Dự án trường đua ngựa ở Sóc Sơn dự kiến nộp ngân sách hơn ngàn tỉ/năm

Theo nhà đầu tư, dự án trường đưa ngựa khi đi vào hoạt động dự kiến doanh thu bình quân 4.804 tỉ đồng/năm từ hoạt động đặt cược đua ngựa, vui chơi, tham quan, nghỉ dưỡng.
Dự án trường đua ngựa ở Sóc Sơn dự kiến nộp ngân sách hơn ngàn tỉ/năm - Ảnh 1.

(Ảnh minh họa: Người Lao Động).

Theo thông tin chúng tôi nhận được, Bộ KH & ĐT vừa có văn bản về chủ trương đầu tư dự án Tổ hợp vui chơi giải trí đa năng - Trường đua ngựa tại xã Tân Minh và Phù Linh (Sóc Sơn, Hà Nội) gửi Thủ tướng.

Bộ KH & ĐT cho biết, với các mục tiêu như "Đầu tư xây dựng trường đua ngựa", "Xây dựng công trình hạ tầng kỹ thuật, công trình dân dụng khác; xây dựng, vận hành hệ thống cấp, thoát nước và xử lý nước thải; lắp đặt và vận hành hệ thống điện", "Đầu tư xây dựng; kinh doanh khách sạn 3 sao, biệt thự du lịch nghỉ dưỡng tiêu chuẩn 3 sao, trung tâm thương mại và hội nghị, hội thảo" không trái với quy định tại Biểu cam kết Thương mại và dịch vụ của Việt Nam trong WTO.

"Do đó, việc thực hiện mục tiêu này là chấp thuận được", Bộ KH & ĐT cho hay.

Cũng theo Bộ này, mục tiêu "Tổ chức hoạt động đua ngựa" không quy định tại Biểu cam kết thương mại dịch vụ của Việt Nam trong WTO và cũng không thuộc ngành nghề cấm đầu tư kinh doanh theo quy định tại Điều 6 Luật đầu tư. Do đó, việc thực hiện mục tiêu hoạt động này là có thể xem xét, chấp thuận được.

Mục tiêu "Tổ chức đặt cược đua ngựa" không quy định tại Biểu cam kết thương mại dịch vụ của Việt Nam trong WTO.

Mục tiêu này không thuộc Danh mục cấm đầu tư kinh doanh, nhưng thuộc Danh mục ngành nghề đầu tư kinh doanh, có điều kiện quy định tại Điều 7 và Phụ lục 4 Luật Đầu tư. Do đó, việc thực hiện mục tiêu hoạt động này là có thể xem xét, chấp thuận được và doanh nghiệp cần đáp ứng điều kiện đầu tư kinh doanh.

Theo Bộ KH&ĐT, một số mục tiêu khác của dự án như sản xuất nội dung các cuộc đua ngựa... cũng có thể chấp nhận được.

Bộ này cũng dẫn đánh giá của nhà đầu tư rằng dự án khi đi vào hoạt động sẽ tạo ra những tác động tích cực đến sự phát triển kinh tế nói chung của thành phố Hà Nội và phát triển kinh tế - xã hội, hoạt động du lịch, dịch vụ nói riêng tại địa bàn huyện Sóc Sơn

Cụ thể, dự kiến doanh thu bình quân/năm của dự án khi đi vào hoạt động là 4.804 tỉ đồng từ hoạt động đặt cược đua ngựa, vui chơi, tham quan, nghỉ dưỡng. Nộp ngân sách bình quân hàng năm khoảng 1.526 tỉ đồng, số tiền thuê đất của dự án trong 50 năm tạm tính là khoảng 403 tỉ đồng.

Dự án cũng góp phần tăng thu nhập cho người dân, tạo việc làm cho khoảng 600 lao động (bao gồm cả lao động trực tiếp và lao động gián tiếp), đặc biệt ưu tiên các lao động trong diện bị thu hồi đất triển khai dự án.

Về tiêu cực, dự án sẽ sẽ ảnh hưởng đến diện tích đất trồng lúa, tuy nhiên không làm ảnh hưởng đến quy hoạch sử dụng đất lúa của thành phố Hà Nội nói chung và huyện Sóc Sơn nói riêng. Bên cạnh đó, số lao động nông nghiệp bị ảnh hưởng đến việc làm khi thu hồi đất sản xuất khoảng 3.280 lao động.

Căn cứ hồ sơ Dự án, ý kiến thẩm định của 7 Bộ ngành và UBND TP Hà Nội, Bộ KH & ĐT đề nghị Thủ tướng xem xét, quyết định chủ trương đầu tư dự án Trường đua ngựa.

Bộ này cũng giao UBND TP Hà Nội chịu trách nhiệm về các thông tin, số liệu báo cáo tại hồ sơ dự án, các nội dung giải trình, tiếp thu của nhà đầu tư và các nội dung đã thẩm định theo quy định của pháp luật, đảm bảo việc triển khai thực hiện dự án phù hợp với quy hoạch đã được phê duyệt.

chọn
Các dự án của Novaland, Nam Long, DIG ở Đồng Nai đón tin mừng
Quy hoạch chung TP Biên Hòa vừa được phê duyệt điều chỉnh cục bộ. MBS đánh giá động thái này sẽ giúp đẩy nhanh tiến độ phê duyệt quy hoạch 1/500 các phân khu thuộc dự án Aqua City, Izumi và Khu đô thị Long Tân.