Dự án đường sắt cao tốc trên trục Bắc - Nam: Doanh nghiệp nội địa tự tin đủ năng lực tham gia

Sáng nay (13/11), tại Kỳ họp thứ 8, Quốc hội khóa XV, Quốc hội đã nghe Tờ trình Phê duyệt chủ trương đầu tư Dự án đường sắt cao tốc trên trục Bắc - Nam, với sơ bộ tổng mức đầu tư khoảng 67,34 tỷ USD. Mức chi đầu tư này sẽ tác động đến nhiều ngành, lĩnh vực trong suốt thời gian dự án thi công.

Đường sắt Bắc - Nam đoạn qua tỉnh Quảng Trị. (Ảnh: Nguyên Linh-TTXVN).

Theo đánh giá của Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Trần Quốc Phương, dự án đầu tư xây dựng tuyến đường sắt tốc độ cao trên trục Bắc - Nam có tác động trực tiếp đến khoảng 7- 8 lĩnh vực. Thứ nhất là, tác động đến ngành xây dựng trong cơ cấu GDP bởi vì đây là công trình xây lắp.

Tiếp đến, dự án tác động đến các ngành phụ trợ phục vụ cho công trình này, như ngành cung cấp vật liệu cho xây dựng công trình, kể cả các vật liệu thông thường như cát, đá, sỏi hay vật liệu tạp chủng như sắt, thép để làm đường ray hoặc các công trình khác.

Đầu tháng 10 vừa qua, Thứ trưởng Giao thông vận tải Nguyễn Danh Huy cũng khẳng định, Việt Nam làm đường sắt tốc độ cao sẽ bằng nguồn ngân sách và ít chịu ràng buộc chuyển giao công nghệ nước ngoài.

"Nếu có sự tham gia của nhà thầu nước ngoài, điều kiện tiên quyết là phải sử dụng dịch vụ hàng hóa mà trong nước sản xuất được, tạo điều kiện cho doanh nghiệp trong nước tham gia với giá trị xây dựng lên tới 34 tỷ USD", Thứ trưởng Giao thông vận tải Nguyễn Danh Huy nhấn mạnh.

Chia sẻ với báo chí mới đây, ông Trần Đình Long, Chủ tịch HĐQT Tập đoàn Hòa Phát cho biết, Hòa Phát hoàn toàn ủng hộ chủ trương làm đường sắt cao tốc Bắc - Nam của Chính phủ và đặc biệt đánh giá cao chủ trương đưa yêu cầu “phải sử dụng” hàng hóa của doanh nghiệp trong nước sản xuất được vào các gói thầu.

Chủ tịch Trần Đình Long cho biết, theo tính toán của các đơn vị tư vấn, dự án cần khoảng 6 triệu tấn thép các loại. “Hòa Phát là doanh nghiệp Top 50 thế giới về sản xuất thép và chúng tôi tự tin cam kết đảm bảo cung cấp đủ khối lượng 6 triệu tấn thép các loại phục vụ dự án, đặc biệt là thép đường ray cao tốc và thép dự ứng lực cường độ cao. Ngoài ra, cam kết về chất lượng, tất cả các chủng loại sắt thép đảm bảo tiêu chuẩn chất lượng quốc tế, phù hợp với yêu cầu kỹ thuật của các gói thầu; đảm bảo thời hạn giao hàng theo đúng tiến độ dự án. Hoà Phát cũng đảm bảo giá cả cạnh tranh, thấp hơn giá thép nhập khẩu”, Chủ tịch Trần Đình Long khẳng định.

Tập đoàn Hòa Phát hiện là doanh nghiệp sản xuất thép lớn nhất Đông Nam Á, Top 50 thế giới với công suất 8,5 triêu tấn/năm. Từ năm 2025, sau khi Dự án khu liên hợp sản xuất gang thép Hòa Phát Dung Quất 2 hoàn thành, năng lực sản xuất thép thô của Hòa Phát đạt hơn 14 triệu tấn/năm; trong đó, có 8,6 triệu tấn thép cuộn cán nóng, thép chất lượng cao.

