Du lịch Việt Nam có thể thiệt hại 5 tỉ USD nếu dịch Covid-19 kéo dài hết quí II

Bộ Kế hoạch Đầu tư (KHĐT) nhận định nếu dịch Covid-19 kéo dài hết quí I, thiệt hại về doanh thu từ khách quốc tế năm 2020 là khoảng 2,3 tỉ USD, nếu dịch kéo dài hết quí II, thiệt hại khoảng 5 tỉ USD.

Du lịch lao dốc

Những năm qua, thị trường Trung Quốc luôn đứng đầu trong tổng lượng khách quốc tế đến Việt Nam, chiếm tỉ trọng cao nhất. Trung bình khoảng 30% trong cơ cấu khách quốc tế đến Việt Nam và luôn có khoảng cách lớn so với các thị trường khách lớn khác như Nhật Bản, Mỹ, Đài Loan...

Đối với một số địa phương như Khánh Hòa, Quảng Ninh… lượng khách Trung Quốc chiếm tỉ trọng hơn 60%.

Du lịch Việt Nam có thể thiệt hại 5 tỉ USD nếu dịch Covid – 19 kéo dài hết quí II - Ảnh 1.

Từ 30/1/2020, số lượng khách Trung Quốc đến Việt Nam giai đoạn có dịch là bằng 0. (Ảnh: Khải An)

Từ khi dịch Covid–19 bùng phát, Cục Hàng không đã có lệnh tạm thời hủy tất cả các đường bay giữa Việt Nam và Trung Quốc và ngược lại từ chiều ngày 01/2/2020.

Ngoài ra, Quảng Ninh đã đóng cửa tất cả các đường mở, lối mòn biên giới với Trung Quốc và Chính phủ đã tạm ngừng cấp visa cho khách Trung Quốc từ 30/1/2020 nên số lượng khách Trung Quốc đến Việt Nam giai đoạn có dịch là bằng 0.

Theo Bộ KHĐT, khách Trung Quốc đến nước ta bình quân mỗi quí năm 2019 khoảng 1,45 triệu khách. Trong tháng 1/2020, lượng khách Trung Quốc đến nước ta là 644,7 nghìn lượt khách.

Nếu dịch Covid-19 kết thúc cuối quí I/2020, lượng khách Trung Quốc trong quí I là 644,7 nghìn lượt khách, giảm so với trường hợp không có dịch khoảng 800 nghìn lượt khách.

Nhưng dịch Covid-19 kết thúc cuối quí II/2020, con số này sẽ giảm khoảng 2,3 triệu lượt khách so với trường hợp không có dịch.

Do ảnh hưởng bởi dịch Covid-19, số lượng khách từ các quốc gia khác nhập cảnh vào nước ta cũng sẽ giảm mạnh do Việt Nam là nước có biên giới đường bộ với Trung Quốc và đã có người nhiễm virut Covid-19. Ước tính số lượng khách từ các quốc gia này sẽ giảm khoảng 50%-60% trong giai đoạn có dịch.

Du lịch Việt Nam có thể thiệt hại 5 tỉ USD nếu dịch Covid – 19 kéo dài hết quí II - Ảnh 2.

Nhiều hàng quán đóng cửa do vắng khách Trung Quốc. (Ảnh: Khải An)

Ngoài ra, Bộ KHĐT cũng cho biết, về tổng mức chi tiêu của khách quốc tế tại Việt Nam, dựa vào kết quả điều tra chi tiêu của khách quốc tế đến Việt Nam, khách Trung quốc đến nước ta chi tiêu bình quân khoảng 743,6 USD/1 khách, các khách đến từ các quốc gia khác chi tiêu bình quân 1.141,5 USD/1 khách.

Với mức chi tiêu này, nếu dịch kéo dài hết quí I, thiệt hại về doanh thu từ khách quốc tế năm 2020 là khoảng 2,3 tỉ USD, nếu dịch kéo dài hết quí II, thiệt hại khoảng 5 tỉ USD.

