Gần đây, câu chuyện một doanh nghiệp taxi thị phần lớn là Mai Linh “chuyển mình” làm xe ôm công nghệ được nhiều người quan tâm. Ngoài ra còn có chuyện tài xế taxi Ba Sao tại Hà Nội đình công vì cho rằng bị ảnh hưởng quá nhiều bởi sự thống lĩnh của Uber, Grab. Xung quanh những câu chuyện này, Zing.vn đã có buổi trò chuyện với ông Nguyễn Văn Thanh, Chủ tịch Hiệp hội Vận tải ôtô Việt Nam.
- Ông có nhận xét gì về quyết định “chuyển mình” làm xe ôm công nghệ của Mai Linh cũng như dư địa dành cho doanh nghiệp taxi này?
- Tôi thấy Mai Linh gia nhập xe ôm công nghệ là việc hết sức bình thường. Quyết định này của họ chắc hẳn có lý do. Theo tôi thị trường xe ôm còn rất nhiều dư địa để phát triển, còn rất nhiều cơ hội.
- Nói như ông có vẻ thị trường xe ôm công nghệ đang rất hấp dẫn và cũng khá dễ làm, liệu có dẫn đến cảnh taxi khó khăn chuyển sang làm xe ôm công nghệ?
Ông Nguyễn Văn Thanh, Chủ tịch Hiệp hội Vận tải ôtô Việt Nam.
- Tôi nghĩ ai mà làm theo phong trào thì có thể sẽ thất bại.
Các nhà doanh nghiệp không nghĩ đơn giản vậy. Họ thấy thị trường còn dư địa mới làm, nếu không thì không thể làm. Ngoài ra, họ cũng phải tính toán kỹ nhiều yếu tố, có thu hồi vốn và có lợi nhuận hay không. Nếu cứ làm kiểu “theo voi hít bã mía, theo đóm ăn tàn” thì sẽ thất bại.
- Nhiều người cho rằng từ khi Uber, Grab làm xe ôm công nghệ đã góp phần định hình loại hình vận tải này. Khi Mai Linh tham gia thì thị trường lại càng sôi động. Ông có nghĩ Nhà nước cần có chính sách để quản lý, có điều kiện kinh doanh rõ ràng hơn với loại hình xe ôm công nghệ?
- Tôi nghĩ không cần phải có một đề án hay chính sách cụ thể quản lý xe ôm công nghệ. Bản thân những người lái xe ôm đã là những lao động yếu thế, có thu nhập thấp trong xã hội. Họ cũng phần nhiều là làm thêm, kiếm thêm thu nhập, sau đó có thể chuyển sang ngành nghề khác.
Chúng ta hãy tập trung quản lý thật tốt taxi truyền thống và taxi công nghệ. Ôtô mới là tương lai của thị trường vận tải.
Việc quản lý xe ôm hãy để bản thân thị trường điều tiết. Chính các hãng như Uber, Grab đã tự đưa ra các phương án quản lý của mình để nâng cao chất lượng, thu hút khách hàng. Nếu hãng nào làm không tốt sẽ không được khách hàng chấp nhận.
Ví dụ họ đưa ra tiêu chuẩn xe chạy là như thế nào, đồng phục, mũ ra sao, đi với tài xế nào, tên là gì, biển số xe là bao nhiêu đều được thông báo đến khách hàng… Điều này sẽ làm thị trường văn minh hơn.
- Thị trường xe ôm công nghệ đang chứng kiến sự cạnh tranh rất ác liệt về giá. Khi giá giảm, đồng nghĩa sẽ ảnh hưởng đến thu nhập của tài xế?
- Rẻ hay đắt hãy để cho người lao động quyết định. Nếu rẻ quá chắc chắn không có người vẫn mua xe chạy cho Grab, Uber? Tôi nghĩ cần thận trọng, chúng ta nên khuyến cáo chứ đừng kêu hộ.
Hãy để kinh tế thị trường quyết định việc đó. Anh nào có thu nhập cao thì anh tiếp tục chạy xe. Anh nào có thu nhập thấp và thấy thấp có thể chuyển nghề.
- Việc Mai Linh gia nhập lĩnh vực xe ôm công nghệ khiến nhiều người lo ngại tăng vọt phương tiện giao thông cá nhân tại các thành phố lớn. Ông thì sao?
- Thực ra mục đích của kinh tế chia sẻ là hạn chế phương tiện cá nhân tuy nhiên khi đưa vào Việt Nam lại có câu chuyện gia tăng như vậy. Nhiều người mua ôtô để chạy Grab, Uber khiến gia tăng phương tiện. Việc tăng thêm không thể gọi là xe cá nhân nữa mà phải gọi là xe chở khách.
Mai Linh chính thức khai trương xe ôm công nghệ từ ngày 20/11. Ảnh: Mai Linh.
