Dự án Palm Manor Việt Trì của GPInvest chậm triển khai từ 2013 đang được gỡ vướng, có thể ra hàng từ 2024

Theo báo cáo của Chủ tịch GPInvest, dự án Palm Manor Việt Trì được cấp giấy chứng nhận đầu tư từ năm 2013 với quy mô 58 ha nhưng nhiều năm vướng mắc về giải phóng mặt bằng, sau khi Chính phủ có động thái gỡ vướng, đến nay dự án đã có nhiều chuyển biến tích cực.

Chiều qua 3/8, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã chủ trì Hội nghị trực tuyến đánh giá kết quả thực hiện Nghị quyết số 33 của Chính phủ và đề xuất các giải pháp tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cho thị trường bất động sản, theo Báo Chính phủ.

Tại buổi làm việc, Chủ tịch CTCP Đầu tư Bất động sản Toàn Cầu (GPInvest) Nguyễn Quốc Hiệp đã chia sẻ, những chỉ đạo cụ thể của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ và Tổ công tác của Thủ tướng thời gian qua đã có những tác động cụ thể, ảnh hưởng trực tiếp đến những chuyển biến tích cực của dự án Palm Manor ở Việt Trì, Phú Thọ của GPInvest.

Cụ thể, dự án này được khởi động cấp giấy chứng nhận đầu tư từ năm 2013 với quy mô 58 ha nhưng những vướng mắc về giải phóng mặt bằng kéo dài trong nhiều năm khiến dự án mới triển khai được một phần nhỏ.

Từ tháng 5/2023, với sự chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, các bộ, ngành cùng với Nghị quyết 33, đến ngày 4/6, lãnh đạo UBND tỉnh Phú Thọ đã thông báo các biện pháp cụ thể để đẩy nhanh tiến độ dự án, giao đất từng phần để chủ đầu tư chủ động hơn trong tổ chức thi công.

Đặc biệt, tỉnh đã có yêu cầu cụ thể với Sở Tư pháp để thống nhất biện pháp giải quyết việc đền bù cho các hộ sử dụng đất nhưng chủ đứng tên sử dụng đất đã mất.

Những động thái  trên đã tạo đà cho dự án Palm Manor Việt Trì chuyển động tích cực và khả năng đầu năm 2024 sẽ có sản phẩm cung cấp cho thị trường.

Không riêng dự án ở Phú Thọ mà các dự án của GP.Invest ở Lạng Sơn, Thái Nguyên, Hải Dương… cũng đều có sự chuyển động tích cực do cách làm dứt khoát, rõ ràng của các cấp chính quyền. 

 Chủ tịch GPInvest Nguyễn Quốc Hiệp. (Ảnh: VGP).

Đề xuất các tỉnh báo cáo định kỳ 3 tháng/lần các dự án vướng mắc

Sau khi báo cáo, GPInvest đã nêu một số kiến nghị.

Thứ nhất, kiến nghị Tổ công tác của Thủ tướng yêu cầu các tỉnh thống kê báo cáo 3 tháng/lần các dự án còn tồn đọng vướng mắc không giải quyết được trong thời hạn quá 5 năm và đề xuất cách xử lý.

Thứ hai, các luật liên quan đến thị trường bất động sản dự kiến được Quốc hội thông qua vào tháng 10/2023 và có hiệu lực từ năm 2024. Như vậy sẽ có hàng loạt dự án đang triển khai thủ tục đầu tư từ 2022 và 2023 sẽ chịu tác động của những thay đổi về pháp lý. Vì vậy, cần quan tâm đến vấn đề chuyển tiếp các dự án giữa luật cũ và luật mới.

Thứ ba, đối với vấn đề cải tạo chung cư cũ và nhà ở xã hội, vừa qua Chính phủ đã có Nghị định 69 nhưng để các chủ đầu tư thực sự vào cuộc được, cần tiếp tục hướng dẫn cụ thể đồng bộ hơn theo hướng tập trung vào một đầu mối thống nhất ở các thành phố, ví dụ như Sở Xây dựng, để triển khai một số dự án rồi nhân rộng.

Về nhà ở xã hội, cần rà soát lại quy chế cho người mua nhà và chủ đầu tư trong các quy định pháp lý hiện hành để tránh cách hiểu không rõ ràng về câu chữ. Bộ KH&ĐT và Bộ Xây dựng nên thống nhất trong việc giao quỹ đất làm nhà ở xã hội cho các địa phương để kêu gọi các chủ đầu tư; đồng thời có tiêu chí về hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội đối với các dự án này để tăng tính hấp dẫn.

Thứ tư, trong Nghị quyết 33 có giao Bộ Xây dựng trình Chính phủ ban hành Nghị định quy định về quy trình, trình tự, thủ tục triển khai các dự án đầu tư xây dựng nhà ở thương mại ở khu đô thị. Rất mong Nghị định này sớm được ban hành để chuẩn hóa các bước và đơn giản hóa thủ tục cho các doanh nghiệp thực hiện dự án nhà ở thương mại khu đô thị.

chọn
TP HCM chốt phương án điều chỉnh quy hoạch chung
Theo Đồ án điều chỉnh quy hoạch chung TP HCM đến năm 2040, tầm nhìn đến năm 2060 vừa được thông qua, thành phố dự kiến hình thành và phát triển thành 5 phân vùng.