Nhiều kế hoạch kích cầu

Trước tình hình du lịch giảm mạnh, ngoài việc thực hiện mọi biện pháp dập dịch Covid–19 trong thời gian sớm nhất, Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho biết, sẽ chủ trì, phối hợp với các Bộ, ngành liên quan nghiên cứu, đề xuất các phương án kích cầu nhằm bảo đảm giữ vững mục tiêu tăng trưởng.

Trong đó, giao Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch phối hợp với Bộ Ngoại giao, Bộ Công an khẩn trương xây dựng, triển khai thực hiện chương trình kích cầu, giảm giá du lịch để thu hút khách trở lại.

Du lịch Việt Nam có thể thiệt hại 5 tỉ USD nếu dịch Covid – 19 kéo dài hết quí II - Ảnh 3.

Trong thời gian tới các bộ ngành sẽ ban hành nhiều gói kích cầu hỗ trợ du lịch tăng trưởng trở lại. (Ảnh: Khải An)

Xem xét khả năng miễn lệ phí, đơn giản thủ tục visa cho khách du lịch trọn gói đi theo đoàn do các công ty lữ hành quốc tế phục vụ. Nghiên cứu giảm giá, miễn phí vé, phí tham quan từ trong thời gian diễn ra dịch và 2-3 tháng sau thời gian kiểm soát dịch bệnh để kích cầu du lịch sau khi dịch được kiểm soát.

Bên cạnh đó, Bộ KHĐT đã giao Ngân hàng Nhà nước phối hợp với các cơ quan liên quan nghiên cứu ngay một số gói chính sách tín dụng hỗ trợ cho các doanh nghiệp nhỏ và vừa, hợp tác xã, nông dân chịu ảnh hưởng của dịch bệnh báo cáo Thủ tướng Chính phủ trong tháng 2/2020.

Đồng thời giao Bộ Tài chính báo cáo Thủ tướng Chính phủ trong tháng 2/2020, nghiên cứu các giải pháp, chính sách thuế hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa; doanh nghiệp logistics, doanh nghiệp bán lẻ, doanh nghiệp sản xuất, chế biến hàng nông lâm thủy sản, dịch vụ, du lịch, như: gia hạn thời hạn nộp thuế thu nhập cá nhân, miễn tiền phạt chậm nộp thuế khi doanh nghiệp đã nộp đủ thuế, miễn, giảm thuế xuất nhập khẩu hàng hóa trực tiếp phục vụ công tác chống dịch, khấu trừ thuế….

Hoặc miễn, giảm tiền thuê đất của nhà nước cho doanh nghiệp và người dân chịu ảnh hưởng của dịch bệnh trong thời gian diễn ra dịch bệnh, kéo dài thời gian, giãn tiến độ nộp tiền thuê đất sau khi dịch bệnh được kiểm soát. 

Giảm chi phí đầu vào cho doanh nghiệp thông qua hỗ trợ, giảm giá thuê đất, mặt bằng, giá điện, nước cho các doanh nghiệp logistics, doanh nghiệp bán lẻ để kịp thời hỗ trợ các dịch vụ hậu cần, lưu thông, kho lạnh, bảo quản hàng hóa, tiêu thụ nông lâm thủy sản nhằm thúc đẩy và tăng cầu nội địa trong thời gian chịu ảnh hưởng của dịch bệnh.

chọn
Incomex thoát lỗ 2024 nhờ khoản lãi đột biến, đang bắt tay với công ty con BIM Group làm dự án ở Vĩnh Phúc và Long Biên
Quý IV/2024, Incomex bất ngờ ghi nhận khoản lợi nhuận khác 5,7 tỷ đồng, nhờ đó thoát lỗ trong năm 2024. Doanh nghiệp hiện đang bắt tay với Catalan Land để hồi sinh dự án Xuân La, đồng thời hợp tác với công ty con của BIM Group đầu tư hai dự án bất động sản ở TP Phúc Yên và quận Long Biên.