Dự án đường sắt đô thị Hà Nội tuyến Cát Linh - Hà Đông: Giải pháp nào khắc phục những khuyến cáo của đơn vị tư vấn?

Dự án đường sắt đô thị Hà Nội tuyến Cát Linh - Hà Đông đang được người dân Thủ đô mong đợi đưa vào khai thác thương mại nhằm giảm tải ùn tắc giao thông.

Đến thời điểm này, dự án đã được Tư vấn ACT (Pháp) cấp Chứng chỉ an toàn hệ thống và đang chờ Hội đồng kiểm tra nhà nước về công tác nghiệm thu công trình xây dựng đánh giá để đưa vào khai thác. Tuy nhiên, việc Tư vấn ACT đưa ra các khuyến cáo về rủi ro an toàn tại dự án này đang đặt ra câu hỏi liệu những cảnh báo này có thực sự quan ngại và giải pháp nào để khắc phục nhằm đảm bảo vận hành tuyến đường sắt này an toàn ở mức độ cao nhất?

Theo Bộ Giao thông Vận tải, trong báo cáo bổ sung việc nghiệm thu hoàn thành dự án đường sắt đô thị Hà Nội tuyến Cát Linh – Hà Đông của Bộ Giao thông Vận tải gửi Hội đồng kiểm tra nhà nước về công tác nghiệm thu công trình xây dựng nêu rõ: dự án đã được Tư vấn ACT cấp Chứng nhận an toàn hệ thống ngày 29/4/2021, nhưng Tư vấn cũng chỉ ra 16 nội dung khuyến cáo chưa đạt tiêu chuẩn châu Âu.

Cụ thể, Tư vấn ACT đã đánh giá 263 nội dung chuyên ngành công trình, 76 mối nguy hiểm, 31 chức năng an toàn, quản lý rủi ro của 11 chuyên ngành thiết bị. Đồng thời, Tư vấn chỉ ra 16 nội dung khuyến cáo chưa đạt tiêu chuẩn châu Âu và cần khắc phục tại dự án đường sắt đô thị Hà Nội tuyến Cát Linh - Hà Đông.

Báo cáo của Bộ Giao thông Vận tải cũng nêu rõ: đoàn tàu của dự án đường sắt đô thị Hà Nội tuyến Cát Linh – Hà Đông được sản xuất theo tiêu chuẩn của Trung Quốc dẫn đến Tổng thầu EPC là Công ty hữu hạn Tập đoàn Cục 6 đường sắt Trung Quốc không thể cung cấp được các hồ sơ tài liệu liên quan theo yêu cầu của Tư vấn ACT đánh giá theo tiêu chuẩn châu Âu.

Dự án đường sắt đô thị Hà Nội tuyến Cát Linh - Hà Đông: Giải pháp nào khắc phục những khuyến cáo của đơn vị tư vấn? - Ảnh 1.

Dự án đường sắt đô thị Hà Nội tuyến Cát Linh - Hà Đông. (Ảnh: TTXVN).

Theo đại diện Bộ Giao thông Vận tải, ngay từ khi ký hợp đồng dự án này, theo Luật Đường sắt và quy chuẩn của Trung Quốc không có đánh giá an toàn hệ thống. Tuy nhiên, đến năm 2017, việc xây dựng dự án đã hoàn tất và tiến hành lắp đặt thiết bị để chuẩn bị cho giai đoạn khai thác thì lúc này Luật Đường sắt lại có quy định đánh giá an toàn, đặc biệt đây là dự án đường sắt đô thị đầu tiên của Việt Nam.

"Để đánh giá an toàn dự án, thời điểm đó chúng ta chưa có kinh nghiệm nên phải thuê tư vấn đánh giá độc lập nhằm đảm bảo khách quan, minh bạch. Sau đó, tổ chức đấu thầu quốc tế để lựa chọn tư vấn đánh giá an toàn và kết quả Tư vấn ACT (Pháp) trúng thầu", đại diện Bộ Giao thông Vận tải cho hay.

