Đừng hỏi con được điểm mấy, hãy hỏi hôm nay con đi học có vui không

Đừng hỏi con được điểm mấy, hãy hỏi hôm nay con đi học có vui không. Bố mẹ có bao giờ tự hỏi con có đang thực sự hạnh phúc với cách giáo dục hiện tại?

Từ trước đến nay, chúng ta vốn coi việc giáo dục trẻ là công việc một chiều, nghĩa là giáo viên dạy trẻ, cha mẹ dạy trẻ, trẻ là đối tượng thụ động tiếp nhận kiến thức. Rất ít khi trẻ được nhận sự tương tác giáo dục hai chiều. Và cũng ít có giáo viên, cha mẹ nào để ý rằng trẻ có đang thực sự hạnh phúc với cách giáo dục đó không.

Anh Nguyễn Minh Thành, hiện là Nghiên cứu sinh Thạc sỹ ngành Tâm lý học giáo dục và Phát triển tại Trung Quốc, có những chia sẻ về khía cạnh giáo dục dựa trên hạnh phúc của trẻ - một cái nhìn khá mới về giáo dục trẻ với các bậc phụ huynh hiện nay.

dung hoi con duoc diem may hay hoi hom nay con di hoc co vui khong
Anh Nguyễn Minh Thành, hiện là Nghiên cứu sinh Thạc sỹ ngành Tâm lý học giáo dục và Phát triển tại Trung Quốc. (Ảnh: NVCC)

- Chào anh, là người đang nghiên cứu về tâm lý học tích cực và giáo dục tích cực, theo anh, hạnh phúc đóng vai trò gì trong giáo dục trẻ?

- Thưa chị và các độc giả, tâm lý học tích cực là một phong trào đã phát triển nhanh chóng trong thập kỷ qua. Do rất nhiều người quan tâm đến việc nghiên cứu có hệ thống các khía cạnh tích cực của sự phát triển con người hơn là các rối loạn tâm thần. Hạnh phúc, tính tích cực, cảm xúc tích cực và các tổ chức tích cực là các chủ đề nghiên cứu phổ biến được nghiên cứu dưới tên của tâm lý học tích cực với sự xác nhận thực nghiệm về những tác động tích cực của chúng đối với việc tự tăng cường và phòng ngừa bệnh tâm thần.

Giáo dục tích cực được định nghĩa là sự bao hàm cả chương trình giáo dục truyền thống và giáo dục hạnh phúc cho người học.

Một vài nghiên cứu về Tâm lý học đã chỉ ra rằng: Tỷ lệ trầm cảm ở những người trẻ tuổi tăng cao trên toàn thế giới một cách đáng kinh ngạc. Gần 20% thanh niên trải qua một giai đoạn trầm cảm lâm sàng vào cuối năm học trung học (Lewinsohn và cộng sự, 1993). Theo một số ước tính, sự phổ biến của trầm cảm hiện nay tăng hơn 10 lần so với 50 năm trước đây (Wickramaratne và cộng sự, 1989).

Một điều đáng chú ý rằng tỷ lệ trầm cảm ở trẻ tỷ lệ nghịch với sự phát triển về kinh tế - xã hội và giáo dục. Vậy thì ở đây yếu tố môi trường không hẳn là nhân tố chính tác động tới thực trạng này. Tất cả mọi thứ đều tốt hơn, nghĩa là mọi thứ trừ tinh thần của con người.

Một hướng mới mở ra trong giáo dục đó chính là: Giáo dục tích cực, nhấn mạnh và chú trọng vào việc xây dựng một cá nhân hạnh phúc – mạnh mẽ và dễ dàng thích nghi. Yếu tố hạnh phúc được đưa ra ở đây như một trong những mục tiêu để giáo dục hướng tới.

Martin E. P. Seligman (Chủ tịch hiệp hội TLH Mỹ) là người thúc đẩy trào lưu Tâm lý học tích cực đã có một phát biểu rằng: “Giáo dục dựa trên hạnh phúc của trẻ xem như là một liệu pháp đối phó với trầm cảm, một phương tiện để tăng sự hài lòng của cuộc sống và như một trợ giúp để học tập tốt hơn và tư duy sáng tạo hơn”.

dung hoi con duoc diem may hay hoi hom nay con di hoc co vui khong
Giáo dục tích cực, nhấn mạnh và chú trọng vào việc xây dựng một cá nhân hạnh phúc – mạnh mẽ và dễ dàng thích nghi. (Ảnh: ISMS)

- Anh có đề cập đến “giáo dục dựa trên hạnh phúc trẻ”, khái niệm này nghe có vẻ mới, ít nhất là đối với các bậc phụ huynh. Xin anh có thể giải thích thêm về nó?

