơn vị sở hữu Thảo Cầm viên Sài Gòn) thực hiện bồi thường, xây dựng khu tái định cư chuẩn bị thực hiện dự án. Sở dĩ Công ty TNHH MTV Thảo Cầm viên được chọn vì đơn vị có nhiều kinh nghiệm trong việc vận hành công viên, vườn bách thú từ mô hình của Thảo Cầm viên Sài Gòn nằm tại trung tâm quận 1, TP HCM.
Sau khi Vingroup thoái lui, hiện Saigon Safari tại Củ Chi được đưa vào nhóm dự án kêu gọi đầu tư của UBND TP HCM. (Ảnh: Thanh Niên).
Dự án Công viên Saigon Safari có qui mô gần 500 ha, chủ yếu nằm trên hai xã Phú Mĩ Hưng và An Nhơn Tây (huyện Củ Chi), thuộc cụm du lịch văn hóa lịch sử Củ Chi.
Công viên này được kì vọng trở thành một khu du lịch sinh thái tầm cỡ quốc gia và khu vực Đông Nam Á, với các phân khu chức năng hiện đại, theo mô hình của các công viên, thảo cầm viên lớn trên thế giới.
Cụ thể, qui hoạch dự án cho biết Saigon Safari gồm khu thả thú bán hoang dã, dự kiến thả thú đặc trưng các khu vực trên thế giới, khu trưng bày thú mở gồm hệ thống chuồng trại dạng mở và cảnh quan, trưng bày các loài thú đặc trưng của các châu lục trên thế giới, vườn thú đêm trưng bày các loài thú chuyên sinh hoạt vào ban đêm.
Ngoài ra, còn có các công trình dịch vụ khác như biểu diễn thú ban ngày, ban đêm, khu dã ngoại, resort, khu vui chơi giải trí cho thiếu nhi…
Đặc biệt, mô hình của Saigon Safari là công viên giải trí du lịch sinh thái. Dự kiến sẽ có khoảng 10.000 loài động vật, 3.000 loài thực vật của các châu lục trên thế giới.
Tuy nhiên, sau hơn 10 năm, dự án do Công ty TNHH MTV Thảo Cầm viên làm chủ đầu tư vẫn chưa được triển khai.
Đến năm 2016, TP HCM chấp thuận cho Tập đoàn Vingroup làm chủ đầu tư với tổng mức đầu tư khoảng 500 triệu USD.
Dự án nằm cách trung tâm TP HCM khoảng 50 km. Xuôi theo trục đường vào cụm khu du lịch văn hoá Củ Chi, dự án Saigon Safari hiện rõ bởi những khu đất trống rộng lớn nối tiếp nhau, không nhà ở, không công trình và đặc biệt không có dấu hiệu một dự án đang được triển khai.
Xung quanh khu vực thực hiện dự án đã được cắm mốc lộ giới, giăng hàng rào kẽm gai và tên dự án, bên trong là cỏ dại mọc um tùm. Đáng chú ý, nhiều đoạn hàng rào bị "xé rách" và người dân địa phương tận dụng bãi đất trống rộng lớn để chăn thả trâu bò, trồng rau, và hoa màu.
Với qui mô gần 500 ha, để thực hiện dự án, năm 2004, UBND TP HCM đã ra quyết định thu hồi đất đồng thời giao chủ đầu tư là Công ty TNHH MTV Thảo Cầm viên Sài Gòn và UBND huyện Củ Chi tiến hành bồi thường và tái định cư cho 705 hộ dân bị ảnh hưởng.
Tuy nhiên, thời gian qua, vẫn còn một số hộ dân không đồng tình với phương án bồi thường và gửi đơn khiếu nại kéo dài, trong đó, nhiều trường hợp liên quan việc chưa có nơi tái định cư.
Một hộ dân trước căn nhà đã xuống cấp nặng trên phần đất bị giải tỏa để làm dự án Saigon Safari. (Ảnh: Tuổi Trẻ).
Đầu tháng 4, Thanh tra Chính phủ kết luận đã xảy ra thất thoát hơn 104 tỉ đồng do đền bù sai qui định tại dự án Saigon Safari và các sai sót khác liên quan khiếu nại của người dân tại dự án này.
Cụ thể, trong số 705 hồ sơ đền bù có đến 578 hồ sơ đền bù không đúng, gây thất thoát hơn 104 tỉ đồng. Nguyên nhân là theo giấy chứng nhận quyền sử dụng đất là đất trồng cây hằng năm (màu, lúa màu) hoặc đất trồng cây lâu năm (màu, vườn, thổ vườn). Tuy nhiên huyện đã áp giá "đất vườn gò tự nhiên trong khu dân cư", khiến số tiền bị chênh lệch.
Thanh tra Chính phủ cũng kết luận hơn 104 tỉ đồng này đã được chi trả cho dân, chưa phát hiện dấu hiệu vụ lợi, nhưng cần kiểm điểm nghiêm túc.
Ngoài ra, kết quả thanh tra cũng cho thấy có hơn 300 hộ thuộc diện tái định cư từ dự án Saigon Safari. Dự án tái định cư đã được phê duyệt rộng 18 ha nhưng đến nay vẫn chưa được thực hiện.
Tổng Thanh tra Chính phủ kiến nghị Thủ tướng chỉ đạo TP HCM kiểm điểm các tổ chức, cá nhân có liên quan, sớm rà soát, hoàn chỉnh các thủ tục pháp lí về chủ trương, qui mô, qui hoạch, kế hoạch sử dụng đất của dự án.
Đồng thời, khẩn trương xây khu tái định cư, tìm nơi tạm cư, chi tiền cho các hộ dân trong diện bị ảnh hưởng bởi siêu dự án Saigon Safari 500 triệu USD.
Sau khi Vingroup thoái khỏi vai trò chủ đầu tư, TP HCM đã quyết định đưa công viên Saigon Safari vào danh mục 210 dự án kêu gọi đầu tư của thành phố.
Dự án đầu tư công viên này nằm trong hạng mục các dự án về du lịch - giải trí. Theo giới thiệu, hiện Saigon Safari đều là đất sạch, qui hoạch 1/2.000 đã được UBND TP HCM phê duyệt.
Các nhà đầu tư có thể liên hệ đầu mối Sở Kế hoạch và đầu tư để tìm hiểu chi tiết về dự án nửa tỉ USD này.