Đại diện Bộ Giao thông Vận tải cho biết thêm, dự án đường sắt đô thị Hà Nội tuyến Cát Linh – Hà Đông xây dựng theo tiêu chuẩn Trung Quốc, còn Tư vấn ACT đánh giá theo tiêu chuẩn châu Âu nên mới có độ “vênh” giữa các tiêu chuẩn. 

Ngoài ra, dự án được phê duyệt thiết kế từ năm 2010 - 2011, trong khi đó một số nội dung được Tư vấn ACT đánh giá theo công nghệ hiện nay.

Bộ Giao thông Vận tải cho hay, trước khi cấp Chứng nhận an toàn hệ thống cho dự án vào ngày 29/4/2021, Tư vấn ACT đã báo cáo Ủy ban ISA (Ủy ban các tư vấn đánh giá an toàn độc lập mà Tư vấn ACT là thành viên) xem xét ra quyết định cuối cùng về việc vận hành đường sắt đô thị Hà Nội tuyến Cát Linh - Hà Đông.

Bên cạnh đó, 16 nội dung khuyến cáo mà Tư vấn ACT đưa ra đều là những khuyến cáo khắc phục được và tất cả đều được Bộ Giao thông Vận tải báo cáo, giải trình với Hội đồng kiểm tra nhà nước về công tác nghiệm thu công trình xây dựng.

Trao đổi với phóng viên TTXVN, đại diện lãnh đạo Cục Quản lý xây dựng và chất lượng công trình giao thông (Bộ Giao thông Vận tải) cho biết, với những khuyến cáo về an toàn khi vận hành dự án mà Tư vấn ACT đưa ra như: nút chống ngủ gật cho lái tàu tại thời điểm ký hợp đồng thực hiện dự án, nhưng trong thiết kế của dự án chưa có quy định về vấn đề này. 

Do đó, các bên phải thực hiện bổ sung giải pháp đó là trong khoang lái sẽ bố trí thêm một nhân sự (thuộc Tổ an toàn) để kiểm soát lái tàu không ngủ gật, thay vì có nút tự động như công nghệ hiện nay. Việc này sẽ giải quyết được khuyến cáo mà tư vấn ACT đưa ra.

Cũng theo vị lãnh đạo này, thực chất trong số những khuyến cáo nêu trên thì có cảnh báo về rủi ro hồ sơ, chứ không phải rủi ro về an toàn hệ thống. Còn một số cảnh báo khi khai thác dự án, Bộ Giao thông Vận tải sẽ bố trí nhân viên an toàn để kiểm soát và hỗ trợ.

Đánh giá về các khuyến cáo của Tư vấn ACT, TS Nguyễn Hữu Đức, chuyên gia giao thông cho rằng, dự án đường sắt Cát Linh – Hà Đông có tính chất đặc thù, kỹ thuật cao, công nghệ hoàn toàn mới và là tuyến đường sắt đô thị đầu tiên hoàn thành đưa vào vận hành, khai khác tại Việt Nam. Vì vậy, cần có sự kiểm tra, giám sát và vận hành thật chặt chẽ, kỹ lưỡng và chính xác để đảm bảo an toàn cao nhất.

"Dự án đường sắt Cát Linh – Hà Đông đến nay đã được Tư vấn ACT cấp Chứng nhận an toàn hệ thống. Đây là chứng nhận về mức độ an toàn của dự án đã nằm trong giới hạn cho phép, còn đối với 16 nội dung khuyến cáo mà ACT đưa ra đều là những khuyến cáo mà tổng thầu và chủ đầu tư khắc phục được", TS Nguyễn Hữu Đức chia sẻ.

TS Nguyễn Hữu Đức nhận định, với 16 nội dung khuyến cáo mà Tư vấn ACT đưa ra đều mang tính phòng ngừa rủi ro và có thể hiểu như mua một chiếc xe được nhân viên tư vấn nên lắp thêm phụ kiện để xe đẹp hơn, hoàn hảo hơn, an toàn hơn. Do đó, những khuyến cáo này vẫn chấp nhận được và Tư vấn ACT mới cấp Chứng nhận an toàn.