- Giáo dục dựa trên hạnh phúc của trẻ có nghĩa là mọi nguồn lực trong quá trình giáo dục: Chương trình, phương pháp giáo dục, môi trường và cơ sở vật chất, thậm chí là đào tạo giáo viên, tương tác Gia đình – Nhà trường – Xã hội…đều lấy mục tiêu xây dựng một cuộc sống hạnh phúc cho trẻ làm trung tâm.

Giáo dục dựa trên hạnh phúc của trẻ được xây nên từ một số trụ cột như:

1. Giáo dục dựa trên sự ghi nhận, đánh giá cao và thúc đẩy điểm mạnh của học sinh.

2. Tạo ra những cải thiện có thể đo lường được về hạnh phúc và hành vi của học sinh.

3. Tạo điều kiện thuận lợi cho học sinh tham gia vào việc học tập sáng tạo và nâng cao thành tích.

Xin được đưa ra 6 lớp nhân đức cần chú ý khi giáo dục trẻ trong bảng đánh giá VIA theo Tâm lý học tích cực: Tự do - Công bằng - Dũng cảm - Khiêm tốn - Nhân ái - Vượt trội.

Giáo dục dựa trên hạnh phúc của trẻ còn nhất mạnh một chiều hướng nữa là: Tạo lập cho trẻ một phong cách sống tích cực và chia sẻ.

Trong nghiên cứu về ảnh hưởng của tâm lý học tích cực vào trường học, Martin E. P. Seligman cùng cộng sự đã đề ra một chương trình giáo dục mang tên: Ba điều tốt đẹp. Theo đó, hướng dẫn học sinh ghi lại ba điều tốt đẹp xảy ra mỗi ngày trong một tuần. Bên cạnh mỗi sự kiện tích cực được liệt kê, học sinh trả lời tiếp câu hỏi: 'Tại sao điều tốt này lại xảy ra?', 'Điều này có ý nghĩa gì đối với bạn?', 'Làm thế nào bạn có thể tăng khả năng có nhiều điều tốt trong tương lai?’

dung hoi con duoc diem may hay hoi hom nay con di hoc co vui khong
Giáo dục dựa trên hạnh phúc của trẻ còn nhất mạnh một chiều hướng nữa là: Tạo lập cho trẻ một phong cách sống tích cực và chia sẻ. (Ảnh: Dân trí)

- Từ trước đến nay chúng ta vốn quen với việc bắt trẻ học, rèn trẻ học. Vì luôn cho rằng không giám sát nó sao nó học, không trẻ nào thích học cả, vậy giáo dục dựa trên hạnh phúc trẻ có là bất khả thi với bố mẹ và giáo viên?

- Như tôi đã trình bày ở trên, giáo dục dựa trên hạnh phúc hiểu đơn giản là làm sao để trẻ cảm thấy hạnh phúc, yêu việc học tập của mình.

Quá trình học tập phải được mở rộng về không gian vượt ra khỏi phạm vi lớp học và gia đình, mở rộng về phương pháp theo hướng lấy người học làm trung tâm, để trẻ tự tìm tòi ra hứng thú và cách thức tiến hành hoạt động học. Thầy cô giáo và cha mẹ đóng vai trò là người cung cấp nguyên liệu và chỉ dẫn hợp lý với mức độ vừa phải để trẻ tự điều chỉnh quá trình học tập của mình.

Tôi có một ví dụ nho nhỏ như sau: Tôi có một học sinh trong tiết vẽ con gà nhưng học sinh đó chỉ thích vẽ con lợn. Cô yêu cầu thế nào cũng không nghe. Một số người sẽ cho rằng trẻ không thích học vẽ con gà hoặc trẻ chống đối giáo viên. Tuy nhiên sau đó chúng tôi đã cùng làm 1 công tác nho nhỏ để tác động vào trẻ như sau: Cô giáo lại gần bên trẻ và nói:

Giáo viên: Cô thấy con vẽ bạn lợn thật đẹp đó, bạn lợn của con tên gì vậy?

Trẻ: Dạ, bạn tên là con Lợn đấy cô ạ

Giáo viên: Ồ, bạn Lợn, bạn lợn thích ăn gì con nhỉ?

Trẻ: Bạn Lợn ăn cơm cô ạ, bạn Lợn đang đi ăn này cô.