Doanh nghiệp này sở hữu các khu liên hợp thép hiện đại, đội ngũ nhân lực đã tự tin làm chủ công nghệ để sản xuất nhiều loại thép khó, chất lượng cao phục vụ công nghiệp xây dựng, cơ khí chế tạo.... Chuỗi sản phẩm đa dạng, từ các loại thép xây dựng, thép cuộn chất lượng cao, thép dự ứng lực cường độ cao, thép rút dây đến thép cán nóng (HRC), ống thép, tôn mạ.

Chủ tịch Trần Đình Long cũng cho hay, 3 năm gần đây, Hòa Phát đã nghiên cứu về dòng sản phẩm thép ray. Do vậy, tập đoàn tự tin việc sản xuất thép ray đường sắt cao tốc nằm trong khả năng.

Hiện Tập đoàn Hòa Phát đang khảo sát, đề xuất phương án đầu tư một số dự án lớn tại tỉnh Phú Yên; trong đó có dự án Khu liên hợp sản xuất gang thép. Cơ cấu sản phẩm dự kiến tại đây tập trung vào các dòng thép chất lượng cao phục vụ cơ khí chế tạo như thép tấm, thép kết cấu, thép hình, ray thép...

Các chuyên gia ngành thép cũng cho rằng, với tổng chiều dài tuyến đường lên đến 1.730 km, dự án đường sắt tốc độ cao trên trục Bắc - Nam dự kiến tạo ra nguồn cầu ổn định và liên tục trong nhiều năm, mang đến cơ hội đột phá cho ngành thép Việt.

Còn đại diện Tập đoàn Đèo Cả đánh giá, khi các nhà thầu thi công xây dựng trong nước đảm nhận được những hạng mục của dự án, các doanh nghiệp cung ứng vật liệu cũng sẽ có cơ hội tham gia, như cách làm đường bộ cao tốc Bắc -  Nam thời gian qua. Cơ hội tham gia tối đa trong chuỗi sản phẩm xây dựng dự án lần này sẽ là bước tiến mới cho các doanh nghiệp nói riêng cũng như ngành xây dựng Việt Nam nói chung.

“Đơn vị thi công các gói thầu lớn thuộc dự án đường cao tốc Bắc - Nam đang quyết tâm hoàn thành 12 dự án thành phần vào cuối năm 2025. Sau năm 2025, nhân lực, máy móc, thiết bị của các doanh nghiệp sẽ tồn đọng. Do đó, cần có cơ chế nhằm tạo điều kiện cho các doanh nghiệp này được tiếp tục sử dụng nguồn lực sẵn có tham gia Dự án đường sắt cao tốc trên trục Bắc - Nam”, đại diện Tập đoàn Đèo Cả kiến nghị.

Ngoài ra, Tập đoàn Đèo Cả đề xuất ưu tiên cho các doanh nghiệp trong nước có năng lực quản trị, đã có những sản phẩm cụ thể tổ chức dẫn dắt, kết nối, đào tạo cho các doanh nghiệp khác và ưu tiên đối với các doanh nghiệp địa phương nơi có dự án đi qua. Đặc biệt đối với một dự án có quy mô rất lớn, rất cần các đơn vị có đầy đủ năng lực, kinh nghiệm tham gia. 

chọn
Khang Điền có thể vượt mục tiêu lãi năm nhờ The Privia
SSI ước tính, trong quý IV Khang Điền sẽ bàn giao tất cả 1.043 căn hộ dự án The Privia và ghi nhận trước doanh thu từ 800 căn. Nhờ đó, lãi ròng năm 2024 của Khang Điền có thể đạt 971 tỷ đồng và vượt mục tiêu đề ra.