Theo Ủy ban Chứng khoán Nhà nước, Luật Chứng khoán được ban hành vào năm 2006. Sau 4 năm thực hiện, Chính phủ đã trình Quốc hội bổ sung, sửa đổi một số điều của Luật Chứng khoán năm 2006.
Luật Chứng khoán và các văn bản hướng dẫn thi hành đã tạo lập khung khổ pháp lý tương đối đầy đủ, đồng bộ điều chỉnh toàn diện hoạt động chứng khoán và thị trường chứng khoán.
Trước đó, Bộ Tài chính cho rằng, việc sửa đổi toàn diện, ban hành Luật Chứng khoán mới nhằm tiếp tục hoàn thiện cơ chế, chính sách, phát triển thị trường chứng khoán ổn định, vững chắc, cấu trúc hoàn chỉnh với nhiều cấp độ, đảm bảo tính công khai, minh bạch, tiếp cận với các chuẩn mực và thông lệ quốc tế.
(Ảnh minh họa) |
Thời gian qua, Bộ Tài chính đã chủ trì, phối hợp với các cơ quan liên quan xây dựng dự án Luật Chứng khoán sửa đổi. Theo đó, Dự thảo Luật Chứng khoán sửa đổi gồm 10 chương, 137 điều.
So với luật hiện hành, Dự thảo Luật Chứng khoán sửa đổi ghép hai chương: “Thanh tra và xử lý vi phạm” và “Giải quyết tranh chấp, khiếu nại, tố cáo và bồi thường thiệt hại” thành một chương “Thanh tra, xử lý vi phạm, giải quyết tranh chấp và bồi thường thiệt hại”.
Về phạm vi điều chỉnh, Dự thảo Luật Chứng khoán sửa đổi theo hướng khái quát các nội dung của Luật. Đồng thời, sửa đổi, bổ sung một số điều kiện cụ thể về hoạt động chào bán/phát hành chứng khoán.
Dự thảo Luật cũng tách bạch điều kiện chào bán cổ phiếu lần đầu ra công chúng và điều kiện chào bán thêm cổ phiếu ra công chúng để phù hợp với tính chất của việc chào bán.
Dự thảo Luật quy định điều kiện về mức vốn điều lệ đã góp của tổ chức phát hành tối thiểu 30 tỷ đồng, nâng quy định điều kiện hoạt động kinh doanh lên hai năm liên tục liền trước năm đăng ký chào bán phải có lãi thay vì một năm như Luật hiện hành.
Đồng thời, Dự thảo quy định điều kiện riêng đối với chào bán cổ phiếu lần đầu, quy định tổng giá trị của đợt phát hành thêm, quy định khoảng cách các đợt chào bán…
Dự thảo Luật Chứng khoán cũng sẽ sửa đổi quy định về nâng tiêu chí về vốn để trở thành công ty đại chúng, từ 10 tỷ lên thành 30 tỷ đồng.
Đối với các quy định về tỷ lệ sở hữu nước ngoài tại công ty đại chúng, Dự thảo Luật cũng có những sửa đổi, bổ sung cơ bản để đảm bảo tính rõ ràng, phù hợp và khả thi hơn.
Mô hình tổ chức của Sở giao dịch chứng khoán (SGDCK) cũng được sửa đổi cho phù hợp với Luật Doanh nghiệp. Theo đó, SGDCK Việt Nam được tổ chức dưới hình thức công ty TNHH hoặc công ty cổ phần theo quy định tại Luật Doanh nghiệp, hoạt động theo Luật Chứng khoán.
Ngoài các nội dung cơ bản trên, Dự thảo Luật lần này cũng sẽ có những điểm sửa đổi, bổ sung về các quy định liên quan tới công ty chứng khoán, công ty quản lý quỹ đầu tư chứng khoán, về công bố thông tin, về thanh tra, xử lý vi phạm...
Theo dự kiến, Luật Chứng khoán sửa đổi sẽ được trình Quốc hội khóa XIV cho ý kiến tại kỳ họp thứ 7 (tháng 5/2019) và thông qua tại Kỳ họp thứ 8 (tháng 10/2019).
Bị phạt 550 triệu đồng vì dùng 32 tài khoản thao túng cổ phiếu KDM
Ủy ban Chứng khoán Nhà nước (UBCKNN) đã ra quyết định phạt ông Hoàng Minh Tú số tiền 550 triệu đồng vì sử dụng 32 ... |
Chứng khoán châu Á diễn biến trái chiều sau tin Mỹ đánh thuế Trung Quốc
Thị trường Hong Kong có thời điểm mất hơn 1%, trong khi chứng khoán Nhật Bản liên tục đi lên. |