Giáo viên: (ghé sát tai vào bức tranh): Ô, bạn Lợn đang nói chuyện với cô này, bạn ý bảo đi ăn một mình buồn quá, mà bạn Lợn muốn đi với bạn Gà đấy. Giờ phải làm thế nào nhỉ?

Trẻ: Con sẽ vẽ thêm một bạn Gà để hai bạn đi ăn với nhau cô ạ.

Vậy là cuối cùng chúng ta vừa đảm bảo được mục tiêu giáo dục, vừa làm trẻ yêu thích quá trình học tập, không gây ra sự căng thẳng trong mối quan hệ cô trò.

Lưu ý rằng, giáo dục tích cực không phải là chỉ tập trung vào thứ trẻ thích/thứ trẻ mạnh mà bỏ qua các môn học, yếu tố còn lại. Mà là quá trình giáo dục dựa trên điểm mạnh và cảm nhận hạnh phúc – hài lòng của người học với công việc học tập từ đó khơi gợi lòng ham mê học hỏi của học sinh.

- Phải thừa nhận một thực trạng rằng, điểm số, kiến thức là hai thứ được coi trọng hơn cả trong giáo dục trẻ hiện nay. Cảm xúc, mong muốn của trẻ, trẻ có hạnh phúc khi được giáo dục theo cách đó, dường như ít khi được nhắc đến và chú ý đến. Anh có nghĩ đây là sai lầm và cần phải thay đổi?

- Điểm số và kiến thức là những nhân tố có thể thống kê và nhìn thấy một cách dễ dàng do đó nó được coi là hai yếu tố chính để đánh giá chất lượng học tập của trẻ. Đây không phải là sai lầm, có chăng là sự thiếu sót bởi hai yếu tố này không hoàn toàn nói lên tính hiệu quả của một nền giáo dục.

Theo tôi được biết, trong những năm gần đây rất nhiều trường ở các thành phố lớn đã thay đổi cách đánh giá trong giáo dục, đó là thêm vào yếu tố cảm xúc và sự hài long của người học đối với chương trình giáo dục. Cùng với đó, chương trình giáo dục cảm xúc cho trẻ, các công trình khoa học về xây dựng khung đánh giá cảm xúc cho trẻ ở Việt Nam cũng đã được quan tâm nghiên cứu. Đây là một tín hiệu rất đáng mừng để chúng ta có thể tiến thêm một bước trong việc nâng cao chất lượng giáo dục.

Riêng với Giáo dục mầm non, các chương trình tiên tiến của thế giới như Montessori, Reggio Emilia, Steiner…cũng đã du nhập vào và mang theo làn gió mới, nhân văn – tôn trọng trẻ – đa dạng các hoạt động giáo dục. Điều cần thay đổi nhất lúc này là tư duy của người làm giáo dục – đặc biệt là công tác đào tạo giáo viên, bởi chất lượng của nền giáo dục không thể đi trước chất lượng của Giáo viên được.

Tôi nhớ mãi câu nói mà thầy Harfan trong truyện "Chiến binh cầu vồng" đã phát biểu "...Học tập không phải lúc nào cũng buộc chặt với những mục tiêu như lấy được bằng cấp hay trở nên giàu có. Học tập là cao quý, là ca tụng nhân bản, là niềm vui khi đuọc cắp sách tới trường và là ánh sáng văn minh".

dung hoi con duoc diem may hay hoi hom nay con di hoc co vui khong
Bố mẹ cần lắng nghe trẻ. Đây là bước đầu tiên bố mẹ cần luyện tập để tương tác hiệu quả với con. (Ảnh: Dân trí)

- Và để thay đổi, thì bố mẹ/ phụ huynh cần thay đổi từ đâu, bắt đầu từ cái gì?

Có một câu thần chú tôi hay dùng khi tiếp xúc với trẻ và các bố mẹ cũng đã áp dụng khá thành công đó là “Lắng nghe”. Đó là bước đầu tiên chúng ta cần luyện tập để có một tương tác hiệu quả hơn với con em mình.

- Lắng nghe nhu cầu bản thân mình trước khi tiếp xúc với trẻ: Một câu hỏi đặt ra rằng: Nếu chúng ta không hạnh phúc, nội tâm không thanh thản liệu chúng ta có truyền được sự hạnh phúc, yên bình cho con không?

- Lắng nghe nhu cầu của con: Bố mẹ nên trả lời các câu hỏi: Con đang có gì? Con đang cần gì? Con đang muốn gì?