Một chuyên gia giao thông cho rằng, bản chất việc đánh giá an toàn hệ thống là “phát hiện và đưa ra những khuyến cáo phòng ngừa rủi ro khi vận hành khai thác”, tức là mang tính khuyến cáo rất cao. Đây thực chất là công việc để tạo dữ liệu đầu vào phục vụ công tác quản lý rủi ro hoặc hệ thống một cách an toàn.

Mặt khác, khi những khuyến cáo được đưa ra thì chủ đầu tư hoặc chủ sở hữu, nhà khai thác công trình, thiết bị nếu giải quyết được ngay hoặc có giải trình, giải pháp khắc phục trong thời gian trước mắt cũng như lâu dài thì cũng được xem xét để cấp chứng chỉ an toàn. Tất nhiên, những khuyến cáo đó vẫn được đơn vị tư vấn đánh giá bảo lưu và nêu vào chứng chỉ.

Trong khi đó, nhiều chuyên gia giao thông khẳng định, tuyến đường sắt đô thị Hà Nội tuyến Cát Linh – Hà Đông là loại hình vận tải hành khách công cộng khối lượng lớn nên sự an toàn cho hành khách là ưu tiên hàng đầu.

Chia sẻ mới đây về dự án này, lãnh đạo Bộ Giao thông Vận tải cho hay, dự án đường sắt đô thị Hà Nội tuyến Cát Linh – Hà Đồng là công trình đường sắt đô thị đầu tiên được triển khai xây dựng tại Việt Nam với yếu tố mới, đặc thù, phức tạp về công nghệ và tổ chức vận hành, chưa có công trình tiền lệ nên các thành viên của Hội đồng kiểm tra nhà nước về công tác nghiệm thu công trình xây dựng đang tiến hành kiểm tra, nghiên cứu hồ sơ, kinh nghiệm quốc tế và đánh giá một cách thận trọng, kỹ lưỡng cũng như toàn diện trước khi thống nhất kết quả đánh giá cuối cùng.

Hiện nay, 13 đoàn tàu đã được Cục Đăng kiểm Việt Nam kiểm tra, cấp giấy chứng nhận chất lượng, an toàn kỹ thuật và bảo vệ môi trường phương tiện. Các đoàn tàu đã vận hành thử hơn 15.000 km đảm bảo an toàn. Ngoài ra, dự án cũng đã được cấp chứng nhận của Cục Cảnh sát phòng cháy chữa cháy, kết quả đánh giá an toàn bước 2 về hệ thống tín hiệu.

Đường sắt đô thị Hà Nội tuyến Cát Linh - Hà Đông có chiều dài tuyến đi trên cao là 13,5km (từ Cát Linh đi Hà Đông) với 12 nhà ga trên cao. Đoàn tàu chạy với vận tốc thiết kế tối đa 80km/giờ, vận tốc bình quân khai thác 35km/giờ, khai thác với tần suất vận chuyển khoảng 2 phút/chuyến.

Dự án đường sắt đô thị Hà Nội tuyến Cát Linh - Hà Đông được khởi công vào tháng 10/2011 do Bộ Giao thông Vận tải làm chủ đầu tư với tổng mức đầu tư sau điều chỉnh là 886 triệu USD (tương đương hơn 20.000 tỷ đồng).

chọn
'Quy hoạch NOXH ở những khu vực quá xa trung tâm như Củ Chi là không khả thi'
Theo đại diện Ban Quản lý các Khu chế xuất và công nghiệp TP HCM, so với các dự án nhà ở thông thường, việc xây dựng NOXH phức tạp hơn. Chẳng hạn như việc chọn địa điểm xây dựng, nếu NOXH được quy hoạch ở những khu vực quá xa trung tâm như Củ Chi thì sẽ không khả thi do di chuyển hàng ngày bất tiện.