Việc tăng phương tiện một các chóng mặt khiến hai thành phố là Hà Nội và TP.HCM “cuống” lên để hạn chế. Tuy nhiên, quy định về xe hợp đồng điện tử thì lại không cho phép các địa phương hạn chế phương tiện. Một nghị định khác lại có thể hạn chế số lượng xe taxi.
Giả sử nếu hạn chế số phương tiện thì chính Uber và Grab cũng sẽ phản ứng. Quan điểm của tôi là cần phải công bằng nhưng có thể để gia tăng phương tiện một cách thoải mái. Sở dĩ như vậy để cho thị trường sàng lọc. Anh nào làm được tốt thì tồn tại, ông nào dở thì sẽ bị đào thải theo đúng quy luật thị trường.
- Như vậy lại càng khó quản lý và vấn đề ùn tắc giao thông ngày càng nghiêm trọng?
- Đúng là có thể gây ùn tắc nhưng chúng ta phải công bằng. Tại sao người dân mua xe thì không thể hạn chế được mà lại đi hạn chế xe taxi? Xe hợp đồng điện tử cũng không có chính sách hạn chế mà lại chỉ hạn chế riêng taxi?
- Vài ngày trước nhiều tài xế taxi Ba Sao đã đến trụ sở đình công yêu cầu hãng hỗ trợ do doanh thu và thu nhập ngày càng suy giảm khi phải cạnh tranh với Uber, Grab. Ông nghĩ sao về hiện tượng này?
- Đó là dấu hiệu bất bình thường của thị trường. Điều đó chứng tỏ các hãng taxi truyền thống không còn đủ sức để cạnh tranh. Nó sẽ ảnh hưởng trực tiếp ngay đến đời sống của người lao động. Người lao động phải tự bươn trải.
Giờ buộc lòng các hãng cần phải tính toán lại việc điều hành của mình ra sao. Hiện nay chủ yếu là khoán cái này, khoán cái kia, cần xem lại để đáp ứng thời đại mới. Đến một mức độ nào đó, nếu anh không thể thích ứng được nữa thì anh có thể chuyển đổi.
Chuyển đổi sang hình thức có dư địa mới như Mai Linh cũng là một hình thức có thể tham khảo. Ngoài ra, cần áp dụng khoa học kỹ thuật vào để chuyển đổi xe của mình. Nâng cao chất lượng dịch vụ để cạnh tranh với taxi công nghệ.
Tài xế tụ tập trước cửa văn phòng taxi Ba Sao. Ảnh: Quốc Quân.
- Như vậy vấn đề chính là sự công bằng?
- Tôi nghĩ là sự công bằng và nhấn mạnh phát triển theo quy luật thị trường.
Nhà nước cần phải có quy định rõ ràng để tạo sự bằng bình đẳng của các loại hình vận tải về điều kiện kinh doanh, nghĩa vụ đóng thuế. Cạnh tranh thì cứ để các hãng cạnh tranh, chỉ cần tạo sân chơi công bằng.
Thị trường xe ôm công nghệ cũng vậy, doanh nghiệp nào cảm thấy có dư địa thì hãy để họ thử sức. Nếu sau một khoảng thời gian không thể tranh tranh nổi họ sẽ tự rút lui thôi. Sau một thời gian quá độ sẽ hoàn thành việc sắp xếp lại thị trường, phân chia thị phần.
Tháng 1/2018, Bộ Giao thông vận tải sẽ tổ chức tổng kết Quyết định 24 về thí điểm ứng dụng hợp đồng điện tử. Ảnh: Quỳnh Trang.
- Tháng 1/2018, Bộ Giao thông vận tải sẽ tổ chức tổng kết Quyết định 24 về thí điểm ứng dụng hợp đồng điện tử. Sau đó chắc chắn Bộ sẽ có những điều chỉnh cho phù hợp. Ông có kỳ vọng một giải pháp tạo sân chơi bình đẳng cho các loại hình vận tải hay không?
- Tôi rất kỳ vọng. Mình không thể cấm được Uber, Grab. Tuy nhiên, nếu cứ để thế này thì taxi truyền thống cũng lâm vào phá sản và giảm mạnh. Chúng ta cần một sự bình đẳng, và tôi được biết Bộ GTVT cũng mong muốn tạo một sự bình đẳng như vậy, tạo cơ chế chính sách cho phù hợp.
Đừng để đến lúc taxi truyền thống không mang được bộ mặt khỏe khoắn, sạch sẽ nữa thì quá muộn.
Cuộc chiến taxi: Định danh rõ ràng Uber, Grab và “quản” như taxi
Thí điểm Uber, Grab đã làm thay đổi cách thức điều hành, vận tải taxi trong nước, nhưng còn nhiều bất cập, gây bất bình ... |