Trả lời được những thắc mắc này chúng ta sẽ có cơ hội thấu hiểu hơn về con em mình để có những sự trợ giúp và định hướng đúng đắn và hiệu quả.

Tôi cũng có một lời khuyên cho Bố mẹ, chúng ta nên tìm đến sự học hỏi các kiến thức về Tâm lý học trẻ em, Y tế, Giáo dục học…hay thậm chí là Âm nhạc, Mỹ thuật…để có một kiến thức nền tảng cơ bản về đặc điểm của trẻ qua từng giai đoạn và cách thức tiếp xúc – tương tác hiệu quả hơn với con em mình.

Cùng với đó chúng ta phải nhớ rằng: Trẻ em sống trong một thế giới riêng, khác với thế giới của người lớn chúng ta. Muốn trẻ mở cánh cửa cho bố mẹ đi vào thám hiểm vùng đất đó, chúng ta cần phải dành được sự tin tưởng hơn là khiếp sợ; đồng hành hơn là dạy dỗ và chấp nhận hơn là phục tùng.

dung hoi con duoc diem may hay hoi hom nay con di hoc co vui khong
Trong giáo dục trẻ, bố mẹ đóng vai trò là người đồng hành và tin tưởng con. (Ảnh: Vietnamnet)

- Theo anh, trẻ sẽ được lợi gì khi được giáo dục dựa trên nền tảng là hạnh phúc? Về mặt phụ huynh và giáo viên, họ cũng có nhận được lợi ích ít nhiều chứ?

Khi tiến hành giáo dục tích cực dựa trên nền tảng hạnh phúc sẽ giúp cho trẻ em:

- Giảm áp lực của quá trình giáo dục bởi trẻ được làm chủ quá trình học tập của mình trong một môi trường đề cao cảm xúc và sự hài lòng của người học.

- Bởi giáo dục tích cực hướng tới xây dựng hình ảnh một đứa trẻ lạc quan, có nội tâm mạnh mẽ, am hiểu về cảm xúc, thích nghi tốt trong các môi trường khác nhau….nên trẻ em được giáo dục theo phương cách này sẽ trở thành những cá nhân vững vàng, ít bị ảnh hưởng tiêu cực bởi sự tác động của môi trường bên ngoài, nhạy bén trong sự đồng cảm và gắn kết với thế giới.

- Trẻ được giáo dục dựa trên nền tảng hạnh phúc sẽ gia tăng cảm giác yêu mến học tập, quá trình giáo dục sẽ không còn mang tính một chiều ép buộc từ phía người lớn. Trẻ do vậy cũng tự tìm tòi một cách sáng tạo và hiệu quả hơn dưới sự giúp sức và đồng hành từ cha mẹ, giáo viên và cộng đồng.

Về phía người chăm sóc và giáo dục trẻ, tiến hành giáo dục tích cực cũng mang lại những hiệu ứng tốt như:

- Giảm được những cảm xúc tiêu cực do quá trình giáo dục một chiều, ép buộc mang lại. Bởi giáo dục tích cực đã biến toàn bộ quá trình dạy học trở thành một tương tác đề cao tính hạnh phúc và cảm xúc tích cực.

- Đưa ra một sự lựa chọn mới mang tính nhân văn cho quá trình giáo dục trẻ em. Cùng với đó tạo cơ hội cho phụ huynh và giáo viên được sống trong một môi trường giáo dục hạnh phúc, tràn ngập niềm vui và sự tôn trọng.

- Một đứa trẻ hạnh phúc là một đứa trẻ thông minh, anh nghĩ sao về điều này? Phải chăng nó là thông điệp của giáo dục trong hạnh phúc?

- Theo tôi, có thể thay đổi lại câu nói này thành: Một đứa trẻ hạnh phúc là một công dân có ích.

- Xin chân thành cảm ơn anh về những chia sẻ rất có ích này!

chọn
Lãnh đạo Fecon: Luật mới không ảnh hưởng đến mảng BĐS của công ty, cam kết trả cổ tức 2022 vào quý IV năm nay
Giai đoạn đến 2029, Fecon cho biết đang nghiên cứu phát triển và triển khai đầu tư khoảng 11 dự án bất động sản với tổng giá trị gần 2 tỷ USD. Với các luật mới vừa được thông qua, ban lãnh đạo đánh giá không ảnh hưởng quá nhiều đến Fecon, các dự án của doanh nghiệp hiện khá là thuận lợi so với sự thay đổi của các luật.